Đằng sau bước chân thần tốc của những nữ doanh nhân tỷ phú

Đằng sau bước chân thần tốc của những nữ doanh nhân tỷ phú

(ĐTCK) Thương trường đã ghi nhận những doanh nhân nữ xuất sắc góp phần rạng danh đất Việt như CEO Vietjet Nguyễn Phương Thảo, Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga, nhà sáng lập TH True Milk Thái Hương… Họ đã biến những điều không thể thành có thể bằng nội lực phi thường và bước đi thần tốc, đưa tên tuổi doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới.

Nữ doanh nhân mở đường

Chủ tịch HÐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga đã có những chia sẻ truyền cảm hứng tới các nữ doanh nhân về khát vọng một cộng đồng đổi mới trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019. Hiện tại, BRG đã thành công, định hình được thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh sân golf và khách sạn, nhưng ít ai biết, người sáng lập Tập đoàn là bà Nguyễn Thị Nga quyết định mua lại một sân golf quốc tế của nhà đầu tư Thái Lan (sân Kings Island) khi chưa từng cầm gậy golf, cũng như không biết chơi môn thể thao này.

Vào thời điểm đó, dù chưa đọc thông viết thạo tiếng Anh, nhưng bà Nga vẫn nhận lời tham gia một khóa đào tạo lãnh đạo (Leadership) tại Trường đại học Georgetown W.D.C (do quỹ của bà Hillary Clinton thực hiện) và cần một người trợ giúp ngôn ngữ. Kết quả, bà Nga đạt được tấm bằng loại xuất sắc.

“Qua chuyện này, tôi muốn nói, nếu điểm nào mình chưa mạnh, đừng ngần ngại thể hiện rằng mình cần sự giúp đỡ”, bà Nga bộc bạch. Quả thật, nhờ sự trợ giúp của phiên dịch, bà đã bộc lộ được hết năng lực cá nhân và từ đó đạt được những kết quả tích cực. Quan điểm này cũng được bà thể hiện trong suốt quá trình kinh doanh. Chủ tịch BRG cho hay: “Nếu chúng ta chưa mạnh, thì hợp lực với người mạnh hơn để cùng tiến lên”.

Khởi đầu từ lĩnh vực golf, sau đó vươn mình mạnh mẽ sang các lĩnh vực khách sạn, giải trí, bán lẻ, ô tô, gốm…, hiện tại, BRG đang sở hữu 24 khách sạn, được quản lý bởi những thương hiệu lớn như InterContinental, Hilton, Marriott, Sheraton Grand… Lựa chọn các đối tác hàng đầu thế giới để hợp tác là cách mà nữ tướng BRG đã và đang làm.

“Nếu hợp tác quốc tế, chúng ta được gì và mất gì? Mất nhiều chi phí, đó là điều dễ dàng nhận thấy. Nhưng đổi lại, chúng ta nhận về đội ngũ nhân sự được đào tạo có trình độ ngang với nhân lực quốc tế. Sản phẩm đạt chất lượng tốt. Và điều đặc biệt, giá trị doanh nghiệp của tôi tăng lên rất nhanh”, Chủ tịch BRG cho hay. Bà khẳng định: “Hội nhập quốc tế là con đường tất yếu để vươn ra thế giới, hợp tác thực hiện để trở nên hoàn hảo hơn và tất nhiên đó là hợp tác hai bên cùng có lợi (win - win)”.

Hiện nay, BRG đang mở rộng lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, kết hợp với Tập đoàn Sanrio của Nhật Bản khởi công Khu vui chơi giải trí Hello Kitty tại Nghi Tàm (Hà Nội) vào 19/5 tới đây; bắt tay với Sumitomo (Nhật Bản) để đưa chuỗi siêu thị FujiMart đi vào hoạt động, liên doanh sản xuất ô tô…

Ðể từng bước vươn lên trở thành tập đoàn lớn như hiện nay, Chủ tịch BRG đã có khát vọng hội nhập từ 20 năm trước. Chủ tịch Deloitte Việt Nam, bà Hà Thu Thanh gọi Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga là nữ doanh nhân mở đường, rất khiêm nhường nhưng luôn có quyết tâm mạnh mẽ. 

Nữ bác sỹ điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ

CEO Nutifood Trần Thị Lệ là một “kẻ ngoại đạo” trong kinh doanh, nhưng đã góp phần quan trọng làm nên tên tuổi cho thương hiệu sữa Nutifood. Ba năm liền, Nutifood đứng ở vị trí số một thị trường với sản phẩm sữa đặc trị cho trẻ em. Hiện Công ty đã mua thêm một nhà máy ở Thụy Ðiển, hợp tác với đối tác nhằm mở rộng ra thị trường quốc tế.

Xuất phát điểm của nữ doanh nhân Trần Thị Lệ là bác sỹ, từ nhỏ mơ ước đóng góp cho cộng đồng, vậy nhưng sau đó, bà lại bén duyên kinh doanh. Chia sẻ về ngã rẽ cuộc đời, bà Trần Thị Lệ nói: “Tôi được truyền cảm hứng từ một bác sỹ tại Bệnh viện Nhi những năm 80 - 90. Thời đó, cứ 10 em tại bệnh viện thì có 2 - 3 em tử vong vì không đủ dinh dưỡng.

Một nữ bác sỹ tại viện đã mày mò cho thức ăn cùng men tiêu hóa vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, nuôi các em qua ống thông dạ dày. Việc làm tưởng chừng rất đơn giản ấy cùng với tâm huyết của chị đã giúp cứu sống hàng ngàn trẻ em lúc bấy giờ. Vị bác sĩ ấy sau này đã sáng lập Công ty Ðồng Tâm (hiện đổi tên thành NutiFood). Tôi may mắn có cơ hội được cùng làm việc và học hỏi rất nhiều từ vị bác sĩ đặc biệt này ngay từ những ngày đầu gây dựng công ty”.

Trong suốt 19 năm gắn bó với Nutifood, bà Trần Thị Lệ xác định triết lý kinh doanh là mỗi sản phẩm làm ra không vì lợi nhuận mà vì sự phát triển của cộng đồng. Ngay từ những ngày đầu, bà ấp ủ ước mơ phải đưa doanh nghiệp đi xa, vươn tầm thế giới. Ðây cũng là lý do Công ty đổi tên từ Ðồng Tâm sang Nutifood để tiện việc giao dịch. Trong giai đoạn 2000 - 2007, tốc độ tăng trưởng trung bình của Nutifood đạt 237%. Năm 2007, doanh thu của Công ty đã đạt tới con số hơn 500 tỷ đồng.

Muốn đưa Nutifood lên một tầm cao mới, lãnh đạo Công ty quyết định tiến hành IPO (năm 2008, Nutifood trở thành công ty đại chúng). Nhưng sau đó, rủi ro ập đến, Công ty kinh doanh thua lỗ gần hết vốn điều lệ. Nhân sự giỏi rời đi, nhà phân phối không muốn hợp tác, bà Lệ và Nutifood thực sự gặp khủng hoảng.

“Với quyết tâm vực dậy Công ty, tôi làm việc ngày đêm, cố gắng kết nối với hàng trăm đối tác, nhà phân phối trong suốt 5 năm. Trong thời gian đi thực tế, gặp nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, chúng tôi quyết định nghiên cứu ra sản phẩm mới dành cho đối tượng này và được thị trường đón nhận tích cực”, CEO Nutifood chia sẻ về giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

Năm 2018, doanh thu của Nutifood đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Nhìn lại hành trình đã đi, nữ doanh nhân Trần Thị Lệ cho hay, giá trị lớn nhất làm nên thành công đối với bà là có đam mê và lý tưởng, biết dấn thân và kiên định với mục tiêu của mình. 

Không gì là không thể

Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát mang đến một câu chuyện rất ý nghĩa về nỗ lực khẳng định mình trên vai trò con gái nhà sáng lập Tập đoàn. Là "lá ngọc cành vàng" nhưng mọi thứ đối với Uyên Phương không dễ dàng, mà thực sự phải nỗ lực rất nhiều để chứng minh mình có giá trị và thoát khỏi cái bóng “con ông chủ”.

Ở Tân Hiệp Phát, theo Uyên Phương, chỉ chuyển giao giá trị nhưng không chuyển giao vị trí. Giá trị ở đây là tài sản vô hình (văn hóa công ty, thương hiệu, niềm tự hào) và tài sản hữu hình (quản trị doanh nghiệp). Bởi vậy không có tiêu chí nào cộng điểm cho người nhà, người thân của người sáng lập Tập đoàn.

“Tôi bắt đầu từ nhân viên, làm các công việc từ marketing đến bán hàng, phiên dịch viên và nỗ lực ở từng vị trí, miễn có cơ hội để được học hỏi thêm. Dần dần qua nhiều thử thách, tôi được giao các vị trí quản lý và hiện nay là Phó tổng giám đốc của Tập đoàn. Ðiều này nói lên rằng, hãy nghĩ bạn có thể trở thành giám đốc khối ngay khi còn là nhân viên. Hãy vươn lên mạnh mẽ, dám ước mơ và dám biến điều không thể thành có thể”, Uyên Phương nói.

Chia sẻ về những bước đi nhanh hơn đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế, Trần Uyên Phương cho rằng, muốn đi xa, doanh nghiệp phải đi cùng nhau, cùng liên kết, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau.

“Ðây là thời đại mà các biên giới bị xóa nhòa, không còn cạnh tranh giữa nam giới và nữ giới mà là cạnh tranh toàn cầu. Tôi nhận thấy giá trị lớn nhất là truyền sức mạnh. Làm cách nào để có thể hợp tác với nhiều người giỏi hơn mình. Khi đó, chúng ta có thể xây dựng một đội ngũ doanh nhân giỏi, có thêm những cánh tay nối dài cùng xây dựng thương hiệu Việt, đem thương hiệu Việt ra thế giới và giới thiệu về một Việt Nam mới”, tác giả cuốn "Vượt lên người khổng lồ" cho hay.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, những người phụ nữ có đam mê, khát vọng hoàn toàn có thể đưa những doanh nghiệp Việt đến thành công. Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, doanh nhân nữ sẽ đón nhận nhiều cơ hội và thách thức hơn nữa. Trong bối cảnh này, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác sẽ giúp các doanh nghiệp có bước đi nhanh, vững chắc hơn.

Tin bài liên quan