Ít nhất trong giai đoạn tổ chức ĐHĐCĐ, cổ đông có quyền yêu cầu công ty cung cấp danh sách cổ đông

Ít nhất trong giai đoạn tổ chức ĐHĐCĐ, cổ đông có quyền yêu cầu công ty cung cấp danh sách cổ đông

Danh sách cổ đông: Công cụ để cổ đông nhỏ tự bảo vệ mình

(ĐTCK) Trong vô vàn mâu thuẫn và tranh cãi giữa các cổ đông nhỏ và nhóm cổ đông lớn đang nắm quyền lãnh đạo điều hành tại các công ty, dường như bản danh sách cổ đông và việc cung cấp danh sách này là một việc rất nhỏ. Tuy nhiên, thực tế, nó có giá trị quan trọng trong việc giúp các cổ đông nhỏ tập hợp, cùng đưa ra kiến nghị đối với công ty.

Với nguyên tắc đối vốn, Luật Doanh nghiệp có hàng loạt quy định mà cơ sở là tỷ lệ sở hữu cổ phần. Đồng thời, để bảo vệ cổ đông nhỏ, Luật quy định một số quyền nếu các cổ đông tập hợp với nhau để đạt đến tỷ lệ sở hữu nhất định. Chẳng hạn, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu 10% vốn cổ phần có quyền đề cử người vào Ban Kiểm soát, HĐQT, xem xét trích lục một số loại tài liệu, yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp... Tỷ lệ 10% có thể thay đổi, như thấp hơn, nếu như điều lệ công ty quy định.

Làm sao để các cổ đông nhỏ, phân tán ở nhiều địa phương, có thể tìm kiếm nhau, cùng chia sẻ quan điểm và tập hợp đủ các tỷ lệ cần thiết để thực hiện quyền? Công cụ hữu ích nhất chính là bản danh sách cổ đông. Điểm đ, Khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 về Quyền của cổ đông phổ thông quy định rằng: Cổ đông có quyền xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết. Nhưng thực tế, không phải lúc nào công ty cũng sẵn lòng cung cấp bản danh sách này cho cổ đông.

Trao đổi bên lề với Báo Đầu tư Chứng khoán, một nhân sự cấp quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, quy định về danh sách cổ đông nghĩa là chỉ cho phép cổ đông tra cứu thông tin của cá nhân họ, thay vì được cung cấp toàn bộ danh sách cổ đông của công ty, bởi thông tin cá nhân là các thông tin “nhạy cảm”, không thể công khai như vậy.

Trao đổi lại với một số cổ đông, Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận ý kiến một số cổ đông cho rằng, cách hiểu như vậy “khá tiêu cực”, khiến cổ đông sẽ gặp khó khăn trong việc tập hợp được các tỷ lệ 5%, 10%...

Về những cách hiểu khác nhau giữa cổ đông và cơ quan quản lý về quyền xem xét, tra cứu và trích lục danh sách cổ đông khi áp dụng quy định nêu trên, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, khi quy định chưa thật sự rõ ràng thì phải tính đến yếu tố hợp lý áp dụng luật. Đúng là cần cân nhắc yếu tố thông tin cá nhân khi cung cấp danh sách cổ đông, bởi có những cổ đông không mong muốn công khai thông tin của mình cho người khác. Hơn nữa, nếu công ty có lượng cổ đông lớn, tới hàng nghìn người, nếu các cổ đông lạm dụng yêu cầu cung cấp danh sách có thể tạo ra phiền toái, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

“Nhưng trong những trường hợp hợp lý khác, công ty phải cung cấp đầy đủ danh sách cổ đông khi có yêu cầu. Chẳng hạn, trước cuộc họp đại hội đồng cổ đông, việc yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông là hợp lý, bởi đây là thời điểm cổ đông cần thông tin để có thể liên kết với nhau thành nhóm nhằm có những đề xuất thêm nội dung thảo luận, đề cử người vào HĐQT, ban kiểm soát… Do Luật khó có thể liệt kê, làm rõ tất cả những trường hợp hợp lý, nên việc xác định trường hợp nào là chính đáng đòi hỏi người quản lý công ty phải thực hiện đúng trách nhiệm đã được Luật Doanh nghiệp quy định rõ ràng là: “trung thành, trung thực và cẩn trọng” khi thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao”, ông Hiếu nói.

Ở góc độ khác, theo ông Hiếu, cổ đông vẫn còn nhiều cách để có thể liên kết, tập hợp được tỷ lệ cần thiết trong trường hợp bị gây khó khăn trong việc tiếp cận thông tin danh sách cổ đông. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp quy định về quyền tiếp cận thông tin danh sách cổ đông cụ thể hơn, rõ ràng hơn trong trường hợp khác như: công ty phải cung cấp các tài liệu phục vụ cho nội dung thảo luận trong đại hội đồng cổ đông, mà danh sách cổ đông cũng có thể coi là một loại tài liệu của đại hội. Hơn nữa, tại Khoản 3 Điều 137 quy định: “Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông”. Như vậy, ít nhất trong giai đoạn tổ chức đại hội đồng cổ đông, cổ đông có quyền yêu cầu công ty cung cấp danh sách này. Cuối cùng, các cổ đông nên chủ động tìm kiếm và liên kết với nhau qua các phương tiện thông tin hoặc phương tiện khác.

Được biết, nhằm hỗ trợ các cổ đông nhỏ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Phan Đức Hiếu đang ấp ủ dự án cá nhân mang tên “cổ đông nhỏ”. Dự kiến, ông Hiếu và một số bạn bè có cùng tâm huyết sẽ thành lập một diễn đàn online, nơi qua đó các cổ đông nhỏ có thể tìm thấy nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm tiếng nói chung, tập hợp nhau để có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Tin bài liên quan