Chứng khoán Mỹ phục hồi vào ngày cuối tuần khi giới đầu tư một lần nữa đặt cược vào những cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế vào năm tới, trước thông tin đầy tiềm năng về vắc-xin Covid-19.
Đầu tuần, những lời hứa hẹn về hiệu quả của vắc-xin Pfizer và BioNTech đã khiến các nhà đầu tư từ bỏ các cổ phiếu công nghệ được hưởng lợi từ mùa dịch bệnh để chuyển sang nhóm cổ phiếu giá trị có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, nhưng từ giữa tuần tâm lý thị trường có phần hỗ loạn và lung lay khi chứng kiến những con số về đại dịch được báo cáo hằng ngày.
Chỉ trong ngày thứ Năm (12/11), Mỹ ghi nhận 163.405 ca nhiễm Covid-19 mới, tiếp tục về số ca nhiễm gia tăng trong một ngày. Thành phố New York chứng kiến sự lây lan chóng mặt khi tỷ lệ số ca dương tính mỗi ngày lên tới 2,6% dân số. Thị trưởng Bill de Blasio vào hôm 12/11 cũng tuyên bố, chính quyền sẽ đóng cửa trường học khi tỷ lệ này chạm mốc 3%.
Mặt khác, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, trong một sự kiện trực tuyến cùng hôm thứ Năm, đã cảnh báo giới đầu tư không nên xem quá nhiều báo cáo về vắc-xin.
“Theo quan điểm của chúng tôi, còn quá sớm để đánh giá một cách chắc chắn tác động của những tin tức này đối với con đường phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là trong thời gian sắp tới”, ông Powell nhận định.
Sự kiện trên có sự góp mặt của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey. Các quan chức trên đã đưa ra cảnh báo, vài tháng tới có thể sẽ đầy thách thức.
Trong khi đó, thị trường ngày càng nghi ngờ khả năng một gói kích thích kinh tế có thể sớm được đưa ra trước Quốc hội khi những mâu thuẫn giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về quy mô của nó vẫn còn rất lớn.
Mặc dù vậy, trong một bài phát biểu trước Câu lạc bộ kinh tế Memphis, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard hôm thứ Sáu cho biết, thị trường lao động Mỹ đã cải thiện với tốc độ nhanh chóng trong năm nay, nhanh hơn nhiều so với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009.
“Về cơ bản tỷ lệ thất nghiệp đã giảm rất nhanh, tôi không chắc các bạn có thể thực sự hiểu điều này gây sốc như thế nào”, quan chức này tuyên bố.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi từ những các công ty hàng đầu như Walt Disney Co. và Cisco System cũng giúp thúc đẩy lực mua trên Phố Wall vào thứ Sáu.
Các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi quá trình chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng giữa ứng ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 10 tăng 0,3%, thấp hơn so với mức tăng 0,4% trong tháng 9 và là tháng thứ 6 liên tiếp kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào tháng Năm, theo dữ liệu do Cục thống kê lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu.
Ngoài ra, báo cáo về tâm lý người tiêu dùng từ Đại học Michigan tiết lộ, người dân Mỹ đang lo lắng về dịch bệnh nhiều hơn khi chỉ số lạc quan giảm xuống 77 điểm vào tháng 11, từ mức 81,8 điểm trong tháng 10.
Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Dow Jones tăng 399,64 điểm (+1,37%), lên 29.479,81. Chỉ số S&P 500 tăng 48,14 điểm (+1,36%), lên 3.585,15. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 119,70 điểm (+1,02%), lên 11.829,29 điểm.
Tính chung cả tuần, S&P 500 tăng 2,16%, Nasdaq Composite giảm 0,55% và Dow Jones tăng 4,08%.
Chứng khoán châu Âu giao dịch ảm đạm và đi ngang trong phiên ngày thứ Sáu, khi mối quan tâm trên thị trường hướng về những thiệt hại kinh tế trong những tháng mùa đông tới trong bối cảnh dịch bệnh chưa thể kiểm soát như hiện tại. Tuy nhiên, tuần qua vẫn là một tuần giao dịch đầy hứng khởi của giới đầu tư châu Âu.
Kết thúc phiên 6/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm -22,55 điểm (-0,36%), xuống 6.316,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm tăng 23,77 điểm (+0,70%), lên 13.076,72 điểm. Chỉ số CAC40 tại tăng 17,59 điểm (+0,33%), lên 5.380,16 điểm.
Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 6,88%, chỉ số DAX tăng 4,78% và CAC40 tăng 8,45%.
Chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh sau 8 phiên liên tiếp trước đó tăng điểm, khi giới đầu tư trở nên lo lắng hơn về số ca mắc Covid-19 gia tăng cả ở trong và ngoài nước.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, chịu tác động bởi việc ông Trump quyết định cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào 31 công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 135,01 điểm (-0,53%), xuống 25.385,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,57 điểm (-0,86%), xuống 3.310,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 12,52 điểm (-0,05%), xuống 26.156,86 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 18,25 điểm (+0,74%), lên 2.493,87 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,36%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,06%, chỉ số Hang Seng tăng 1,73% và chỉ số KOSPI tăng 3,20%.
Cuối tuần, giá vàng đi lên trong bối cảnh số ca nhiễm toàn cầu tiếp tục tăng, một lần nữa dấy lên lo lắng về tác động kinh tế của đại dịch. Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD yếu hơn cũng thúc đẩy thị trường vàng.
Kết thúc phiên 13/11, giá vàng giao ngay tăng 12,40 USD (+0,66%), lên 1889.20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 12,90 USD (+0,69%), lên 1.886,20 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 3,5%, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,5%.
Tuần này, trong số 17 chuyên gia trên phố Wall tham gia khảo sát của Kitco, có 10 người, chiếm 59%, dự báo vàng sẽ tăng giá. Chỉ có 1 người, chiếm 6%, cho rằng giá vàng giảm và 6 người, chiếm 35%, dự báo giá vàng đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, trong số 1.511 người tham gia, có 924 người, tương đương 61%, tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. 281 người khác, chiếm 19%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và 306 người còn lại, chiếm 20%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu do chịu áp lực bởi việc gia tăng sản lượng từ Libya, bên cạnh những lo ngại về đại dịch đang lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu.
Sản lượng dầu của Libya đã tăng lên 1,2 triệu thùng/ngày từ mức 1 triệu thùng/ngày được tập đoàn dầu khí quốc gia nước này tuyên bố trước đó vào ngày 7/11.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu tại Mỹ tăng đã thúc đẩy thêm đà giảm giá. Theo dữ liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ đã lên 236 trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng Năm.
Kết thúc phiên 13/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,99 USD (-2,47%), xuống 40,13 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,75 USD (-1,75%), xuống 42,78 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu WTI tăng 8%, giá dầu Brent tăng 8,4%.