9 “tân binh” tỷ USD năm 2018
32 là số doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán tính đến ngày 17/12/2018, trong đó có 3 doanh nghiệp niêm yết mới và 6 doanh nghiệp đăng ký giao dịch mới.
Cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes niêm yết từ cuối tháng 5/2018, hiện có mức vốn hóa hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các doanh nghiệp niêm yết, sau công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup (VIC) - mức vốn hóa hơn 14 tỷ USD.
2018 là năm ghi nhiều dấu ấn của Vinhomes, từ việc cơ cấu lại doanh nghiệp để đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán đến gọi vốn thành công từ các cổ đông nước ngoài. Trong đó, Quỹ đầu tư GIC (Singapore) rót gần 1,3 tỷ USD vào Vinhomes thông qua mua cổ phiếu và cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp.
Ngay sau khi niêm yết (17/5/2018), cổ phiếu VHM ghi dấu vào lịch sử của TTCK Việt Nam khi tạo nên phiên giao dịch (khớp lệnh + thỏa thuận) có giá trị lên đến hơn 30.000 tỷ đồng - một kỷ lục trong 19 năm giao dịch của thị trường. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 28.000 tỷ đồng cổ phiếu VHM.
Trong hoạt động kinh doanh, sự kiện ra mắt và mở bán VinCity Ocean Park - đại dự án đô thị của Vinhomes với kỳ vọng làm thay đổi nhiều quan điểm truyền thống về một nơi an cư đã thiết lập kỷ lục trên thị trường bất động sản Việt Nam trong tháng 11/2018, với 3.500 căn hộ được đặt cọc mua sau khi mở cửa nhà mẫu.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Vinhomes đạt 22.405 tỷ đồng doanh thu, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận trước thuế tăng gần 5 lần, đạt 15.101 tỷ đồng, giữ vị trí quán quân lợi nhuận trên sàn chứng khoán.
Ngoài Vinhomes, 2 doanh nghiệp khác có lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018 là Vietcombank (11.683 tỷ đồng) và GAS (11.280 tỷ đồng).
Niêm yết trên sàn chứng khoán và gia nhập nhóm doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trong năm 2018 còn có 2 cổ phiếu ngân hàng là HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Theo đó, số cổ phiếu ngân hàng trong danh sách vốn hóa tỷ USD đến cuối năm 2018 tăng lên con số 9 và chiếm hơn 1/4 tổng mức vốn hóa toàn thị trường.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả HDB và TCB đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. HDB đạt lợi nhuận trước thuế 2.884 tỷ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2017, hoàn thành 73,3% kế hoạch năm. Hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 20,1%. Lợi nhuận tăng trưởng, nhưng nợ xấu được kiểm soát. Đến cuối tháng 9/2018, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của HDB là 1,5%.
Tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2017, hầu hết các mảng kinh doanh đều tăng trưởng: thu nhập lãi thuần tăng 26%, hoạt động dịch vụ tăng 25%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 22%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2%.
Cuối tháng 10/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm tiền gửi dài hạn (nội và ngoại tệ) của HDBank lên mức B1, mức tín nhiệm nhà phát hành dài hạn của Ngân hàng cũng được nâng lên B1, triển vọng xếp hạng duy trì ổn định.
Trong đợt đánh giá của Moody’s, cả Techcombank và HDBank được nâng xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) thêm một bậc, cho thấy kỳ vọng việc xử lý các tài sản có vấn đề trong quá khứ sẽ ngày càng tốt hơn, giúp chất lượng tài sản và lợi nhuận tiếp tục được cải thiện.
Trên sàn đại chúng chưa niêm yết, năm 2018 ghi nhận sự “bùng nổ” của những doanh nghiệp quy mô lớn đăng ký giao dịch. Trong đó, có 6 “tân binh” vốn hóa tỷ USD trên sàn UPCoM gồm BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, POW của Tổng công ty Điện lực dầu khí, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su, PGV của Tổng công ty Phát điện 3, VGI của Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel. Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành, quản lý khối tài sản khổng lồ.
Sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp lớn trên UPCoM là kết quả của quá trình cổ phần hóa gắn với lên sàn của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, giúp thay đổi toàn diện bộ mặt của sàn này. Tổng giá trị vốn hóa tính đến ngày 17/12/2018 tăng 22,5% so với cuối năm 2017, giá trị giao dịch bình quân 11 tháng đầu năm tăng 57%.
Những tên tuổi cũ có sự phân hóa
Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của 29 doanh nghiệp trong nhóm vốn hóa tỷ USD (không bao gồm VHM, PGV và GVR do giá trị cùng kỳ năm 2017 không tương ứng để so sánh) đạt lần lượt 910.682 tỷ đồng và 109.751 tỷ đồng, tăng 22,2% về doanh thu, 24,2% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 12,7%.
Phần lớn doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh thành công. Cụ thể, 26/29 doanh nghiệp có doanh thu tăng, 22/29 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng. Trong đó, có 19/29 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số trở lên. Hai doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận ở mức 3 con số là Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Tại MSN, sau năm 2017 có doanh thu và lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 13,1% và 6,9% so với năm 2016 do ngành chăn nuôi trong nước gặp khó khăn, Công ty đã ghi nhận sự hồi phục ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2018: lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017, đạt 3.779 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng của MSN một mặt đến từ lợi nhuận gộp của Masan Consumer Holding tăng trưởng trên 37,4% nhờ tung ra các dòng sản phẩm mới thành công và cao cấp hóa các nhãn hiệu cốt lõi, mặt khác là giá Vonfram tăng giúp lợi nhuận gộp của Masan Resource tăng 30,2%. Ngoài ra, khoản đầu tư của MSN vào Techcombank đạt hiệu quả cao, đóng góp không nhỏ vào doanh thu tài chính.
Đầu tháng 10/2018, MSN đã bán gần 110 triệu cổ phiếu quỹ cho SK Group (Hàn Quốc) với mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu, đem về gần 11.000 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động. Giá bán cổ phiếu quỹ cao hơn hàng chục phần trăm so với giá giao dịch trên sàn cũng như giá mua vào một năm trước đó cho thấy sự đánh giá về tiềm năng tăng trưởng của đối tác dành cho MSN.
Với ACB, ngân hàng này đạt 3.771,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2018, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2017. Thu nhập lãi thuần tăng 22,2%, đạt 7.424 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 72% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác tăng gần 2 lần, đạt 898 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí trích lập dự phòng của ACB trong 9 tháng năm 2018 giảm 56% so với cùng kỳ. Đến cuối tháng 9/2018, nợ xấu chỉ chiếm 0,84% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Ở chiều ngược lại, một số “ông lớn” khác trải qua năm 2018 với không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) ngày 17/12/2018 có giá trị vốn hóa giảm khoảng 22% so với đầu năm. Trong 9 tháng năm 2018, VNM có mức tăng trưởng doanh thu thấp, chỉ đạt 2,2%, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Tăng trưởng của thị trường sữa đang có dấu hiệu giảm đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của VNM, doanh nghiệp phải tăng các chi phí để giành và giữ thị phần, làm giảm lợi nhuận, được xem là một nguyên nhân quan trọng khiến giá cổ phiếu VNM có diễn biến giảm và nhiều quỹ đầu tư có động thái bán ra chốt lời sau thời gian dài đầu tư.
Tình trạng lợi nhuận giảm cũng được ghi nhận tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) trong năm đầu về tay cổ đông Thái Lan sau khi Bộ Công thương thoái vốn cuối năm 2017. Áp lực cạnh tranh giữa các hãng bia, giá cả nguyên vật liệu chính sản xuất bia tăng mạnh, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, được đánh giá là những khó khăn chính đối với hoạt động của SAB.
Tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH), lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2018 giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán giảm điểm dẫn đến chi phí trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán tăng, lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn giảm từ cuối năm 2017 và tiếp tục ở mức thấp trong năm 2018, trích lập dự phòng nghiệp vụ các doanh nghiệp bảo hiểm tăng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận nhiều sự kiện thiên tai, hoả hoạn, tai nạn khiến chi phí bồi thường tăng.
Với trường hợp của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN) và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS), hai doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD cuối năm 2017, lợi nhuận giảm góp phần khiến giá trị vốn hóa giảm mạnh từ đầu năm 2018 và đến nay không còn nằm trong nhóm vốn hóa tỷ USD.
Triển vọng năm 2019
Năm 2018, bối cảnh kinh tế vĩ mô được đánh giá thuận lợi nhất trong nhiều năm trở lại đây: GDP tăng trưởng cao, mặt bằng lãi suất ổn định, tỷ giá, lạm phát trong tầm kiểm soát… trở thành nền tảng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận.
Bước sang năm 2019, tình hình kinh tế được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức khi các áp lực cân đối vĩ mô như lạm phát và tỷ giá khiến Ngân hàng Nhà nước phải giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, lãi suất và tỷ giá có thể tăng trở lại, một mặt tác động đến chi phí vốn của các doanh nghiệp, mặt khác là triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sẽ thấp hơn năm 2018.
Bên cạnh đó, việc Mỹ tiếp tục quá trình bình thường hóa lãi suất đến hết năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt gói nới lỏng định lượng từ cuối năm 2018 và dự kiến nâng lãi suất vào giữa năm 2019 sẽ khiến xu hướng dịch chuyển dòng vốn tiếp tục diễn ra, dòng tiền khối ngoại suy giảm có thể tác động mạnh đến cung - cầu, thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cơ hội tăng trưởng vẫn được đánh giá là rất lớn. Báo cáo triển vọng năm 2019 của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital công bố tháng 12/2018 đánh giá cao việc Chính phủ đang quản lý nền kinh tế một cách hợp lý, lạm phát trong tầm kiểm soát, nội tệ ổn định hơn hầu hết các thị trường mới nổi trong năm 2018. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy vào Việt Nam sẽ giúp ổn định nội tệ và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Đây là yếu tố có lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đem đến kỳ vọng hỗ trợ giá cổ phiếu trên thị trường, giúp các doanh nghiệp tăng thêm quy mô vốn hóa,
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) ước tính, năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG) có thể tăng 14% và năm 2019 nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng 11,6%. Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BID), lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 14% cho năm 2018 và tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi trong năm 2019. Với ACB, mức tăng trưởng cả năm 2019 dự báo thấp hơn năm 2018, nhưng có thể đạt 23,8%.
Đối với các doanh nghiệp hàng không như Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HVN) hay Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC), giá dầu giảm mạnh trở lại từ đầu tháng 10/2018 được kỳ vọng giúp cải thiện biên lợi nhuận, nhất là khi triển vọng tăng trưởng ngành được đánh giá khả quan nhờ tốc độ tăng trưởng khách du lịch và đầu tư FDI vào Việt Nam. Tương tự, triển vọng tích cực cũng là dự báo được nhiều phân tích đưa ra với các doanh nghiệp khác như GAS, MWG, FPT…
Bên cạnh việc duy trì vị thế của các doanh nghiệp hiện hữu, danh sách các doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019, khi nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM)… đang có kế hoạch cổ phần hóa.