Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp khiến không ít tập đoàn, doanh nghiệp khốn đốn.

Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp khiến không ít tập đoàn, doanh nghiệp khốn đốn.

Đánh chuyển giá nhầm đối tượng: Chính phủ đã nhắc 3 lần rồi

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhắc cơ quan soạn thảo Nghị định 20 chậm sửa đổi những bất cập của quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính Xem xét sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật mà đang có vướng mắc. Trong đó, Phó Thủ tướng nhắc đến quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định 20.

“Nghị định 20 Thủ tướng Chính phủ 3 lần nhắc chuyện này rồi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Trả lời PV. VietNamNet, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay: Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ tư pháp trình Chính phủ 5 nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế, trong đó có Nghị định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

“Vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp có ý kiến và chúng tôi lắng nghe tất cả các ý kiến để rà soát, trên cơ sở đó có đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp. Bao giờ cũng vậy, khi xây dựng Nghị định cần phải có báo cáo đánh giá quá trình thực hiện, từ đó xem có gì phù hợp thông lệ quốc tế, có gì phù hợp quy định pháp luật nói chung thì báo cáo Chính phủ để hướng dẫn”, ông Cao Anh Tuấn nói.

Hiện Bộ Tài chính mới trình nội dung Nghị định, Văn phòng Chính phủ đang thẩm định. Nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: "Nếu chúng ta chờ sửa đổi bổ sung theo Luật quản lý thuế thì rất chậm. Vướng đâu phải sửa đấy. Quy định này lại liên quan đến chi phí hợp lý hợp lệ để tính thuế, được điều chỉnh tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là chính, chứ không phải trong Luật quản lý thuế. Thời gian tới Văn phòng Chính phủ sẽ có thẩm định cùng với các bộ các ngành để có ý kiến".

“Rõ ràng việc này các DN kêu rất nhiều mà đến bây giờ chúng ta vẫn chưa giải quyết được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Là người đã theo sát quá trình thực hiện Nghị định 20 và có nhiều ý kiến phản đối quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ, ông Chung Thành Tiến, Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cho rằng những diễn biến của ngày hôm nay ông đã dự liệu được từ khi Nghị định này còn chưa có hiệu lực.

Ông Chung Thành Tiến cho rằng, khi những quy định bất hợp lý được ban hành mà không cơ quan nào phải chịu trách nhiệm, trong khi đó doanh nghiệp phải “cắn răng” chấp nhận.

Vị chuyên gia này nói thẳng, quy định tại Nghị định 20 là sai. Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều ý kiến phản hồi thì phải có trách nhiệm xem xét. Thậm chí, doanh nghiệp phải chịu thiệt hại thì điều đó thì phải trả lại tiền cho doanh nghiệp.

“Phạm vi áp dụng của Nghị định 20 là áp dụng cho doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tại sao đi xuống các nội dung chi tiết phía dưới lại có điều khoản quy định cho tất cả các doanh nghiệp khác”, ông Tiến nhấn mạnh.

Nếu chiếu theo quy định khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20, thì các tập đoàn như Tập đoàn lớn của Việt Nam như điện lực, doanh nghiệp hàng không, giao thông và hàng loạt doanh nghiệp khác đều bị ảnh hưởng. Bởi vì những doanh nghiệp này đều phải dùng vốn vay từ nhiều nơi.

Một chuyên gia khác trong ngành thuế thừa nhận, mục tiêu của Nghị định 20 chưa đạt được. Quy định tại Nghị định 20 nhằm chống chuyển giá, nhưng người soạn thảo quên mất một điều rằng các doanh nghiệp nước ngoài không chuyển giá qua lãi vay. Mặt khác, nếu có doanh nghiệp nước ngoài nào chuyển giá thì họ sẽ lựa chọn chuyển giá thông qua nâng giá trị máy móc, nguyên vật liệu.

“Ví dụ một thiết bị trị giá thực chỉ 1 tỷ đồng, nhưng họ nâng giá trị lên 10 tỷ đồng để nhập vào thì cũng rất khó có cơ sở để bác bỏ giá trị khai báo của họ”, vị chuyên gia này cho biết. “Vậy nên những kiến nghị thời quan qua chỉ là của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài họ không nói gì cả”.

Vì thế, quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp không đạt được mục tiêu chống chuyển giá, trái lại khiến ảnh hưởng đến rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước.

Ngay từ khi Nghị định 20/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết ban hành tháng 2/2017 (có hiệu lực tháng 5/2017), nhiều doanh nghiệp trong nước đã “hốt hoảng” khi nhận ra đối tượng bị điều chỉnh lại là cả các doanh nghiệp Việt, chứ không đơn thuần là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Lý do là khoản 3 Điều 8 Nghị định này lại quy định về việc khống chế lãi tiền vay không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (tức lợi nhuận thuần trước chi phí lãi và khấu hao) áp dụng cho tất cả khoản vay từ bên liên kết hay bên độc lập và ngân hàng.

Có nghĩa, doanh nghiệp A. hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con có lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí là 100 đồng thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20 đồng. Nếu vượt quá mức này thì chi phí lãi vay đó không được tính là chi phí hợp lệ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Suốt từ 2018 đến nay, hàng chục tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã có đơn “kêu cứu” gửi đến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị gỡ khó khẩn cấp cho doanh nghiệp.

Không khó để điểm tên các “ông lớn” DNNN gửi đơn kêu tới cơ quan chức năng. Đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam,...

Tin bài liên quan