Nhiều khả năng các công ty trong ngành săm lốp khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đặt ra

Nhiều khả năng các công ty trong ngành săm lốp khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đặt ra

Dấu ấn mùa kinh doanh quý III (kỳ 2): Hàng trăm doanh nghiệp khó cán đích năm 2017

(ĐTCK) Trong khi có những doanh nghiệp công bố báo cáo lạc quan, kỳ vọng sớm hoàn thành kế hoạch cả năm mà đại hội đồng cổ đông giao phó thì chặng đường về đích năm 2017 của nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất xa.

Săm lốp, xi măng gặp khó

Trái ngược với diễn biến thuận lợi của ngành cao su thiên nhiên, các doanh nghiệp ngành săm lốp lại rơi vào cảnh thiệt đơn, thiệt kép trong 9 tháng đầu năm 2017 khi một mặt phải đối diện với sức ép cạnh tranh mạnh từ săm lốp nhập khẩu, mặt khác là tình trạng nguyên vật liệu đầu vào mà rõ nhất là giá cao su tự nhiên tăng đẩy giá vốn lên cao. Báo cáo tài chính công bố mới đây đã cho thấy bức tranh lợi nhuận khá “bi quan” của các doanh nghiệp săm lốp trong quý III và 9 tháng năm 2017.

Tại Công ty cổ phần (CTCP) Cao su Miền Nam (CSM), trong quý III, dù doanh thu thuần tăng trưởng 11,5%, đạt 877,9 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm 2016.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của CSM giảm 72,4% so với cùng kỳ, bất chấp các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp được tiết giảm. Kết quả, Công ty mới chỉ hoàn thành 18,3% kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra sau 3 quý.

Chịu chung tình cảnh tương tự là CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) và CTCP Cao su Sao Vàng (SRC), khi lợi nhuận trước thuế của cả 2 doanh nghiệp này đều đã giảm trên 69% trong quý III so với cùng kỳ năm trước, con số sụt giảm của 9 tháng đầu năm lần lượt là 53,7% và 45%.

Trong nghị quyết giao chỉ tiêu kế hoạch quý IV của SRC mới đây, HĐQT Công ty khá thận trọng khi đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ 8,8 tỷ đồng, bằng 46,8% thực hiện của quý IV/2016. Nếu hoàn thành chỉ tiêu này, lũy kế lợi nhuận trước thuế cả năm của SRC sẽ đạt 45,2 tỷ đồng, bằng chưa đầy một nửa kế hoạch đầu năm. Tương tự, CSM cho biết, Công ty dự kiến lợi nhuận trước thuế chỉ 15 tỷ đồng trong quý IV/2017, tương đương 14% kết quả cùng kỳ năm 2016.

Với diễn biến giá đầu vào và đầu ra như hiện nay, không nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng có thể ghi nhận được những bước đột phá trong quý IV của nhóm doanh nghiệp ngành săm lốp. Nhiều khả năng, các công ty trong ngành khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.

Không có gì khấm khá hơn, các doanh nghiệp ngành xi măng cũng chung tình cảnh khó khăn trong năm 2017. Tại CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS), tuy doanh thu quý III chỉ giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 668 tỷ đồng, nhưng giá vốn và chi phí tài chính, đặc biệt là lỗ tỷ giá tăng mạnh khiến doanh nghiệp chịu lỗ 6,88 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của BTS vỏn vẹn 527 triệu đồng, giảm 99,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kế hoạch năm 2017 đặt ra là 151 tỷ đồng.

Việc bán tàu đang là kỳ vọng duy nhất có thể giúp VOS thoát lỗ 

Tại CTCP Xi măng Hoàng Mai (HOM), lợi nhuận trước thuế quý III chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 4,98 tỷ đồng, bằng 11,8% cùng kỳ năm 2016, hoàn thành 6,7% kế hoạch đặt ra. Tình hình tại CTCP Xi măng Hà Tiên 1, doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu trong khối các doanh nghiệp thành viên VICEM, cũng không khả quan hơn khi lợi nhuận trước thuế quý III và 9 tháng giảm lần lượt 63,7% và 49,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng mới hoàn thành 39,8% kế hoạch cả năm.

Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn của doanh nghiệp ngành xi măng là hàng loạt yếu tố bất lợi như biến động tỷ giá, chi phí đầu vào tăng, tình trạng dư cung khiến tiêu thụ trong nước khó khăn, sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường xuất khẩu, chính sách về thuế liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa được chế biến từ tài nguyên… Tình trạng hiện tại được đánh giá là thách thức lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây và không khó để hiểu nếu nhiều doanh nghiệp ngành này thất bại trong việc đạt kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2017.

Chăn nuôi, vận tải khốn đốn

Trái ngược với kết quả lạc quan của năm 2016, việc giá heo giảm mạnh từ đầu năm đến nay khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Tại CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), sau khi chịu lỗ trong nửa đầu năm do giá heo giảm mạnh khiến mảng con giống, chăn nuôi gia công, chế biến thực phẩm sụt giảm, sang quý III, DBC đã có lãi trở lại nhờ kinh doanh bất động sản và nguyên liệu, xăng dầu. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Công ty mới đạt 136 tỷ đồng, giảm 65,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc mới chỉ hoàn thành được 45,7% kế hoạch doanh thu và 42,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng khiến nhiệm vụ đặt ra cho quý cuối năm là rất nặng nề.

Không có mảng kinh doanh khác bù đắp như DBC, tình hình tại CTCP Chăn nuôi - Mitraco (MLS) còn bi quan hơn khi quý III chịu lỗ thêm 4,05 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên 33,7 tỷ đồng, ăn mòn 79,25% vốn điều lệ.

Đối với nhóm vận tải, trong khi các doanh nghiệp taxi như Vinasun, Mai Linh chịu áp lực từ việc các hãng dịch vụ chia sẻ xe như Uber, Grab đổ bộ khiến tình hình kinh doanh đi xuống, thì nhóm vận tải hàng hóa đường biển còn phải đối phó với rủi ro từ nhiều bề.

Tại CTCP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS), sau báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm trong nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế quý III tiếp tục giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức gần 46 tỷ đồng, trong khi doanh thu cũng giảm gần 54%. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của VNS mới đạt 146,1 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành 71% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017.

Không chỉ dừng ở kết quả kinh doanh sụt giảm, việc đội ngũ nhân sự ngày càng thu hẹp cũng là vấn đề khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp taxi có thị phần số 1 tại khu vực miền Nam hiện nay, ít nhất là trong quý IV/2017.

Đối với doanh nghiệp vận tải biển, trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh quý III/2017 của CTCP Dịch vụ vận tải và thương mại (TJC), ông Lê Tất Hưng, Chủ tịch HĐQT đã chỉ ra hàng loạt khó khăn mà TJC gặp phải như: Tình hình hàng hóa duy trì ở mức thấp, giá cước chưa cải thiện, thời tiết xấu (mưa nhiều) khiến lịch trình kéo dài, tăng thời gian chuyến, phát sinh chi phí, giá nguyên liệu ở mức cao… Kết quả, TJC báo lỗ 1,56 tỷ đồng trong quý III, lũy kế 9 tháng lỗ ròng 426 triệu đồng.

Đây cũng là bức tranh chung của TCO, VST, VNT… khi lợi nhuận sụt giảm, thậm chí báo lỗ. Với CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), kinh doanh khó khăn khiến việc bán tàu đang là kỳ vọng duy nhất có thể giúp doanh nghiệp thoát lỗ và “bám sàn” khi đã thua lỗ liên tiếp từ năm 2015 đến nay.

Dịch vụ kỹ thuật dầu khí vẫn bi quan

Tại CTCP Kim loại và lắp máy Dầu khí (PXS), trong quý III, doanh thu của PXS chỉ đạt 24,2 tỷ đồng, bằng 11% cùng kỳ năm 2016, lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của PXS mới đạt 45,5 tỷ đồng, giảm 56,5% so với cùng kỳ 2016 và hoàn thành 56,9% kế hoạch năm.

Chung cảnh ngộ, Báo cáo tài chính quý III của CTCP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí cũng cho thấy kết quả kinh doanh không mấy lạc quan với doanh thu, lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 38% và 62% so với cùng kỳ 2016, lũy kế 9 tháng hoàn thành 28% kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao phó.

Tại CTCP Khoan và hóa chất dầu khí (PVD), trong báo cáo phân tích gần đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt ước tính, năm 2017, PVD có thể lỗ đến 372 tỷ đồng, so với mức lãi 129 tỷ đồng năm ngoái. Với tình hình kinh doanh hiện nay, việc hoàn thành kế hoạch “không lỗ” trong năm nay của PVD đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Không rơi vào thua lỗ như PVD, hay giảm mạnh lợi nhuận như PXS, 2 doanh nghiệp cùng ngành là PVB và PVS thậm chí còn sớm vượt mức kế hoạch. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đặt kế hoạch khá thận trọng ngay từ đầu năm và những khoản hoàn nhập dự phòng.

Tại CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB), nguồn lợi nhuận 31,8 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 17,67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 44,4 tỷ đồng, vượt mục tiêu lỗ 24,9 tỷ đồng đặt ra cho năm 2017. Hay Báo cáo tài chính của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) mới công bố cho thấy, trong quý III, doanh thu đã giảm 33,3% so với cùng kỳ năm 2016. Dẫu có khoản hoàn nhập dự phòng đạt 80 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVS vẫn giảm 22% và 4,8%.

Thực tế, việc giá dầu sụt giảm từ cuối năm 2014 đã khiến nhiều dự án dầu khí bị dừng, giãn tiến độ, đơn giá thi công, cung cấp dịch vụ sụt giảm. Tuy giá dầu đã phục hồi tích cực trong năm 2017 khi giá dầu WTI cuối tháng 10 ở mức cao hơn 27% so với mức thấp nhất trong năm, nhưng bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành dầu khí vẫn còn rất nhiều mảng tối.

Tin bài liên quan