Quá trình tái cơ cấu dài
DAP-Vinachem là công ty con của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), với tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước là 64% vốn điều lệ.
DAP-Vinachem từng là một trong 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón thuộc nhóm dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Ngày 29/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương”, trong đó, phương án xử lý đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón, bao gồm Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng là “tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Dự án.
Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp”.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn sau khi doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất - kinh doanh có hiệu quả đối với các doanh nghiệp, trong đó có DAP-Vinachem.
Tập đoàn đã báo cáo Bộ Công Thương phương án và lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn. Bộ Công Thương sau đó đã có văn bản nhất trí với lộ trình và danh mục thoái vốn của Tập đoàn. Trong đó, Vinachem thực hiện thoái hết vốn tại DAP – Vinachem do Công ty có lãi từ năm 2017.
Vinachem đã thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thực tế phần vốn của Tập đoàn đầu tư tại doanh nghiệp. Giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn của Tập đoàn tại DAP - Vinachem được xác định theo phương pháp tài sản, tính tại thời điểm 0h ngày 1/7/2019.
Đơn vị tư vấn đã phát hành chứng thư thẩm định giá, giá khởi điểm chào bán cổ phần của Tập đoàn tại DAP-Vinachem được xác định theo phương pháp tài sản là 16.218 đồng/cổ phần, làm tròn 16.300 đồng/cổ phần.
Trong trường hợp Vinachem thoái vốn thành công theo giá khởi điểm trên, kết quả chuyển nhượng vốn thu về 1.524 tỷ đồng và lãi 588 tỷ đồng. Dù vậy, chứng thư thẩm định giá nói trên đã hết hiệu lực vào ngày 2/4/2020 do chứng thư chỉ có giá trị trong vòng 180 ngày kể từ ngày phát hành, theo quy định.
Tiến trình thoái vốn của Vinachem tại doanh nghiệp, sau đó phải trải qua rất nhiều thủ tục, các vòng xin ý kiến. Ngày 2/3/2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại DAP- Vinachem.
Văn phòng Chính phủ sau đó đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp có ý kiến về đề nghị của CMSC, gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 26/3/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Ngày 31/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với nhiều nội dung quan trọng, làm cơ sở cho việc thúc đẩy tiến trình thoái vốn nhà nước tại DAP-Vinachem. Đơn cử, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Vinachem thực hiện đấu giá công khai một lô trên sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Nghị định 140/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
DAP-Vinachem có gì?
Ngoài nhà máy phân bón, DAP-Vinachem còn sở hữu 2 nhà máy hóa chất và một nhà máy điện có công suất 12 MW… Đặc biệt, Công ty đang sở hữu cảng nước sâu chuyên dụng tại Đình Vũ, Hải Phòng, đây là lợi thế đặc biệt cho hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất.
DAP - Vinachem bắt đầu có lãi từ năm 2017 và đã trả hết nợ vay đầu tư từ năm 2018. Hiện phân bón DAP của DAP-Vinachem đang có lợi thế tiêu thụ tốt. Đây là doanh nghiệp có thương hiệu mạnh nên sản phẩm được tín nhiệm.
Năm 2020, hiệu quả kinh doanh của Công ty đã được cải thiện rõ rệt, ghi nhận lợi nhuận sau thuế 28,44 tỷ đồng, tăng vọt so với số lỗ hơn 3 tỷ đồng trong năm 2019. Quý đầu năm nay, Công ty ghi nhận 35,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng.
Từ đó đến nay, tài sản và vốn chủ sở hữu của Công ty đã tăng thêm, điều này có nghĩa giá khởi điểm của DDV nếu Vinachem đem ra chào bán tới đây nhiều khả năng phải tăng lên so với định giá tại thời điểm 1/7/2019 (là 16.300 đồng/cổ phần).
Chưa kể, hiện nay, thị trường chứng khoán đã khởi sắc hơn nhiều so với năm 2019 - 2020, đặc biệt thị trường phân bón, hóa chất cũng có nhiều chuyển biến tích cực, định giá cổ phiếu DDV do đó nhiều khả năng cũng điều chỉnh theo.
Giải tỏa cơn khát vốn của Vinachem
Vinachem hiện đang phải đối mặt với nhiều khoản vay đầu tư các dự án như dự án Đạm Ninh Bình, trong đó nhiều hợp đồng đã quá hạn thời gian dài.
Đặc biệt, hiện nay, Tập đoàn đang phải xử lý tranh chấp hợp đồng EPC trong Dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Lào. Nhiều khả năng Vinachem phải bố trí nguồn vốn lớn để thanh toán cho các nhà thầu trong trường hợp có phán quyết của trọng tài.
Nếu không có vốn và không đàm phán được với các nhà thầu, Vinachem có thể bị xử lý số cổ phần của Tập đoàn đang bị phong tỏa tại các công ty con. Đây đều là số cổ phần tỷ lệ lớn, ở các doanh nghiệp có tiềm năng trên thị trường chứng khoán.
Việc xử lý số cổ phần phong tỏa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sở hữu của Vinachem tại các công ty này, cũng như kế hoạch sản xuất - kinh doanh và tái cơ cấu của Tập đoàn.
Bởi vậy, Vinachem đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn được thực hiện thoái vốn tại DAP-Vinachem trong năm 2021-2022, chuyển nhượng vốn theo phương thức đấu giá công khai theo một lô tại sở giao dịch chứng khoán theo quy định và được giữ lại toàn bộ số tiền thu được từ thoái vốn của Tập đoàn tại Công ty cổ phần DAP-Vinachem để bố trí nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu dự án Muối mỏ kali tại Lào khi thực hiện phán quyết của trọng tài.
Việc thoái vốn tại DAP-Vinachem nếu thành công, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang thuận lợi, được cho là có thể hỗ trợ lớn để cơ cấu lại tài chính của Vinachem.