Trước Đà Nẵng, Bình Dương cũng đã có trường đua ngựa 100 triệu USD. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trước Đà Nẵng, Bình Dương cũng đã có trường đua ngựa 100 triệu USD. Ảnh: Thành Nguyễn.

500 triệu USD đầu tư tám dự án tại Đà Nẵng

Các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử, ôtô, hàng không vũ trụ... sẽ được các doanh nghiệp đầu tư vào Đà Nẵng.

Tại chương trình "Toạ đàm Mùa xuân" do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 1/3, tám dự án được trao Giấy Chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 500 triệu USD.

Hai công ty của Mỹ đầu tư vào dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (170 triệu USD, tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng; diện tích 17ha) và Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử (50 triệu USD, tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, diện tích 12.332m2).

Trong khi đó có ba dự án của các công ty của Nhật Bản, gồm đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (30 triệu USD, tại Khu công nghiệp Hòa Khánh) và dự án Tháp ven sông (56,387 triệu USD tại phường Bình Thuận, quận Hải Châu, diện tích 3.125m2); mở rộng Khu Du lịch Xuân Thiều (vốn đầu tư 100 triệu USD tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Ba dự án còn lại đầu tư mở rộng Nhà máy sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ôtô Nissan tại Đà Nẵng (vốn đầu tư 50 triệu USD); mở rộng Nhà máy sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ôtô các loại (vốn đầu tư 6 triệu USD); xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị du lịch Thủy Tú (vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng).

UBND TP Đà Nẵng cũng trao thông báo cho nghiên cứu đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn gần 3,5 tỷ đồng. Trong đó có dự án trung tâm tài chính trên đường Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp (vốn đầy tư 2 tỷ USD) cho một nhà đầu tư Singapore; Câu lạc bộ cưỡi ngựa Việt Nam (vốn đầu tư 200 triệu USD tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, của Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam); Nhà máy sản xuất máy nén khí và robot hút bụi (vốn đầu tư 87 triệu USD)...

Tại phần thảo luận, ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch tập đoàn Đại Nam, người được biết đến với cái tên Dũng "lò vôi", cũng bày tỏ mong muốn xây dựng nhà máy xử lí nước thải bằng vi sinh, giúp Đà Nẵng hướng đến thành phố môi trường. Dự án tương tự đã được thực hiện tại Bình Dương.

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết thành phố đang tập trung tháo gỡ kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ liên quan đến sai phạm đất đai, nhằm khơi thông nguồn lực từ đất đai để doanh nghiệp và thành phố đầu tư phát triển.

"Việc thực hiện Kết luận 2852 đã gây không ít khó khăn trong quản lý về đất đai, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, người dân và doanh nghiệp" ông Nghĩa nói.

Người đứng đầu Đà Nẵng cho biết thành phố sẽ chú trọng đến tính minh bạch, hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách. Trong năm 2019, Đà Nẵng cần nâng cao các chỉ số quan trọng có dấu hiệu chững lại hoặc giảm điểm, như: chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng; tính minh bạch và tiếp cận thông tin...

Tin bài liên quan