Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách (Tổng cục Thuế)

Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách (Tổng cục Thuế)

Đau đầu trước nạn doanh nghiệp thương mại điện tử trốn thuế

Gian lận thuế trong thương mại điện tử (TMĐT) là vấn đề nhức nhối, thách thức với ngành thuế Việt Nam cũng như tất cả các nước”, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách (Tổng cục Thuế) chia sẻ.Nhiều người còn mơ hồ về TMĐT.


Thưa ông, TMĐT được hiểu thế nào?

Chúng ta thường nghe khái niệm “kinh tế số” là gọi tắt của kinh tế kỹ thuật số, đôi khi còn được gọi là kinh tế Internet. Đó là nền kinh tế dựa trên công nghệ kỹ thuật số để kinh doanh, giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua TMĐT (hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với Internet, viễn thông di động hoặc các mạng mở khác), như trò chơi điện tử trên Internet, bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến, thanh toán điện tử, chuyển tiền qua mạng, sàn giao dịch ảo, kinh doanh tiền ảo…

"Sau khi sản phẩm game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông được đưa vào khai thác, có doanh thu, anh Nguyễn Hà Đông đã tự nguyện khai thuế và nộp tiền thuế vào ngân sách (1,4 tỷ đồng)".

Trên thế giới có rất nhiều tập đoàn kinh tế hùng mạnh phát triển dựa trên TMĐT như Amazon, Google, Ebay, Facebook, Yahoo… Còn tại Việt Nam, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp rất lớn hoạt động dựa vào TMĐT, như VNG, VCCorp, Vatgia, Rongbay, Enbac, Muare, Muachung…

Bộ Công thương ước tính, doanh thu từ bán lẻ trực tuyến của doanh nghiệp qua mạng Internet đến tay người tiêu dùng năm 2015 ước tính đạt trên 4 tỷ USD.

Nhiều công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin có hoạt động TMĐT bị phát hiện trốn thuế ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở những nước phát triển. Đối với Việt Nam, việc quản lý thuế với hoạt động TMĐT chắc không hề dễ dàng?

Doanh nghiệp hoạt động TMĐT trốn thuế đã và đang làm “đau đầu” rất nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển. Để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, gian lận thuế đối với hoạt động TMĐT, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và G20 đã đưa ra nhiều giải pháp, chương trình hành động, trong đó có Chương trình Hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận của doanh nghiệp, với 15 kịch bản chống lại tình trạng này.

Các chuyên gia về thuế của OECD đã và đang giúp đỡ, hỗ trợ, đào tạo ngành thuế Việt Nam chống lại gian lận thuế trong hoạt động TMĐT, nên công tác chống gian lận thuế trong TMĐT đã đạt hiệu quả nhất định, đặc biệt kể từ sau khi Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước ban hành hướng dẫn về sàn giao dịch TMĐT, dịch vụ cổng thanh toán, quy định quản lý tên miền…

Tuy nhiên, để chống lại gian lận thuế trong TMĐT, cần phải có đội ngũ nhân lực không chỉ thực sự am hiểu lĩnh thuế, kế toán, ngoại ngữ, mà còn có sự am hiểu nhất định về công nghệ thông tin.

Để đào tạo được nguồn nhân lực có sự hiểu biết về các chính sách thuế, kế toán, ngoại ngữ và công nghệ thông tin, đòi hỏi phải có thời gian và chế độ đãi ngộ xứng đáng, vì đó đều là những người giỏi, nên họ sẵn sàng làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức quốc tế có mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với làm việc cho ngành thuế. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với ngành thuế trong việc chống lại gian lận thuế trong TMĐT.

Về khía cạnh pháp lý có vấn đề gì không, thưa ông?

Đây cũng là vấn đề rất phức tạp vì hệ thống luật pháp, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, nên rất khó quản lý thuế.

Đơn cử, sau khi sản phẩm game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông được đưa vào khai thác, có doanh thu, anh Nguyễn Hà Đông đã tự nguyện khai thuế và nộp tiền thuế vào ngân sách (1,4 tỷ đồng).

Tuy nhiên, để xác định việc nộp thuế này có đúng, đủ hay chưa thì có lẽ phải chờ cơ quan thuế thảo luận, trao đổi với nhiều bộ, ngành hữu quan để xác định loại hình kinh doanh game Flappy Bird thuộc loại gì, xác định doanh thu, chi phí thế nào.

Cơ quan thuế cũng đang gặp vướng mắc trong quản lý thuế đối với kinh doanh tiền kỹ thuật số (tiền ảo). Ở Việt Nam cũng như trên thế giới ngày càng xuất hiện thêm nhiều loại tiền ảo như Bitcoin, Bitwalking, Onecoin…

Số lượng người tham gia đầu tư, kinh doanh tiền ảo ngày một nhiều, có trường hợp, một cá nhân chỉ trong thời gian rất ngắn đã có doanh số kinh doanh tiền ảo lên đến 170 tỷ đồng, cá nhân này tự nguyên khai thuế, nhưng cơ quan thuế không biết quản lý thế nào, vì các cơ quan quản lý nhà nước khẳng định kinh doanh tiền ảo là vi phạm pháp luật, trong khi hoạt động này không thuộc lĩnh vực, ngành nghề bị cấm hay kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Tin bài liên quan