Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thêm từ 211-555 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 27,6%-36,6% so với số đã công bố (ảnh Lê Toàn)

Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thêm từ 211-555 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 27,6%-36,6% so với số đã công bố (ảnh Lê Toàn)

Đánh giá lại quy mô GDP, cẩn trọng tác động ảo tăng trưởng nóng

(ĐTCK) Kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 tăng 24,5%, GDP bình quân đầu người tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%/năm. Đây là thông tin được Tổng cục thống kê công bố tại cuộc họp báo vừa diễn ra ngày 13/12.

Tăng quy mô và giá trị các ngành  

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm.

Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294 nghìn tỷ đồng, tăng so với số đã công bố trước đây là 5.006 nghìn tỷ đồng. Giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của cả 3 khu vực đều tăng sau khi đánh giá lại, trong đó quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng nhiều nhất. 

Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 25-46 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 5,4%-6,2% so với số đã công bố; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thêm từ 211-555 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 27,6%-36,6% so với số đã công bố; khu vực dịch vụ tăng thêm từ 316-615 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 29,8%-39,6% so với số đã công bố.

Cũng theo theo Tổng cục thống kê, quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi như tích lũy tài sản bình quân mỗi năm tăng 28,98%; tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư, bình quân tăng 26,37%/năm; tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%. Cơ cấu GDP thay đổi, phản ánh rõ hơn xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế .

Tốc độ tăng GDP hàng năm trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hàng năm, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm, trong đó năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm. Tốc độ tăng GDP các năm giai đoạn 2011-2017 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%.

 Thu nhập đầu người tăng nhưng thu ngân sách giảm về con số

Ông Lâm cho biết thêm, việc đánh giá lại GDP cho thấy GDP bình quân đầu người có sự thay đổi tích cực. Cụ thể, GDP bình quân đầu người đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng khoảng 25,6% mỗi năm so với số đã công bố, tương ứng với tăng 10,3 triệu đồng/người; ứng với 485,2 USD/người theo tỷ giá hối đoái và 1.421,1 USD-PPP/người theo sức mua tương đương.

Sau đánh giá lại thì GDP bình quân đầu người tại Việt Nam đạt gần mức 3.000 USD/năm.

Tuy vậy, dù GDP bình quân đầu người tăng lên nhưng người dân không được hưởng lợi thực tế mà được hưởng lợi từ các chính sách đúng của Chính phủ. Lý giải điều này, ông Lâm dẫn chứng, cơ cấu kinh tế thay đổi, Chính phủ thay đổi chính sách điều hành cho phù hợp với cuộc sống người dân.

Điểm đáng lưu tâm là sau khi đánh giá lại GDP, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 5%.

“Thu ngân sách là con số cố định, đã thu vào kho bạc nhà nước. Khi GDP tăng lên, mẫu số lớn hơn nhưng thu ngân sách nhà nước con số thực tế không thay đổi nên tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm xuống, do đó tuy GDP tăng lên nhưng thực tế ngân sách nhà nước sẽ không thu thêm được”, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) lý giải.

 Cẩn trọng các tác động tăng trưởng nóng ảo

Đánh giá về tác động của việc đánh giá lại GDP, Tổng cục Thống kê cho rằng sẽ có cả hai mặt.

Trước hết, việc đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới thay đổi các chỉ tiêu có liên quan tới GDP, đặc biệt các chỉ tiêu mang tính đòn bẩy của nền kinh tế như: tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP. Các chỉ tiêu này thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ.

Khi dòng vốn đổ vào nền kinh tế, các nước đang phát triển thường vận dụng chính sách tiền tệ thuận chu kỳ để giữ ổn định tỷ giá dẫn tới biên độ dao động GDP của nền kinh tế trong trung và dài hạn nới rộng, nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng thao túng tiền tệ .

 - Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê

Sự thay đổi của các chỉ tiêu đòn bẩy cho thấy khả năng mở rộng hoặc thu hẹp dư địa thu ngân sách, điều chỉnh tỷ lệ thuế, chi tiêu và nợ công. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế được quy định bởi các văn bản pháp luật. Các chỉ tiêu đòn bẩy giảm xuống đưa đến khả năng lựa chọn được thêm những dự án cần thiết có hiệu quả tốt mà trước đây loại bỏ vì nếu đầu tư sẽ làm cho nợ công vượt trần.

Trong đó, khi các chỉ tiêu đòn bẩy của nền kinh tế giảm, các dự án trước đây không dám đầu tư vì nếu thực hiện đầu tư sẽ vượt trần nợ công thì đến nay có thể được đầu tư, cùng với tăng trưởng khá cao và ổn định của nền kinh tế sẽ kích thích dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài ồ ạt đổ vào nước ta dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng nóng.

Dòng vốn đổ vào nền kinh tế nhanh làm cho thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản nóng lên; bên cạnh đó với hiệu ứng của cải, người dân thấy họ giàu hơn sẽ tăng khả năng đi vay để chi tiêu, với vay tín dụng lãi suất không phần trăm (0%) để mua bất động sản, chính sách hạ lãi suất và nới lỏng cho vay của ngân hàng vì giá trị tài sản thế chấp tăng cao…

"Những điều này có thể dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản ngày càng phình to hơn, dễ dẫn đến đổ vỡ. Thêm nữa, khi dòng vốn đổ vào nền kinh tế, các nước đang phát triển thường vận dụng chính sách tiền tệ thuận chu kỳ để giữ ổn định tỷ giá dẫn tới biên độ dao động GDP của nền kinh tế trong trung và dài hạn nới rộng, nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng thao túng tiền tệ”, ông Lâm cảnh báo.

Mặt khác, khi quy mô nền kinh tế mở rộng và GDP bình quân đầu người tăng có thể làm tăng mức đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong khi đó sự ưu đãi về kinh tế từ các tổ chức tài chính quốc tế không còn như những năm trước, chính sách cho Việt Nam vay cũng sẽ thay đổi như vay vốn ODA, vay ưu đãi sẽ ngặt nghèo hơn...

Để tránh các tác động không mong muốn, ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP khuyến nghị, cần đặc biệt chú trọng việc đảm bảo nguyên tắc tài khóa đề ổn định các cán cân vĩ mô.

“Khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, Chính phủ không nên vay nợ để chi tiêu. Bởi lẽ, vay thêm để đầu tư chi tiêu sẽ khiến cho lạm phát xuất hiện, nợ công tăng lên. Ngược lại, khi kinh tế suy thoái, tăng trưởng chậm, Chính phủ cần tăng chi tiêu để tránh nền kinh tế bị suy thoái, nên lưu ý vì đây là vấn đề chung của các nền kinh tế đang phát triển”, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi khác nhau. 

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) không có sự thay đổi lớn, giai đoạn 2011-2017 là 5,98 (giảm 0,27); giai đoạn 2016-2017 là 6,05 (giảm 0,22). Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 5,0%. Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 1,1%.  

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP bình quân 23,2%/năm (số đã công bố là 29,1%/năm). Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm. Tỷ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm khoảng 11,6%/năm.

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân giai đoạn 2015-2017 đóng góp 46,4% trong GDP, giảm 0,13 điểm phần trăm so với ước tính trước đây.

Tin bài liên quan