Cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Dũng Minh.

Cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Dũng Minh.

Đặt niềm tin vào cổ phiếu cao su

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bốn tháng qua, giá cao su có diễn biến giảm, nhưng vẫn đạt mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào mùa vụ cuối năm của ngành này.

Bài toán tiêu thụ

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 8/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 200.000 tấn, trị giá 328 triệu USD, giảm 2,2% về lượng và giảm 3% về trị giá so với tháng 7.

Giá xuất khẩu cao su bình quân là 1.640 USD/tấn, giảm 0,8% so với tháng 7. Đây là tháng thứ tư liên tiếp, giá cao su xuất khẩu giảm, nhưng tổng mức giảm chỉ là 7,5% và vẫn cao hơn 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vấn đề đáng quan ngại là hoạt động xuất khẩu cao su chững lại do không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất vì nằm trong khu vực phong tỏa, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi công nhân nghỉ việc, cách ly do dịch Covid-19, đặc biệt tại TP.HCM.

Trước đó, tháng 7/2021, xuất khẩu cao su đạt 204.520 tấn, trị giá 338,2 triệu USD, tăng lần lượt 25,3% về lượng và 22,8% về kim ngạch so với tháng 6.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho biết, 3 tháng qua, phần lớn các doanh nghiệp cao su trên địa bàn thành phố phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng với các sản phẩm nội địa để giữ công nhân, còn lại hầu hết là đóng cửa.

“Doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu vẫn tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, nhưng năng suất chỉ bằng một nửa so với bình thường”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng đã diễn ra từ nhiều tháng trước do tình hình vận chuyển chưa được khắc phục. Đồng thời, giá cước vận chuyển được dự báo duy trì ngưỡng cao, có thể kéo dài sang năm 2022, sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu cao su của các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô toàn cầu chưa giải quyết được vấn đề thiếu chip bán dẫn nên phải cắt giảm sản xuất. Ở trong nước, nhu cầu cao su cũng giảm khi nhiều nhà sản xuất, lắp ráp ô tô bị đóng băng hoạt động vì dịch Covid-19. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ cao su phục vụ sản xuất lốp xe - nguồn doanh thu quan trọng của nhiều doanh nghiệp cao su.

Một thách thức khác, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, khi các nước bắt đầu phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu về cao su, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh đơn hàng sản xuất mới.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp vừa cố gắng cầm cự sản xuất vừa chống dịch có nguy cơ bị khách hàng quốc tế tạm dừng hoặc hủy đơn hàng để chuyển sang các nước có thể duy trì sản xuất. Nghĩa là, việc duy trì các mối quan hệ làm ăn sau dịch cũng là bài toán khó với doanh nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang thiếu dòng tiền để tổ chức sản xuất - kinh doanh và có khả năng thiếu hụt lao động tham gia sản xuất khi thị trường bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Kỳ vọng chưa tắt

Nhìn nhận một cách tích cực, cao su vẫn là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,12 triệu tấn, trị giá 1,87 tỷ USD, tăng 23,3% về lượng và tăng 61,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định, nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ sẽ tiếp tục có xu hướng tăng khi biện pháp phong tỏa nhằm phòng chống dịch Covid-19 ở các quốc gia được nới lỏng và kinh tế dần hồi phục.

Đồng thời, Việt Nam có thể tận dụng yếu tố thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cao su.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Để các doanh nghiệp cao su có thể hồi phục, chỉ có con đường mở cửa thị trường tiêu dùng cùng với thúc đẩy hoạt động sản xuất được diễn ra liền mạch”.

Trong các thị trường xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe của Ấn Độ gia tăng, nhất là khi bang Kerala - nơi sản xuất cao su lớn nhất cả nước vẫn đang phải chống chọi với đại dịch. Trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 47.360 tấn, tăng 70,6%; trị giá 85,5 triệu USD, tăng 119,4%; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 7, chiếm 6,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cao su của Ấn Độ.

Mặt khác, đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu đối với các sản phẩm thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) tăng cao trên toàn cầu, trong đó có găng tay y tế. Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nhà cung cấp PPE mới cho thị trường toàn cầu, sản lượng sản xuất PPE của Việt Nam đã tăng gấp 6 lần trong năm 2020.

IFC cho rằng, nhu cầu sản phẩm PPE trên thế giới đã tăng 3 - 4 lần trong giai đoạn 2019 - 2020 và dự kiến tăng 6 - 9%/năm ít nhất cho đến năm 2025. Điều này sẽ mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho các sản phẩm găng tay cao su với các doanh nghiệp trong nước.

Mức nền tốt của doanh nghiệp

Bốn tháng đầu năm 2021, giá cao su thế giới kéo dài xu hướng hồi phục, sau đó duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020, cùng với thời tiết thuận hòa là những yếu tố tích cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cao su trong nước. Nhờ đó, kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Chẳng hạn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đạt 10.544 tỷ đồng doanh thu và 2.282 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 77% và 171% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Bản Việt dự báo, doanh thu riêng mảng cao su của GVR sẽ tăng 23% trong năm 2021, đạt 16.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sản lượng tăng 10% và giá bán trung bình tăng 12%. Doanh thu từ sản phẩm cao su sẽ được hỗ trợ từ việc mở rộng công suất sản xuất găng tay cao su.

Với Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắc Lắk (DRI), nửa đầu năm 2021, sản lượng tăng 26,1%, giá bán tăng 47,9%, giúp Công ty đạt doanh thu 252,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 46,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lỗ 21,5 tỷ đồng). Tổng diện tích khu khai thác cao su của DRI đạt 8.800 ha, trong đó 8.300 đã đi vào khai thác, có thể cung ứng ra thị trường khoảng 16.000 tấn mủ mỗi năm.

Riêng Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) ghi nhận lãi ròng 6 tháng đầu năm 2021 giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020, xuống 169,7 tỷ đồng, do cùng kỳ năm ngoái ghi nhận khoản tiền bồi thường tại dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II là 456 tỷ đồng. Doanh thu nửa đầu năm 2021 của PHR đạt 757,8 tỷ đồng, tăng 53%, chủ yếu đến từ mảng cao su và chế biến gỗ.

Đặc thù của cây cao su là sản lượng sẽ tập trung vào những tháng cuối năm, nên các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho đợt phục hồi ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo đó, các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ ghi nhận lợi nhuận cao trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý cuối năm. Điều này phản ánh vào giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán khi có diễn biến tăng trong thời gian gần đây.

Tin bài liên quan