Dấu ấn nghị trường dưới góc nhìn nghị sĩ

“Kỳ họp thứ tám vừa qua, có dự luật nhận được sự đồng thuận rất cao, gần như tuyệt đối; lại có dự luật chỉ quá bán. Đại biểu nhấn nút thông qua một dự luật vừa thể hiện đánh giá về chất lượng nội dung dự luật, vừa thể hiện kỳ vọng vào hiệu quả của luật khi đưa vào cuộc sống” - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Văn Quý chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư khi nói về những ấn tượng của mình tại nghị trường kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Ông Phan Văn Quý, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương        ảnh: Chí Cường

Ông Phan Văn Quý, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương ảnh: Chí Cường

“Không ai tự chặt chân mình”

Bối cảnh ĐBQH Phan Văn Quý nhắc tới chính là buổi chiều 26/11/2014. Đã có 422 trên tổng số 424 ĐBQH có mặt tại Hội trường (đạt 99,53%) nhấn nút thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), có 425 trên tổng số 428 đại biểu nhất trí thông qua (đạt 99,3%). Đây là 2 dự luật đạt số phiếu tán thành cao nhất trong số 18 dự án luật được Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII thông qua.

“Không khí nghị trường rất sôi nổi khi bàn về những điểm đột phá của hai luật này. Tôi cảm nhận rõ niềm tin của đại biểu đối với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và sự quyết đoán của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh”, ông Quý nhớ lại.

Là một doanh nhân, từng là ông chủ một ngân hàng, nay đang đầu tư mạnh cho lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, ĐBQH Phan Văn Quý thấm thía tác động của từng câu, từng từ trong những văn bản luật đối với doanh nghiệp.

Chính vì thế, ông Quý ấn tượng với cách tiếp cận hiện đại và rất thực tế trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Việc khoanh rõ “vùng cấm” đã được thiết kế thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Với Luật Đầu tư (sửa đổi), điểm mới nhất là thay vì “chọn cho” - nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật, nay luật đã khoanh vùng bằng cách “chọn bỏ” - nghĩa là cái gì cấm, hoặc hạn chế thì ghi vào luật. Tư duy đó thể hiện sự thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ và Quốc hội.

Tương tự, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng bãi bỏ nhiều quy định ràng buộc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, như doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề đăng ký kinh doanh. Các vấn đề liên quan đến hồ sơ doanh nghiệp, con dấu, chữ ký, người đứng đầu doanh nghiệp… cũng được sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn nhiều.

“Có thể nói, hai Dự luật này đã thực hiện một cách quyết liệt tư tưởng đổi mới của Hiến pháp 2013, cũng như tinh thần  của ba khâu đột phá chiến lược, thực sự là hiện thân, là hành động của cải cách thể chế kinh tế, mở ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo cú huých cho nền kinh tế trong thời gian tới”, Đại biểu Phan Văn Quý đánh giá.

Song, điều ĐBQH Phan Văn Quý ấn tượng hơn nữa là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dường như lường được khó khăn khi đưa những cải cách đó vào cuộc sống. Ông đã sớm nói đến việc, vấn đề mấu chốt là con người thực thi. Trước đó, trả lời ĐBQH về vướng mắc trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế, phát biểu thẳng thắn của ông làm cả nghị trường chú ý, rằng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước “không ai tự chặt chân mình”. Đó chính là vấn đề con người, vấn đề đột phá về nhân lực.

“Như thế, cùng với đột phá về thể chế, Bộ trưởng Vinh đặc biệt quan tâm tới vấn đề con người”, ĐBQH Phan Văn Quý bình luận. 

“Sáng ăn phở Hà Nội, tối cà phê Sài Gòn”

Câu chuyện một doanh nhân “sáng ăn phở Hà Nội, tối cà phê Sài Gòn” sẽ không có gì đáng nói, nếu di chuyển bằng máy bay. Nhưng lời quả quyết ấy của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại phiên chất vấn hôm 18/11/2014 là nói về đường sắt, khiến ĐBQH Phan Văn Quý rất tâm đắc.

Có thể coi đây là một sự lạ, bởi ngành đường sắt vốn được biết đến với hình ảnh của một “thành trì” bảo thủ, trì trệ, giữ vững “nền nếp” bao cấp bậc nhất ngành giao thông. Đến mức, có lần Bộ trưởng Đinh La Thăng phải ví đó như là “Bộ Đường sắt”.

Hay như chính ĐBQH Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) so sánh khi chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng, đường sắt Việt Nam suốt bao nhiêu năm qua mãi ì ạch chạy với tốc độ trung bình chỉ 50-60 km/h, trong khi trên thế giới, tàu hỏa đã đạt mức trung bình 120-140 km/h. Dẫn thêm cụm từ đánh giá quen thuộc về chất lượng của ngành vận tải này, là “vô cùng kém”, dù giá vé tàu giường nằm không hề rẻ, hay nỗi cực khổ khi bất đắc dĩ phải sử dụng nhà vệ sinh trên tàu, ông Hùng còn lấy tư cách một hành khách để “dọa”: “Bộ trưởng có cách nào cải thiện không, nếu không, tôi cũng sẽ từ bỏ, chọn đi đường bộ nếu có thể”.

Trước bức xúc của đại biểu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, kế hoạch hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam đã được xây dựng với phương án để nâng tốc độ khai thác từ 50 - 60 km/h lên 80 - 90 km/h. Đồng thời với việc khai thác tuyến đường sắt hiện có, ngành sẽ xây dựng tuyến đường sắt khổ đôi ở những đoạn cần thiết với tốc độ nâng lên từ 160 tới dưới 200 km/h. Việc đầu tư sẽ được phân kỳ theo hướng làm trước đoạn Hà Nội - Vinh. Và khi đó, mới có chuyện không lạ là một người đi tàu hỏa có thể sáng ăn phở ở Hà Nội, tối uống cà phê ở TP.HCM.

“Theo tôi, tiếp theo việc phát triển đường thủy, chính sách phát triển đường sắt như vậy là hướng đi chiến lược, phù hợp thực tiễn và kinh tế hơn nhiều so với đường bộ hay đường sắt cao tốc. Phương án này còn trực tiếp giảm tải cho đường bộ, từ đó giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng vốn ngốn không ít tiền. Đơn giản như vậy, nhưng không phải ai cũng đặt quyết tâm làm được”, ĐBQH Phan Văn Quý chia sẻ. 

Để ngân hàng thực sự là  doanh nghiệp

Nói về cảm xúc từ khi tham gia Quốc hội với vai trò người đại biểu dân cử, ĐBQH Phan Văn Quý không thể nào quên cảm giác ông dự kỳ họp đầu tiên, đó là kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, họp cuối tháng 7/2011.

Ông Quý nhớ, không phải chỉ bởi lần đầu ông ngồi ghế ĐBQH, mà còn bởi khi đó, với kinh nghiệm của người từng là chủ một nhà băng, ông cảm nhận rõ nỗi lo khủng hoảng ngân hàng đang bao trùm, nỗi bất an thường trực với những người làm ngân hàng. Còn doanh nghiệp thì khó tiếp cận vốn, lãi suất cao ngất ngưởng (trên dưới 20%), lại thêm lạm phát cũng chót vót (quanh mức 20%), tín nhiệm quốc gia bị hạ rất thấp...

Hệ thống ngân hàng lúc đó được xem như cơ thể ốm đau, rất dễ tổn thương dù chỉ là một va chạm nhỏ, đến mức hầu như không ai dám nhắc đến chữ “phá sản”. Huyết mạch của nền kinh tế tắc nghẽn, được ví như đang bị “vón cục”, là “máu đông”.

Ông Quý bảo, lúc đó nhiều người lo lắng cho hệ thống ngân hàng bao nhiêu, thì bây giờ lại tự tin bấy nhiêu; nợ xấu chưa dứt điểm nhưng đã cải thiện nhiều. Quan trọng hơn, sự mong manh của hệ thống ngân hàng không còn nữa. Người ta mạnh dạn nhắc đến việc, phải cho sáp nhập, thậm chí phá sản những ngân hàng yếu kém để làm trong sạch mạch máu đang nuôi cơ thể kinh tế.

Chính vì thế, khi phát biểu về tái cơ cấu kinh tế tại Kỳ họp thứ tám vừa qua, ông Quý đánh giá cao những giải pháp đồng bộ, khôn khéo và sự quyết đoán, tự tin của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Song ông cũng đề xuất, cần có chủ trương cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản, bởi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cần hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức tín dụng và khi cần là tuân theo Luật Phá sản.

“Với những gì đã làm được trong giai đoạn cực kỳ khó khăn vừa qua, tôi tin là ngành ngân hàng sẽ tiếp tục để lại dấu ấn và sẽ vững vàng trong giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo”, ông Quý tin tưởng.

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã khép lại, nhưng những đột phá trong cách tiếp cận, xây dựng thể chế và cách giải quyết những vấn đề gai góc của nền kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng của các bộ trưởng, “tư lệnh” ngành vẫn còn đọng lại ấn tượng tốt đẹp trong các ĐBQH và cử tri cả nước.

Tin bài liên quan