Đằng sau việc hạ mức dự báo tăng trưởng của IMF

Đằng sau việc hạ mức dự báo tăng trưởng của IMF

(ĐTCK) Đó là lỗi chủ quan của các chính phủ khi đánh giá quá thấp tác động của các chính sách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu đối với tăng trưởng kể từ khi cuộc đại suy thoái bắt đầu.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra cảnh báo rằng, thất bại của các nhà làm chính sách của Mỹ và Khu vực đồng euro (eurozone) trong việc giải quyết các vấn đề về tài chính đang đe dọa sự phục hồi vốn đã chậm chạp và khó khăn của kinh tế toàn cầu.

Theo IMF, những bằng chứng từ 28 nước cho thấy, cái gọi là số nhân tài khóa, được các chính phủ sử dụng để ước lượng mức độ ảnh hưởng của việc cắt giảm tài khóa đến tăng trưởng, đã bị đánh giá quá thấp.

“Các số nhân tài khóa đó đã bị đánh giá quá thấp một cách có hệ thống kể từ khi cuộc đại suy thoái bắt đầu”, IMF nói. Một số nhân nhỏ hơn ngụ ý việc thắt chặt tài khóa phải trả giá ít hơn (bằng tăng trưởng).

Sau khi xem xét các hồ sơ chính sách, các quan chức của Quỹ nhận định rằng, các chính phủ đang thường xuyên sử dụng số nhân tài khóa vào khoảng 0,5 để tính toán mức độ ảnh hưởng của chính sách thắt lưng buộc bụng đối với tăng trưởng. Số nhân 0,5 có nghĩa là, cứ mỗi đồng cắt giảm chi tiêu của chính phủ, GDP của nền kinh tế sẽ mất đi 50 xu.

“Những kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy, các số nhân tài khóa trên thực tế nằm trong khoảng từ 0,9 đến 1,7 kể từ khi đại suy thoái bắt đầu”, IMF nói. “Điều này cũng phù hợp với kết quả của một nghiên cứu khác, mà theo đó, trong môi trường kinh tế khó khăn, với chính sách tiền tệ duy trì miễn cưỡng lãi suất thấp gần bằng không và việc điều chỉnh tài khóa đồng loạt diễn ra ở rất nhiều nền kinh tế, số nhân tài khóa thường cao hơn 1”.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của mình, IMF cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới.

IMF hiện tin rằng, sản lượng kinh tế sẽ chỉ tăng thêm 3,6% trong năm tới, giảm so với mức 3,9% được dự báo trong tháng 7. Nhưng đó là trong trường hợp Quốc hội Mỹ sẽ làm điều gì đó để nền kinh tế nước này tránh va phải “vách đá tài chính” – hết thời hạn giảm thuế và bắt đầu cắt giảm chi tiêu trong năm tới – và các chính phủ eurozone sẽ nghe theo kế hoạch mua nợ công của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông qua việc cam kết cải cách kinh tế và liên kết chặt chẽ hơn.

“Vấn đề mấu chốt hiện nay là có phải nền kinh tế toàn cầu chỉ đang vấp phải một ‘ổ gà’ khác trên con đường gập gềnh hướng tới phục hồi tăng trưởng, hay là đang lạc vào một lối cụt nào đó”, IMF bình luận. “Câu trả lời phụ thuộc vào việc các nhà làm chính sách châu Âu và Mỹ có thể chủ động hóa giải được các thách thức kinh tế đang lù lù trước mắt hay không”.

Sự không chắc chắn về kinh tế sẽ tiếp tục tác động xấu đến sản lượng của cả các thị trường phát triển và các thị trường mới nổi, Quỹ Tiền tệ băn khoăn, mặc dù vẫn tương đối lạc quan với triển vọng của kinh tế Trung Quốc.

Mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho năm nay và năm tới đã bị IMF điều chỉnh giảm lần thứ năm, giảm 1 điểm phần trăm xuống còn tương ứng 7,8% và 8,2%. Tuy nhiên, IMF tin tưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có được một cuộc hạ cánh mềm, cùng với phần còn lại của khu vực.

“Triển vọng kinh tế Trung Quốc bị đánh giá giảm đi là do kết quả khiêm tốn về tăng trưởng mà nước này có được sau những động thái nới lỏng chính sách gần đây”, IMF nói.

IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế Anh trong năm nay từ mức dương 0,2% xuống còn âm 0,4%. Quỹ Tiền tệ quốc tế hiện dự báo tăng trưởng của Anh trong năm tới là 1,1%, giảm so với mức 1,4% được đưa ra trước đó. Những dự báo mới này cùng chiều với nhận định của đông đảo nhà kinh tế độc lập.

Olivier Blanchard, kinh tế trưởng của IMF cho biết, Tây Ban Nha và Ý nên nhận sự hỗ trợ tài chính theo cách tái cấp vốn trực tiếp cho ngân hàng và hạ thấp chi phí đi vay.

Quỹ Tiền tệ quốc tế kêu gọi, Cơ chế bình ổn châu Âu, một quỹ cứu trợ thường trực của eurozone, nên được đưa vào hoạt động càng sớm càng tốt để có thể nhanh chóng bơm vốn trực tiếp vào các ngân hàng của các nước ngoại vi eurozone. Quỹ đó sẽ đảm bảo cho các chính phủ có thể đi vay với “chi phí hợp lý”.