Ông Lại Xuân Thanh (phải). Ảnh:Nguyễn Long.

Ông Lại Xuân Thanh (phải). Ảnh:Nguyễn Long.

'Ba năm chưa giao được ai đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất'

Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được doanh nghiệp nêu như điển hình cho tình trạng chậm trễ thủ tục, quy trình đầu tư hạ tầng hàng không. 

"Tắc nghẽn" của ngành hàng không nằm ở chính sách, quy trình và thủ tục hành chính là nhận định chung tại tọa đàm "Xây dựng môi trường cạnh tranh của ngành hàng không" chiều 16/5.

Dẫn ví dụ về tình trạng của Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho biết, sân bay đã được thông qua chủ trương mở rộng nhưng 3 năm nay vẫn chưa quyết định cho ai làm chủ đầu tư. Theo ông, việc chậm trễ triển khai dẫn đến tắc nghẽn cả ở các cảng hàng không khác. 

"Chỉ thông qua chủ trương đầu tư dự án, nhưng cần ai trình và trình ai cũng rất khó giải đáp rồi", ông Thanh nói. Theo ông, Luật Đầu tư đã quy định ACV phải trình đề án mở rộng sân bay cho TP HCM, thay vì trước đây chỉ trình Bộ Giao thông khiến cho thủ tục đầu tư kéo dài.

Cùng với đó, việc đầu tư khu bay Tân Sơn Nhất vốn do Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư cũng chưa rõ phương án đầu tư như thế nào. Nếu xây nhà ga T3 không đồng bộ hạ tầng khu bay, đường lăn, sân đỗ thì nhà ga không thể phát huy.

Lãnh đạo ACV còn nói thêm, mảng dịch vụ nhà ga có lợi nhuận nhất thì doanh nghiệp này thường không được giao đầu tư mà được giao đầu tư đường lăn, sân đỗ - những hạng mục không có lãi.  

"Nếu Luật không xử lý thì không thể đầu tư sân bay. Tôi không nói là Nhà nước cần giao cho chúng tôi, song đó là quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp quản lý sân bay Tân Sơn Nhất", ông Thanh nói gay gắt.

Với góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định, quá trình gia nhập thị trường của các hãng hàng không vẫn rất khó khăn, thậm chí phi lý. Theo ông, hạn chế về đường băng mà đề nghị doanh nghiệp không được mở rộng kinh doanh là cách nói không hợp lý, kìm hãm sự phát triển. Đồng thời, thay vì phải tìm cách giải quyết vấn đề tồn tại thì các cơ quan quản lý lại không cho phép doanh nghiệp làm. 

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Nhà nước cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ rộng để các doanh nghiệp có thể bình đẳng cạnh tranh. Bởi điều hay nhất của thị trường vận tải hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh. Cạnh tranh trên thị trường hàng không ở đây không chỉ giữa các hãng mà còn là giữa kinh tế Nhà nước và tư nhân. Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách.

Bình đẳng giữa doanh nghiệp hàng không tư nhân và nhà nước

Cả lãnh đạo ACV lẫn đại diện Vietnam Airlines, Bamboo Airways tại buổi toạ đàm đều hơn một lần nhắc tới sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. 

Đại diện cho ACV, ông Lại Xuân Thanh nói đơn vị này xây dựng sân bay tốc độ không kém doanh nghiệp tư nhân vì đã có kinh nghiệm, có năng lực và không chậm giải ngân.

"Sân bay Vân Đồn xây mất 27 tháng. Nếu giao chúng tôi xây nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu hành khách sẽ chỉ mất 24 tháng", ông Thanh chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhận định: "Nếu giao cho làm nhà ga mới thì các doanh nghiệp nhận ngay nhưng nếu nâng cấp đường băng, đường lăn, trong tổng thể cảng thì quả thực rất khó khăn để giải quyết bài toán tổng thể", ông Minh khẳng định.. 

 Ông Đặng Tất Thắng. Ảnh: Nguyễn Long 

Về phía doanh nghiệp hàng không tư nhân, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways cũng nhấn mạnh doanh nghiệp chỉ mong muốn có sân chơi "bình đẳng".

Theo ông, khi thành lập, hãng phải bám theo cả Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 92, như vậy số lượng thủ tục là gấp đôi. Hiện nay, hãng có 10 máy bay song khi muốn nâng số máy bay lên lại phải "chạy một vòng" từ Thủ tướng, các bộ ngành trong khi quy định cũ chỉ cần Bộ Giao thông chấp thuận

Ông Thắng cũng khẳng định, Bamboo Airways sẵn sàng đầu tư mở rộng sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất để giải quyết ách tắc nếu được các địa phương giao mặt bằng sạch. Hãng cũng không ngại đầu tư một nhà ga riêng, đường băng riêng để Bamboo và các hãng khác khai thác.

Hiện nay, hãng phải giải quyết các khó khăn về ách tắc tại sân bay như mở đường bay từ Hải Phòng đi Quy Nhơn thay vì đi từ Hà Nội. Ngoài ra, hãng cũng có thể bay đêm từ TP HCM nếu được cấp slot để giảm quá tải vào ban ngày. 

Theo TS Cung, các hãng cạnh tranh để cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng đối thủ hay làm cho đối thủ yếu đi. Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không còn mang lại lợi ích lớn cho khách hàng, giúp nhiều người dân có cơ hội đi máy bay giá rẻ.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, không chỉ doanh nghiệp tư nhân mà doanh nghiệp nhà nước cũng có những nỗi khổ, vấn đề bắt nguồn từ thể chế.

"Thái độ của chúng ta với doanh nghiệp nhà nước là không cần ưu ái cũng chẳng ưu tiên nhưng cần cởi trói. Không thể cho ưu ái rồi lại trói họ lại, bó tay bó chân chậm trễ ngay từ thủ tục xin cấp phép", TS Vũ Tiến Lộc nói. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, thị trường mênh mông, cơ hội lớn nhưng điểm nghẽn thì nhiều và từ nhiều phía, như hạ tầng cơ sở sân bay điểm đỗ ít, điểm nghẽn này cũng bắt đầu từ thể chế, các sân bay cơ sở cho phục vụ bay chưa phát triển là do chưa mở cửa cho tư nhân. Lỗi ở pháp luật là chưa đảm bảo an toàn minh bạch chứ không phải ở hình thức đầu tư PPP. Do đó, theo ông, cần gỡ từ luật PPP để tư nhân đầu tư mạnh. 

Tin bài liên quan