15 năm vật vã, vẫn chưa định rõ quy mô tuyến metro số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi sau gần 15 năm khởi động vẫn chưa thể định hình chính xác quy mô và phân kỳ đầu tư.
Phối cảnh Khu tổ hợp Ngọc Hồi của Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên

Phối cảnh Khu tổ hợp Ngọc Hồi của Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên

Liên tục điều chỉnh

Đã có rất nhiều thay đổi tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên giai đoạn I (Dự án Metro số 1) nếu lấy mốc là thời điểm Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi công trình được hoàn tất vào năm 2004.

Tại thời điểm này, Dự án Metro số 1 được thiết kế có chiều dài 28,7 km, với tổng mức đầu tư hơn 26.976 tỷ đồng, phục vụ tàu khách Thống Nhất, tàu liên vận, tàu du lịch và tàu đô thị.

Bốn năm sau, trên cơ sở sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã phê duyệt Dự án giai đoạn I gồm Khu tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát - Gia Lâm, với tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng (vốn ODA 13.973 tỷ đồng, vốn đối ứng 5.487 tỷ đồng).

Tại thời điểm đó, Dự án có quy mô xây dựng Khu tổ hợp Ngọc Hồi trên diện tích 95 ha để di chuyển các đơn vị của ngành đường sắt tại ga Hà Nội, Giáp Bát và là đầu mối phía Nam của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; xây dựng đoạn cầu cạn ga Giáp Bát - ga Gia Lâm, dài 11,51 km (bao gồm 3 ga quốc gia, 6 ga đô thị), cầu đường sắt vượt sông Hồng; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị đồng bộ cho Dự án (hệ thống điện, thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe điện...).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thiết kế kỹ thuật, khi so sánh hiệu quả đầu tư đoạn Giáp Bát - Ngọc Hồi thuộc giai đoạn II xây dựng song trùng với giai đoạn I có hiệu quả cao hơn, nên năm 2011, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép tách Dự án giai đoạn I thành 2 dự án riêng biệt. 

“Sau khi điều chỉnh, phạm vi dự án giai đoạn I sẽ không đầu tư đoạn tuyến trên cao từ Giáp Bát - Gia Lâm như phương án đầu tư ban đầu, mà chỉ tập trung vào Khu tổ hợp Ngọc Hồi, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.302 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Đối với Dự án giai đoạn IIA điều chỉnh sẽ xây dựng đoạn tuyến từ Ngọc Hồi đến Hà Nội (gồm dự án giai đoạn IIA cũ và điều chuyển đoạn tuyến từ Giáp Bát đến Hà Nội từ giai đoạn I trước đây sang).

Sau khi điều chỉnh, phạm vi Dự án giai đoạn 2, sẽ đầu tư bổ sung đoạn tuyến trên cao Giáp Bát - ga Hà Nội. Tại thời điểm được Bộ GTVT phê duyệt năm 2012, Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 24.825 tỷ đồng.   

UBND huyện Thanh Trì đã đề nghị chủ đầu tư sớm bổ sung vốn và cam kết sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung trong tháng 1/2018.
“Như vậy, sau khi điều chỉnh, phạm vi của 2 dự án thành phần có sự thay đổi so với trước đây; cụ thể, sẽ không đầu tư đoạn tuyến trên cao từ Hà Nội đến Gia Lâm (trong đó có cầu đường sắt vượt sông Hồng); các hạng mục còn lại của giai đoạn I và giai đoạn IIA sẽ được phân kỳ triển khai vào các dự án thành phần trong giai đoạn sau của dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Tuy nhiên, mức đầu tư 2 dự án nói trên hiện vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Cụ thể, mặc dù đang trong quá trình điều chỉnh, nhưng nhiều khả năng, Dự án giai đoạn IIA điều chỉnh sẽ tăng 5.602 tỷ đồng (lên mức 30.427 tỷ đồng) so với quyết định phê duyệt ban đầu.

Mặt khác, qua rà soát các đoạn còn lại (Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên với chiều dài khoảng 13,32 km, bao gồm cả cầu vượt đường sắt sông Hồng), ước tính kinh phí sẽ vào khoảng 32.064 tỷ đồng.

Khó đảm bảo tiến độ Dự án do thiếu vốn giải phóng mặt bằng

Được biết, hiện Bộ GTVT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ này tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước khi báo cáo Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện (dự kiến vào kỳ họp tháng 10/2018).

Đối với việc khởi động lại Dự án giai đoạn I điều chỉnh dù đã có quyết định đầu tư, nhưng tiến độ đang phụ thuộc rất lớn vào khả năng cấp vốn phục vụ giải phóng 151 ha mặt bằng tại Khu tổ hợp Ngọc Hồi.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2017, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cập nhật, bổ sung Quyết định số 1198/QĐ - BGTVT ngày 24/4/2017 Phê duyệt điều chỉnh Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên) giai đoạn I vào các quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời, Bộ này cũng xin ứng trước 180 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020  để thực hiện giải phóng mặt bằng của Dự án metro số 1 Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tại các buổi làm việc với Đoàn giám sát Dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA (từ ngày 29/5/2017 đến ngày 6/6/2017), nhà tài trợ yêu cầu phía Việt Nam bố trí vốn để hoàn thành tối thiểu 50% khối lượng giải phóng mặt bằng cho Khu tổ hợp Ngọc Hồi thì mới phê duyệt hồ sơ mời thầu và chấp thuận cho phép thực hiện công tác đấu thầu Dự án.

Trong khi đó, báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho thấy, tính đến tháng 9/2017, UBND huyện Thanh Trì đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 32/151 ha Khu tổ hợp Ngọc Hồi; hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, lập hồ sơ đủ điều kiện để phê duyệt với giá trị là 250 tỷ đồng; các hộ dân có đất bị thu hồi rất đồng thuận với chủ trương thu hồi đất và sẵn sàng nhận tiền bồi thường hỗ trợ bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án.

Để tránh phát sinh, khiếu kiện trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, nguy cơ phải điều chỉnh phương án, tăng kinh phí giải phóng mặt bằng, UBND huyện Thanh Trì đã đề nghị chủ đầu tư sớm bổ sung vốn và cam kết sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung trong tháng 1/2018.

Với tổng nhu cầu vốn cho hạng mục giải phóng mặt bằng của Dự án giai đoạn I là 2.310 tỷ đồng, trong khi đó, từ năm 2009 đến 2017, Dự án mới được bố trí 388 tỷ đồng và kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 là 512 tỷ đồng, có thể khiến khả năng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào năm 2020 để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2024 là khó đạt được.

“Việc nguồn vốn bố trí đối ứng hạn hẹp, không đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư, chưa đủ điều kiện để thi công xây lắp làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá.

Tin bài liên quan