Mức giá khởi điểm 23.800 đồng/cổ phiếu mà SCIC đưa ra cao gần gấp đôi thị giá hiện tại của QTP.

Mức giá khởi điểm 23.800 đồng/cổ phiếu mà SCIC đưa ra cao gần gấp đôi thị giá hiện tại của QTP.

Đấu giá Nhiệt điện Quảng Ninh: Thách thức

(ĐTCK) Phiên chào bán cả lô 51,4 triệu cổ phần đang sở hữu tại CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được giới phân tích nhìn nhận nhiều khả năng đi vào “vết xe đổ” của nhiều phiên đấu giá thất bại trước đó.

Theo kế hoạch, ngày 5/12/2019, SCIC sẽ đấu giá toàn bộ 51,4 triệu cổ phần đang sở hữu tại QTP, tương đương 11,2% vốn Công ty. Giá khởi điểm 23.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 90% so với thị giá 11.400 đồng/cổ phiếu của QTP (tính đến hết phiên giao dịch ngày 20/11).

Nếu cuộc đấu giá thành công và bán hết, SCIC có thể thu về tối thiểu hơn 1.223 tỷ đồng.

Có 3 vấn đề khiến giới phân tích cho rằng, phiên đấu giá cả lô cổ phần này không mấy hấp dẫn. Thứ nhất, giá khởi điểm quá cao so với thị giá cổ phiếu trên sàn và triển vọng đầu tư tài chính vào doanh nghiệp.

Thứ hai, tỷ lệ sở hữu như trên khá lửng lơ. Hiện cơ cấu cổ đông của QTP ghi nhận 98,7% là cổ đông trong nước.

Trong đó, cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO 1) với tỷ lệ sở hữu 42%; Nhiệt điện Phả Lại sở hữu 16,35%; Điện lực - Vinacomin sở hữu 10,62%; Cơ điện lạnh (REE) sở hữu 9,35%.

Các cổ đông có vốn nhà nước thuộc Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Than - Khoáng sản không có nguồn lực tài chính và chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu tại QTP, còn REE có thêm số cổ phần trên thì tỷ lệ sở hữu cũng chỉ đạt 20%, không đủ quyền phủ quyết tại doanh nghiệp.

Vấn đề đáng quan tâm thứ 3 là hiệu quả hoạt động doanh nghiệp rất bấp bênh, khó có thể hấp dẫn các nhà đầu tư tài chính.

Hiện QTP đang quản lý các nhà máy nhiệt điện số 1 và 2, là các nhà máy được đầu tư theo công nghệ lò hơi kiểu than phun với tổng công suất 1.200 MW chia đều cho mỗi đơn vị. Tính đến cuối tháng 9/2019, Công ty có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 4.477 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 235 tỷ đồng.

Phân tích báo cáo tài chính của QTP công bố gần đây cho thấy, hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn.

Cụ thể, doanh thu trong quý III/2019 đạt 2.268 tỷ đồng, tăng 50,9% so với cùng kỳ 2018, nhưng chi phí giá vốn bỏ ra hết 2.149 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp còn 119 tỷ đồng, lỗ tỷ giá 14 tỷ đồng.

Tính đến cuối kỳ, Công ty vẫn còn khoản dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.891 tỷ đồng, dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 4.150 tỷ đồng.

Dù giảm gánh nặng lãi vay, giảm gánh nặng tỷ giá so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng QTP vẫn lỗ thuần 4,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Trừ các loại thuế phí, Công ty lỗ 5,56 tỷ đồng trong quý III/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, QTP đạt doanh thu thuần 7.385 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2018 và lợi nhuận sau thuế 264,7 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ hơn 35 tỷ đồng của cùng kỳ.

Tuy nhiên, con số lợi nhuận này được đánh giá là bấp bênh trong bối cảnh lỗ tỷ giá và chi phí lãi vay luôn là yếu tố thả nổi.

Trong một báo cáo phân tích hồi cuối năm 2018, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) tiến hành định giá cổ phiếu QTP bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền và chỉ cho ra mức giá là 8.065 đồng/cổ phiếu. Hiện thanh khoản QTP cũng rất èo uột, chỉ đạt vài trăm cổ phiếu mỗi phiên.

Khi đọc thông tin chào bán cổ phần QTP của SCIC, khá nhiều thành viên thị trường đặt câu hỏi, tại sao SCIC không đưa ra phương án thoái vốn phù hợp hơn với thị trường, Tổng công ty có đo lường được khả năng thành công của đợt chào bán?

Sẽ không dễ để trả lời thế nào là một phương án phù hợp với khẩu vị thị trường và cũng khó đo được sức cầu từ nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trường hợp thoái vốn này, dưới quan điểm của giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán, một lần nữa lại cho thấy cách định giá cứng nhắc và thiếu tính thị trường sẽ tiếp tục là rào cản trong các phiên thoái vốn nhà nước.

Tin bài liên quan