Đáp ứng quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi từ EVFTA

Cơ hội tăng xuất khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực rộng mở, nhưng chặng đường cho ngành da giày, túi xách Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ để nhận ưu đãi thuế không hề dễ dàng.
Nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung ứng da nguyên liệu. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung ứng da nguyên liệu. Ảnh: Đức Thanh

Thuế suất ưu đãi khi đáp ứng được quy định về xuất xứ

EVFTA mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu da giày, túi xách của Việt Nam sang các nước thành viên EU. Cụ thể, thuế suất đối với sản phẩm túi, ví, cặp, va li, giày bảo hộ và giày thể thao sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, trong khi giày dép da sẽ giảm từ mức cơ sở 12,5% về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm, sau khi Hiệp định có liệu lực.     

Năm 2019, xuất khẩu giày dép, túi xách mang về 22 tỷ USD, trong đó, riêng xuất khẩu sang EU đạt khoảng 5,65 tỷ USD (giày dép đạt khoảng 4,65 tỷ USD, túi xách đạt 1 tỷ USD). EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, rất quan trọng với ngành da giày Việt Nam và càng đặc biệt có ý nghĩa khi EVFTA sắp có hiệu lực.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) phân tích, để được hưởng thuế suất ưu đãi mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được quy định về xuất xứ thông qua Hàm lượng Giá trị trong khu vực (Regional Value content - RVC) khi sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam và các nước thành viên trong EVFTA. Tỷ lệ hưởng ưu đãi không giống nhau và tùy thuộc vào khả năng đáp ứng nguyên liệu của mỗi doanh nghiệp.

“Trước mắt, các doanh nghiệp phải tận dụng được tỷ lệ hàm lượng RVC trong EVFTA, tức là phải biết sử dụng nguyên liệu từ các nước thành viên trong EVFTA khi sản xuất nhằm đạt yêu cầu theo quy định, nếu muốn được hưởng thuế suất thấp”, ông Kiệt nói.

Cũng theo đại diện Lefaso, nhóm sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Do đó, Việt Nam sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này.

Vẫn cần thêm thời gian

Giống như nhiều ngành xuất khẩu khác, điểm mấu chốt để xuất khẩu da giày được hưởng thuế suất ưu đãi theo cam kết trong EVFTA là xuất xứ nguyên liệu. Nếu không giải được bài toán nguyên liệu, ngành da giày sẽ chỉ tăng trưởng được theo chiều rộng, chứ khó đạt được chiều sâu.

Theo thống kê của Lefaso, chỉ có 30% doanh nghiệp trong ngành da giày tự chủ được nguyên liệu, đó là các doanh nghiệp FDI sở hữu chuỗi cung ứng, số doanh nghiệp còn lại chủ yếu làm gia công.

Đáng nói là, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ đồng thời bỏ ngay chế độ Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP) với ngành da giày Việt Nam, hiện dao động dưới 8%. Như vậy, các doanh nghiệp không đáp ứng quy định của EVFTA để được hưởng thuế suất thấp theo cam kết EVFTA cũng sẽ không được tiếp tục hưởng quy chế GSP.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso cho biết,  gần 60% nguyên phụ liệu của ngành da giày vẫn đang nhập khẩu, trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm 60%, từ Đài Loan 20%, trong khi nhập từ Hàn Quốc - quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và có thể giúp Việt Nam nhận được ưu đãi thuế, lại chỉ có 10%.

Rõ ràng, việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của mặt hàng da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển đường dài và tận dụng được các ưu đãi của nhiều FTA, trong đó có EVFTA.

Với khối doanh nghiệp da giày FDI đang hoạt động tại Việt Nam, cũng không dễ để chuyển đổi thị trường nguyên liệu đầu vào, bởi 80% vốn vào ngành này đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông; lượng vốn từ Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn.

Trong khi đó, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghiệp phụ trợ cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu những năm qua vẫn chưa đạt kỳ vọng. Dẫu hàng tỷ USD vốn FDI đổ vào ngành da giày, nhưng các dự án chủ yếu vẫn tận dụng lực lượng lao động sẵn có tại Việt Nam; các dự án phụ trợ như da thuộc, mũ giày… còn ít và đó là lý do chi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để xuất khẩu còn cao.

Ngành da giày với hơn 500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đang đứng trước cơ hội lớn nếu tận dụng được những ưu đãi từ EVFTA, nhưng theo bà Xuân, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp thách thức trong mảng giày da, do chưa chủ động được nguồn cung ứng da nguyên liệu và vẫn phụ thuộc từ nhập khẩu.

“Để vượt qua rào cản về thương mại, kỹ thuật từ các FTA, chứ không riêng EVFTA, ngành da giày cần tính toán chiến lược cụ thể”, bà Xuân nhấn mạnh.

Tin bài liên quan