Bong bóng nợ
Theo Bloomberg, trong 7 ngày đầu tháng 9, các tập đoàn ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản đã bán chứng khoán nợ với tổng trị giá khoảng 150 tỷ USD. Trong đó, khối lượng vay của các công ty Mỹ vượt quá 74 tỷ USD.
Đây là mức kỷ lục trong lịch sử kể từ khi số liệu này được thống kê vào năm 1972. Và chỉ trong 3 ngày, chứng khoán nợ đổ vào thị trường Mỹ nhiều hơn cả tháng 8 gộp lại.
Thoạt nhìn, hoạt động tích cực của các nhà đầu tư có nghĩa là mọi thứ đều ổn trên thị trường tài chính, nhưng thực tế lại ngược lại.
Nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Vào tháng 8, chỉ số hoạt động kinh doanh trong ngành công nghiệp của Mỹ (PMI) lần đầu tiên sau 3 năm giảm xuống dưới mức 50, đồng nghĩa với sự suy giảm sản xuất trong lĩnh vực này.
Còn trong lĩnh vực bất động sản, doanh số bán nhà hoàn thiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm.
Thậm chí, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường bộ giảm mạnh, gần 50% trong vòng một năm.
Kết quả là, ngành công nghiệp bị cuốn theo một làn sóng phá sản và sa thải.
Theo Công ty nghiên cứu Broughton Capital, 640 công ty vận tải ô tô của Mỹ đã phá sản trong quý đầu tiên của năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ là 310. Trong tháng 7 và tháng 8, có 4.500 tài xế xe tải Mỹ mất việc.
Ngay cả trong ngành công nghiệp dầu khí đá phiến, vốn đã trở thành một biểu tượng cho sự thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ trong những năm gần đây, cũng không thể thoát khỏi làn sóng suy giảm.
Tại hội nghị Barclays ở New York diễn ra trong tuần kết thúc hôm 7/9, giám đốc điều hành của Schlumberger và Halliburton, hai công ty dịch vụ mỏ dầu lớn nhất và lớn thứ ba trên thế giới, đều nhấn mạnh sự chậm lại của số giếng dầu mới được đưa vào khai thác tại Mỹ.
Lĩnh vực lọc hóa dầu cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong sản xuất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2009, gần 250.000 thùng mỗi ngày.
Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ thừa nhận rằng, thực sự có ít hơn tới 501.000 việc làm trong nền kinh tế so với con số từng báo cáo.
Một cuộc thăm dò do Langer Research Associates thực hiện do ABC đưa tin cho thấy, 60% người Mỹ cho rằng suy thoái kinh tế vào năm tới có thể xảy ra.
Để so sánh thì vào tháng 11/2007, một năm trước khi sụp đổ tài chính toàn cầu, 69% số người được hỏi đã dự đoán một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra.
Tiền đã "rẻ" hơn
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang cố gắng hỗ trợ nền kinh tế Mỹ bằng các khoản "cho vay giá rẻ". Vào tháng 7 năm nay, cơ quan này đã giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm.
Tuy nhiên, đầu tư tiền vào sản xuất ngày nay phải đối mặt với nhiều hơn rủi ro hơn. Những thách thức lớn đang chờ đợi các doanh nghiệp chủ chốt trong các lĩnh vực truyền thống của nền kinh tế Mỹ.
Vào ngày 10/9, cơ quan xếp hạng quốc tế Moody's đã hạ xếp hạng tín dụng của Ford Motor Co. xuống mức “vô giá trị” với triển vọng tài chính yếu kém.
General Electric thì đang sốt sắng bán hết tài sản để trả cho các chủ nợ.
Cuộc khủng hoảng của Boeing vẫn tiếp diễn và “niềm hy vọng” 737 Max vẫn đang bị cấm bay sau những vụ rơi máy bay liên tiếp.
Ngân hàng Trung ương châu Âu hành động rất nhanh chóng, giảm lãi suất 10 điểm cơ bản. Họ đang cố gắng và đồng thời thành công trong việc hạ giá đồng euro so với đồng USD rất mạnh của chúng tôi, gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của Mỹ. Còn Fed chỉ ngồi im, ngồi im và ngồi im. Họ được trả lãi để đi vay tiền trong khi chúng ta lại phải trả lãi!
- Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tình hình của những người khổng lồ công nghệ xứ cờ hoa cũng không khá khẩm hơn khi họ sẽ phải đối mặt với các thủ tục “khổ sở” với các cơ quan chống độc quyền và rất có thể là các loại thuế mới.
Rất ít người quyết định mua cổ phiếu trong một tình cảnh như vậy. Do đó, đối với hầu hết các nhà đầu tư, chứng khoán thu nhập cố định, chủ yếu trái phiếu chính phủ đã trở thành công cụ chính. Dòng tiền đổ vào thị trường này đã dẫn đến việc lợi suất trái phiếu giảm xuống mức thấp kỷ lục vào đầu tháng 9.
Trái phiếu chính phủ đóng vai trò là kim chỉ nam cho toàn bộ thị trường trái phiếu, nên sau khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ, các nhà đầu tư cũng bắt đầu nắm lấy trái phiếu doanh nghiệp, điều này dẫn đến các khoản vay rẻ hơn cho các tổ chức phát hành.
Các công ty “đang vật vã” đã ngay lập tức tận dụng lợi thế này, thông qua việc phát hành trái phiếu. Hiện họ đang huy động tiền để tái cơ cấu các khoản nợ cũ. Trên thực tế, điều này đã gây ra “cơn sóng thần” nợ trên thị trường.
Hấp hối
Trong những tháng tới, tình hình sẽ tiếp tục trầm trọng hơn, khi các ngân hàng trung ương phương Tây lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đã đặt mục tiêu của mình gắn với việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần trước đã hạ lãi suất 10 điểm cơ bản xuống mức thấp kỷ lục, từ -0,4% xuống -0,5% và công bố chương trình mua lại trái phiếu với quy mô 20 tỷ euro mỗi tháng bắt đầu từ tháng 11.
Chỉ nửa giờ sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang Twitter cá nhân đã chỉ trích Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), yêu cầu cơ quan này nới lỏng chính sách tiền tệ theo người châu Âu.
Trên thực tế, Fed vào tháng 7 đã mua trái phiếu trị giá 14 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân, nối lại một cách hiệu quả chương trình "nới lỏng định lượng".
Các chuyên gia nghi ngờ liệu cách này sẽ cứu nền được kinh tế thoát khỏi suy thoái hay không. Và họ đề cập đến kinh nghiệm của Nhật Bản, nơi Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) đã mua tài sản trong nhiều năm.
Kết quả duy nhất của chính sách này là BoJ hóa ra là cổ đông kiểm soát ở hầu hết các công ty đa quốc gia của Nhật Bản và tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này thì không tăng chút nào.
Do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed sẽ chỉ dẫn đến thực tế là các công ty hạng hai hay hạng ba sẽ ngày càng lún sâu vào nợ nần. Và lãi suất của Fed càng thấp, các công ty càng có ít cơ hội trả hết nợ.
"Khu cắm trại" vô gia cư ở Anaheim, California. Ảnh: AFP.
Những nguy cơ “thảm họa” sẽ sớm xảy ra nếu giữa sự chậm lại theo chu kỳ của nền kinh tế và các ưu đãi tài chính của Fed đánh mất sự cân bằng.
Theo các nhà phân tích, nếu Fed “ăn thua” và dồn lực vào các chính sách ưu đãi, cơ quan này sẽ không thể thu hút dòng tiền mới để tái cơ cấu nợ. Sẽ không còn gì để làm ngoài việc tuyên bố bỏ cuộc.
Nếu xu hướng theo chu kỳ chiếm ưu thế so với chính sách của Fed, suy thoái kinh tế là không thể tránh khỏi và các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng dòng tiền vào tài sản phòng thủ như vàng. Mất nguồn tiền để vay, hàng ngàn công ty Mỹ sẽ lại phá sản.
Ngoài ra, “tiền rẻ” dẫn đến sự hình thành bong bóng thị trường mới. Một trong số đó đang bị thổi phồng trên thị trường bất động sản.Giá nhà đất ở New York, Los Angeles, San Francisco đã tăng chóng mặt đến nỗi người Mỹ đang di cư ồ ạt từ các thành phố này đến các bang trung tâm, nơi bất động sản rẻ hơn. Và nhiều người chỉ đơn giản đang nằm trên đường phố vì không có khả năng chi trả một khoản tiền thuê lớn.