Đằng sau những con số

Đằng sau những con số

(ĐTCK) Đằng sau những con số về kế hoạch kinh doanh năm 2013 tưởng như khô khan của DN đã phản ánh đánh giá của DN về môi trường kinh doanh năm nay.

Cái nhìn cơ bản là chưa mấy lạc quan, thậm chí có những yếu tố còn khó hơn năm qua, nên phần lớn DN đưa ra chỉ tiêu kinh doanh giảm sút so với năm trước.

Điển hình, kế hoạch kinh doanh của Vimeco (VMC) thấp nhất kể từ năm 2005; chỉ tiêu lợi nhuận của Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí - CTCP (PVE) thấp nhất trong 3 năm trở lại đây... PVE đã có một năm 2012 khó khăn với lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 50% so với năm 2011. Còn lợi nhuận trước thuế của VMC năm 2012 chưa đạt 40% kế hoạch. Hai DN này có lý do để dè dặt trong hoạch định chỉ tiêu.

NĐT còn thắc mắc khi nhiều DN ăn nên làm ra, lợi nhuận năm qua vượt 50 - 70% chỉ tiêu như CTCP Cơ điện lạnh (REE), CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD), Đạm Phú Mỹ (DPM)… cũng chọn cách phòng thủ thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng?

Tuy nhiên, câu trả lời cũng không khó tìm ra. Nhìn trên BCTC năm 2012, dù mức lãi của PGD vượt 77% kế hoạch năm, nhưng chỉ bằng 75% năm trước đó. Nó cho thấy đà tăng trưởng đã chững lại. Với CII, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty đánh giá, khó khăn đã và đang tác động mạnh lên mọi DN. Năm 2012, CII may mắn khi chuyển nhượng được cổ phần ở công ty liên kết với giá cao, giúp ghi nhận lợi nhuận đột biến. Năm nay, ông Bình không hy vọng may mắn tương tự sẽ đến.

Một số DN như Licogi 16 (LCG) lo diễn biến thị trường có thể tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường, nên đã vạch ra những kịch bản khác nhau trong những điều kiện khác nhau, mà kịch bản tốt nhất là lãi 0 đồng. Lãnh đạo Savico (SVC) còn tính đến khả năng điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh nếu tình hình quá khó khăn.

Trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, DN không còn chắc chắn về kế hoạch vạch ra. Hiện tượng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là phổ biến và khoảng cách giữa chỉ tiêu - khả năng thực hiện mỗi lúc một rộng hơn. Trong hoàn cảnh đó, NĐT được khuyên chỉ nên xem kế hoạch kinh doanh của DN như một yếu tố tham khảo.

Dù vậy, theo các chuyên gia, chỉ tiêu kinh doanh luôn phản ánh khả năng quản trị, quan sát, phân tích và dự báo của lãnh đạo DN. Nếu DN làm tốt các công tác này, chỉ tiêu kinh doanh của DN thường sát với khả năng thực hiện. Một số DN được đánh giá cao như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Domesco... là những DN mà kết quả kinh doanh thường không quá biến động so với chỉ tiêu ban đầu.

Rõ ràng, tính khả thi, ổn định của kế hoạch kinh doanh mới là điều quan trọng nhất. Từ cơ sở này, NĐT sẽ biết mình có nên đặt niềm tin vào chỉ tiêu kinh doanh của DN hay không.