Dây chuyền sản xuất thiết bị phụ trợ của Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh
Mục tiêu cao hay thấp
Những tranh luận khá gay gắt về các mục tiêu được đặt ra tại Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 lại khiến ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vui mừng.
Là thành viên thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông và các đồng nghiệp sẽ phải tổng hợp ý kiến, hoàn thiện Dự thảo sau ngày 10/11 tới đây.
“Kể từ khi Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã có 3 kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Đây là lần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thứ tư của đất nước, với chủ đề khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực… Chúng tôi rất chờ đợi các ý kiến góp ý”, ông Vịnh nói với các đại biểu tham dự Hội thảo thảo luận chuyên sâu mới đây về quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021 - 2030.
Trước đó, ngay khi Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, khá nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, mục tiêu của Dự thảo Chiến lược là quá tham vọng và sẽ khó thực hiện. Đặc biệt, Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
“So với Báo cáo Việt Nam 2035 được công bố vào đầu năm 2016, mục tiêu của Dự thảo là về đích sớm hơn 5 năm. Nhưng khi thảo luận để viết Báo cáo Việt Nam 2035, các chuyên gia tham gia thừa nhận rằng, đạt mục tiêu này vào năm 2035 cũng đã là thách thức lớn với Việt Nam”, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm.
Trong Báo cáo Việt Nam 2035 (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới thực hiện), các chỉ số cơ bản của nước có thu nhập trung bình cao là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD (tính theo sức mua bằng USD năm 2011); trên 50% người dân sống tại đô thị; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP và trên 70% lao động lam việc trong các ngành này; chỉ số phát triển con người đạt trên 0,7%.
Đặc biệt, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân, bao gồm khu vực tư nhân chính thức và phi chính thức, trong GDP chiếm tối thiểu 80%.
“Nhưng, rõ ràng, một giấc mơ lớn, táo bạo về một Việt Nam thịnh vượng hình thành, đúng lúc cả thế giới đang rung chuyển bởi những biến động lớn lao, tạo nên một môi trường khác xa so với trước. Hiện thực hóa khát vọng này đòi hỏi những nỗ lực phi thường, chuyển biến vượt bậc, đột phá, vượt lên chính mình của người Việt Nam, trước hết là của đội ngũ lãnh đạo”, bà Chi Lan nhấn mạnh.
Chính bởi vậy, đồng tình với việc đưa ra mục tiêu đầy tham vọng, nhưng bà Lan cho rằng, cần nhìn vào hiệu quả của tăng trưởng hơn là các con số thuần túy.
Cũng là một trong những thành viên thường trực của Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế cao cấp chia sẻ quan điểm này của bà Lan. Tuy nhiên, ông Cung đứng về phía cần đặt mục tiêu cao, thậm chí cao hơn một số chỉ tiêu đang có trong Dự thảo.
“Theo tôi, sau hơn 30 năm đổi mới, đã đến lúc, Việt Nam phải vượt lên. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong 10 năm tới là chưa đủ. Cần phải đặt cao hơn, để khơi dậy khát vọng. Vì quan điểm của tôi, chúng ta xây dựng mục tiêu không chỉ dựa trên thực tiễn, các đánh giá mang tính khoa học, mà còn đặt yêu cầu ở phía điều hành, thực thi. Đây là lúc đòi hỏi nghệ thuật điều hành để khơi nguồn, kích thích sự sáng tạo và quan trọng là thu hút những người giỏi tham gia”, ông Cung chia sẻ quan điểm.
Cùng với nguyên tắc đó, ông Cung cho rằng, cần bổ sung thêm những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, chất lượng môi trường sống, chỉ tiêu liên quan đến sáng tạo… để đo lường được quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh...
“Có thể có rất nhiều chỉ tiêu, nhưng cần có những chỉ tiêu đầu ra, để có thể đánh giá hiệu quả, thể hiện quá trình chuyển đổi. Ví dụ, bên cạnh các chỉ tiêu như độ phủ rừng, tỷ lệ khu công nghiệp có xử lý nước thải..., nên xây dựng chỉ tiêu về chất lượng không khí, chất lượng nước...”, ông Cung đề xuất.
Tiếp tục làm rõ vai trò khu vực kinh tế tư nhân
Trong giai đoạn phát triển tới, với những khát vọng lớn, táo bạo, cả bà Chi Lan và ông Cung đều nhìn vào vai trò không thể thiếu của khu vực kinh tế tư nhân. Thậm chí, bà Lan cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, mà nòng cốt là doanh nghiệp tư nhân, có cơ hội và trách nhiệm phát huy vai trò động lực của nền kinh tế, góp sức thực hiện những chuyển đổi nói trên.
Trao đổi về nội dung này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù câu chữ có ghi thế nào, thì kinh tế tư nhân vẫn là động lực quan trọng, nhất là khi đọc mục tiêu trong Dự thảo Chiến lược, đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đã đến lúc, Việt Nam phải vượt lên. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong10 năm tới là chưa đủ. Cần phải đặt cao hơn, để khơi dậy khát vọng. Vì xây dựng mục tiêu không chỉ dựa trên thực tiễn, các đánh giá mang tính khoa học, mà còn đặt yêu cầu ở phía điều hành, thực thi.
“Làm gì để khối này phát triển bình thường, đó là điều quan trọng. Có thể, các vấn đề cần tháo gỡ là đất đai, vốn, khoa học công nghệ, thị trường các nhân tố sản xuất và cả thị trường đầu ra… Nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải đánh giá những chính sách đang thực hiện, để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới. Nhiều chính sách đã có, nhưng chưa thực hiện được nhiều”, ông Lực nói.
Ông Lực cũng nhắc tới hàng loạt chính sách dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều năm vẫn đang nằm trong… Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và nằm cả trong Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phải nói rõ, ngay trong phần quan điểm phát triển của Dự thảo Chiến lược, nội dung phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế đã được ghi rõ. Cùng với đó, nhiều chủ trương, liên quan trực tiếp, gián tiếp tới thực hiện quan điểm này đã được đưa ra. Có thể kể đến như cải cách, đổi mới thể chế huy động và phân bổ nguồn lực; mở rộng và bảo đảm, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tháo bỏ rào cản đối với đầu tư và kinh doanh; khuyến khích, tạo thuận lợi cho áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ từ phía cầu, thay vì chỉ tập trung phía cung; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp…
“Đó là những rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn, không dám lớn, được đặt ra để gỡ ngay trong giai đoạn tới. Khi đó, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế tư nhân sẽ có cơ sở đạt được. Tất nhiên, phần việc thực thi cũng không hề dễ dàng”, ông Cung nói.
Có thể thấy, có rất nhiều việc phải làm từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, điều quan trọng nhất của phía Nhà nước là tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh.
“Đây là tiền đề số 1 và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới, gắn với các chính sách thực tế, được thực thi nghiêm túc để tạo ra sự phát triển công bằng cho khu vực này”, bà Phạm Chi Lan đề xuất.
Với khu vực kinh tế tư nhân, theo bà Phạm Chi Lan, việc quan trọng nhất mà từng doanh nghiệp phải ưu tiên là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong mấy thập niên tới, nếu không, áp lực đào thải sẽ rất lớn..