Bitexco muốn đầu tư cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết theo hình thức BOT

Tập đoàn Bitexco vừa đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ định doanh nghiệp này là nhà đầu tư của Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết theo hình thức BOT.   

Được biết, Bitexco chính là nhà đầu tư đã theo đuổi dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết ngay từ khi chủ trương đầu tư công trình theo hình thức xã hội hóa được Bộ GTVT khởi xướng.

Trong văn bản vừa được gửi tới Bộ GTVT, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, trong 9 năm qua, Bitexco đã bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư khác để tập trung thời gian, nguồn lực để thực hiện một khối lượng công việc rất lớn theo yêu cầu của các cơ quan liên quan, cũng như nhà tài trợ để có thể sớm triển khai thành công dự án.

“Đến nay, ngoài chi phí cơ hội, tổng số tiền mà Bitexco đã chi trả cho dự án này theo giá trị được Viện Kinh tế Xây dựng thẩm tra  là 157 tỷ đồng”, ông Hội cho biết.

Để góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc Nam, cũng như để đảm bảo quyền lợi cho công sức mà nhà đầu tư bỏ ra, Bitexco đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ định doanh nghiệp này là nhà đầu tư của Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết theo hình thức BOT.

“Bằng nguồn lực tài chính cũng như năng lực quản lý nhiều dự án lớn về bất động sản, năng lượng, Bitexco cam kết sẽ triển khai dự án bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả”, ông Hội khẳng định.

Trước đó, tại Quyết định số 1597/QĐ – TTg ngày 26/10/2012 về việc triển khai thí điểm Dự án theo hình thức PPP của Thủ tướng Chính phủ, Bitexco được chọn là nhà đầu tư thứ nhất với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 60% trong doanh nghiệp dự án. Nhà đầu tư thứ hai sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế.

Bitexco muốn đầu tư cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết theo hình thức BOT  ảnh 1

 Nếu không sớm đầu tư cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, tuyến Quốc lộ 1 từ Đồng Nai đi Ninh Thuận sẽ sớm quá tải

Tuy nhiên, sau hơn 9 năm triển khai, Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết gần như đứng yên tại chỗ, dù đã từng tiệm cận mục tiêu khởi công xây dựng sau các đợt roadshow quốc tế rầm rộ để lựa chọn nhà đầu tư thứ hai vào năm 2013.

Vào tháng 8/2016, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT đàm phán với Bitexco theo hai phương án. Một là, Bitexco sẽ không tiếp tục tham gia dự án và xem xét hoàn trả phần kinh phí Bitexco đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư từ trước đến nay (theo báo cáo của Bitexco, toàn bộ chi phí khoảng 150 tỷ đồng, kinh phí này đã được Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng thẩm tra) và một khoản chi phí cơ hội hợp lý.

Hai là, Bitexco chỉ tham gia với tỷ lệ tham gia phù hợp (theo ý kiến của Bitexco trước đây, nếu không nắm giữ tỷ lệ chi phối trên 50% trong Doanh nghiệp dự án thì Bitexo chỉ tham gia với tỷ lệ là 10%, để thu hồi chi phí đã bỏ ra cho dự án, tương ứng khoảng 150 tỷ đồng) hoặc tham gia với tư cách Nhà đầu tư độc lập, sẽ được hưởng ưu đãi 5% khi tham gia đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư với tư cách Nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Do những vướng mắc về pháp lý và khung thể chế chưa giải quyết được nên việc tiếp tục thực hiện dự án thí điểm theo hình thức PPP rất khó khăn. Để đẩy nhanh công tác triển khai Dự án, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị đưa công trình vào đề án chung của tuyến cao tốc Bắc – Nam, thực hiện theo hình thức BOT kết hợp với đầu tư của Nhà nước.

Tin bài liên quan