Đằng sau các bản đề án tái cơ cấu

Đằng sau các bản đề án tái cơ cấu

(ĐTCK) Công tác nhân sự theo như lời ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí (PVN), dường như là khâu rất khó xử khi các DNNN thực hiện đề án tái cơ cấu.

Cụ thể, tại tập đoàn này, đối với các tổng công ty, công ty do PVN nắm giữ 100% vốn điều lệ, sẽ không tổ chức hội đồng thành viên, cơ cấu quản lý sẽ theo mô hình chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty.

Hiện ngoài Công ty mẹ - PVN, còn có một số tổng công ty, công ty thành viên đang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Đó là Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), Tổng công ty Dầu (PV Oil), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất... Đa số các đơn vị này đều có hội đồng thành viên và có hai nhân sự riêng biệt đảm nhiệm vị trí chủ tịch và tổng giám đốc.

Theo ông Thực, cả về quy mô và vốn điều lệ thì các tổng công ty trên đều lớn hơn đa số tập đoàn, tổng công ty thuộc các ngành nghề khác. Chẳng hạn, vốn điều lệ của PVEP hiện là 45.000 tỷ đồng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có vốn điều lệ 35.000 tỷ đồng, PV Power có vốn 12.000 tỷ đồng, PV Oil có vốn 7.800 tỷ đồng. Đây là những “siêu” tổng công ty của PVN.

Sau khi tái cơ cấu, nếu theo mô hình chủ tịch kiêm tổng giám đốc thì quyền lực sẽ quá tập trung, như vậy rủi ro rất lớn. Đồng thời, trước đây, PVN đã phân cấp mạnh cho các tổng công ty này, vì có cả hội đồng thành viên tham gia giám sát quản lý, bây giờ tái cơ cấu, rút gọn bộ máy mà vẫn phân cấp như vậy thì càng tạo cơ hội cho quan liêu, trì trệ.

Việc sắp xếp nhân sự liên quan đến Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn nói một cách rộng hơn cũng không đơn giản. Lãnh đạo PVN cho biết, hiện Tập đoàn có 29 đơn vị là công ty con trực thuộc, nhưng sau khi tái cơ cấu sẽ chỉ còn 24 đơn vị. Các công ty con cấp 2, cấp 3 và công ty liên doanh với công ty con hiện có 206 đơn vị. Sau khi tái cơ cấu sẽ còn 126 đơn vị. PVN không duy trì công ty cấp 4 và công ty liên doanh với công ty cấp 2, cấp 3.

Ông Thực còn chia sẻ rất thực rằng, với những vị trí như vậy, bổ nhiệm thì dễ, còn miễn nhiệm là rất khó. Bố trí công việc, vị trí cho ít nhất 24 nhân sự cấp cao là không đơn giản, bởi vậy PVN thấy khó quá và đã kiến nghị với Chính phủ cho giãn việc thực hiện thu gọn bộ máy (theo yêu cầu phải báo cáo Chính phủ trong tháng 9).

Nhìn rộng hơn, không phải chỉ mỗi PVN khó xử chuyện nhân sự. Nhiều tổng công ty, tập đoàn và các DN lớn khác cũng đang rối như tơ vò, nhất là khi văn hóa bổ nhiệm, đề bạt của chúng ta còn nặng về yếu tố thâm niên và thứ tự. Chẳng phải đâu xa, chuyện FPT thay tướng dù đã qua tới cả tháng, nhưng vẫn là chuyện thời sự được trao đổi bên lề của một hội nghị có nhiều lãnh đạo DN tham dự diễn ra cuối tuần qua.

Dẫu vậy, dù vận động theo hướng nào, bất luận quy mô DN ra sao, những thông lệ quản trị nhân sự tốt vẫn cần được hướng tới. Thực tế đã chứng minh, nên có sự tách bạch chức danh chủ sở hữu và điều hành. Tình trạng có ông chủ tịch ngân hàng can thiệp, trực tiếp ra lệnh cho tổng giám đốc ký duyệt cho khách hàng này, khách hàng kia vay tiền sẽ không bao giờ là cách quản trị tốt.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh tại một hội nghị dành cho các CEO rằng, đã đến lúc Việt Nam phải rời xa những cách quản trị nhân sự cũ kỹ và nguy hiểm ấy.