Đấu giá cổ phần, sôi động nhờ phân cấp

Đấu giá cổ phần, sôi động nhờ phân cấp

(ĐTCK) “Có những ngày, công ty tôi tổ chức 4 - 5 cuộc đấu giá bán cổ phần, số lượng cổ phiếu bán thành công chiếm tới 90%”, tổng giám đốc một CTCK cho biết khi được hỏi về sự khởi sắc của mảng dịch vụ tư vấn.

Dạo qua website của một số CTCK có thế mạnh về mảng dịch vụ tư vấn, có thể thấy rất nhiều thông báo bán đấu giá cổ phần lần đầu của DN Nhà nước, bán bớt vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại các công ty cổ phần, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước… Có CTCK còn lập hẳn trang web chuyên đưa tin về đấu giá cổ phần.

Theo quy định tại Điều 8, Nghị định 51/2014 của Chính phủ về tổ chức bán cổ phần, đối với chuyển nhượng vốn tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên và vốn Nhà nước đầu tư tại công ty TNHH có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước xem xét, quyết định lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các CTCK) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán.

Khác với việc tổ chức đấu giá qua các sở giao dịch được thực hiện qua nhiều cấp (các CTCK khi đó là đại lý cho sở giao dịch), việc đấu giá qua CTCK được thực hiện đơn giản và thông tin nhanh, thông suốt hơn rất nhiều. Mức phí cũng mềm hơn khá nhiều so với khi thực hiện qua sở giao dịch. Kế toán trưởng một tổng công ty thuộc Bộ Công thương cho biết, biểu giá phí tổ chức cho một cuộc đấu giá cổ phần dao động trong khoảng 20 - 300 triệu đồng. Doanh nghiệp của ông thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nếu tổ chức bán đấu giá qua sở, chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng nếu thực hiện qua CTCK thì chỉ bằng một nửa.

Điều quan trọng hơn khiến doanh nghiệp có xu hướng tìm đến CTCK là thông qua đơn vị trung gian này, họ có thể tìm được người mua tiềm năng.

“Nếu dịch vụ chỉ đơn thuần là tổ chức nhằm hợp lý hóa và tuân thủ quy định thì CTCK không thể đắt khách đăng ký đấu giá cổ phần như hiện nay”, giám đốc tư vấn một CTCK lớn cho biết.

Thông thường, phía sau những CTCK mạnh về dịch vụ tư vấn đều có ngân hàng mẹ hoặc cổ đông lớn, vốn có lợi thế về các mối quan hệ khách hàng hỗ trợ rất nhiều. Đây cũng chính là nguồn khách hàng tiềm năng cho các đợt chào bán cổ phần, trong bối cảnh sức cầu từ nhà đầu tư cá nhân đại chúng còn yếu. Trong khi đó, sức ép phải thực hiện bán cổ phần thành công với các DNNN hiện lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Hai năm trước, CTCK phải chủ động đi kiếm khách hàng, thì nay họ có thể được khách hàng tìm đến. Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp một số bộ, ngành thậm chí còn phải “chấm” các CTCK có uy tín và năng lực để “gửi gắm” việc tổ chức bán đấu giá cổ phần của doanh nghiệp mà Bộ quản lý vốn Nhà nước.

Với CTCK, mức phí dao động như đã đề cập ở trên không quá hấp dẫn họ đầu tư nhiều cho mảng dịch vụ tư vấn, song cơ hội lại đến từ nhiều yếu tố khác. Việc tự doanh trên sàn đang ngày càng bị thu hẹp do nhiều rủi ro khó lường với TTCK Việt Nam. Nếu tư vấn tốt, có thể sàng lọc và đưa ra những gợi ý đầu tư khả thi, đây chính là danh mục để CTCK xem xét bỏ vốn. Việc kiếm lợi nhuận qua mô hình ngân hàng đầu tư, hưởng lợi tức từ công ty liên kết thay vì trading trên sàn theo dự báo sẽ sớm trở thành xu hướng đối với mảng đầu tư của các CTCK lớn tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, tư vấn tốt có thể tạo đòn bẩy cho mảng dịch vụ môi giới khi doanh nghiệp và một lượng lớn người lao động của doanh nghiệp có thể trở thành khách hàng của CTCK.

Trở lại với thông báo bán đấu giá cổ phần đang đăng tải trên trang web của rất nhiều CTCK hiện nay, có một tỷ lệ những cuộc chào bán không thành công vì không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Song những cuộc chào bán như vậy đang ngày càng ít đi, tỷ lệ các cuộc đấu giá thành công gần đây tăng mạnh. Điều này cho thấy Quyết định 51/2014 đã được ban hành đúng thời điểm và hợp lý, nếu không tình trạng quá tải trong tổ chức bán đấu giá cổ phần qua hai sở giao dịch là điều không thể tránh khỏi trong vòng nửa năm trở lại đây.   

Một số phiên đấu giá cổ phần thành công thông qua CTCK từ đầu năm 2015 tới nay :

Đầu tháng 2 vừa qua, CTCK Bản Việt (VCSC) đã thông báo kết quả bán đấu giá cổ phần của CTCP Lilama 69-3 tại CTCP Dịch vụ Công nghiệp Lilama, với tỷ lệ thành công 100%. Cụ thể, 600.000 cổ phần đã được bán cho 1 NĐT tổ chức và 2 NĐT cá nhân với mức giá trúng thầu bình quân đạt 10.200 đồng/CP.

Trước đó, cuối tháng 1/2015, cũng tại VCSC, 4 NĐT cá nhân đã mua 2.191.136 cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Đầu tư và phát triển nông nghiệp, đạt 100% tổng lượng cổ phần đăng ký đấu giá.

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) mới thông báo kết quả đăng ký đấu giá mua cổ phần lần đầu của Công ty TNHH MTV Sách Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội với số lượng cổ phần đấu giá là 570.950 cổ phần. Theo đó, có 20 NĐT đăng ký tham gia đấu giá (gồm 17 NĐT cá nhân và 3 NĐT tổ chức) với tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua 5.595.600 cổ phần, đạt trên 980% số cổ phần đăng ký chào bán.

Ngày 16/1, SHS cũng đã thông báo kết quả đăng ký đấu giá mua cổ phần của Cienco 1 tại CTCP Đường bộ 242 – Cienco 1 với số lượng cổ phần đấu giá là 786.400 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/CP. Theo đó, 4 NĐT cá nhân đã đăng ký tham gia với tổng khối lượng đăng ký mua đạt 3.145.600 cổ phần, tương ứng 400% số cổ phần chào bán.

Tin bài liên quan