Đang đàm phán mở dung lượng hệ thống HOSE với Thái Lan

Đang đàm phán mở dung lượng hệ thống HOSE với Thái Lan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, để xử lý việc nghẽn lệnh tại HOSE, nhiều giải pháp song song đang được triển khai. Trong đó có việc trao đổi với đối tác Thái Lan mở dung lượng hệ thống HOSE.

“Chúng tôi đang trao đổi nhưng chưa đạt được hợp đồng với đối tác Thái Lan”, một nguồn tin có trách nhiệm cho biết.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch HOSE chia sẻ, có thể mở cổng tiếp nhận lệnh của hệ thống giao dịch HOSE cao lên, nếu được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), đơn vị đã hỗ trợ cung cấp cho HOSE phần mềm giao dịch hiện nay. Giới hạn xử lý lệnh 900.000 lệnh là mức hiện nay, nếu nâng lên được gấp đôi có thể lên được 1,8 triệu lệnh.“Ngày xưa, ban đầu chúng tôi nghĩ giao dịch chỉ 6.000 tỷ đồng mỗi phiên. Bây giờ thị trường phát triển thanh khoản đột biến, cần có giải pháp công nghệ để xử lý”, ông Sinh nói.

Việc dùng các giải pháp công nghệ để xử lý các vấn đề về hạn chế công nghệ của hệ thống giao dịch HOSE được các thành viên thị trường cho là cách giải quyết gốc rễ của vấn đề, thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp ngọn như giao dịch như tăng lô từ 100 lên 1.000 như phát biểu của lãnh đạo HOSE mới đây.

Giải pháp tăng lô nếu buộc phải thực hiện phải được nghiên cứu một cách thấu đáo, công bố các dữ liệu trước khi thực hiện để lấy ý kiến nhà đầu tư rộng rãi thay vì áp đặt cứng nhắc tư duy của nhà quản lý thị trường vì tâm lý là một trong những yếu tố tác động rất lớn tới thị trường chứng khoán, theo quan điểm của tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ.

Dù trong luận điểm của lãnh đạo HOSE đưa ra là tăng lô giao dịch, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ mua chứng chỉ quỹ đầu tư, song vị giám đốc công ty quản lý quỹ này lại không chia sẻ quan điểm như vậy. Ông này cho rằng, sàn nghẽn như hiện nay về cơ bản giống với đóng cửa sớm, nhưng ai cũng được giao dịch. Còn nâng lô đồng nghĩa với việc đuổi khách khỏi “chợ”. Nguy hiểm hơn là ảnh hưởng tâm lý dây chuyền.

Nhìn ra các thị trường chứng khoán thế giới, việc tăng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 có vẻ như ngược xu hướng quốc tế. TTCK Singapore giảm từ 1.000 xuống 100 cổ phiếu/lô từ 5 năm trước và đang xem xét đề xuất 1 cổ phiếu/lô. TTCK Nhật có lộ trình xuống 1 cổ phiếu/lô. Đài Loan đã cho phép giao dịch lô lẻ 1-999 cổ phiếu/lô...

“Vì nhiều lý do, HOSE có thể cần tăng lô, nhưng cần giải thích cho thị trường một cách hợp lý. Giải thích cầu thị thì ai cũng thông cảm, giải thích kiểu 'chỉ HOSE là biết rõ nhất' thì mình đành hết lời”, Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc) nhận xét.

Chia sẻ quan điểm của chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, các chuyên gia công nghệ của một số tập đoàn lớn tại Việt Nam cho rằng, HOSE phải công bố minh bạch hiện trạng hệ thống của mình, mới có thể bắt bệnh để chỉ ra giải pháp hoặc tạo được sự đồng cảm từ thị trường, thay vì im lặng hoặc đột ngột “thả bom” vào thị trường qua phát ngôn cá nhân thiếu thuyết phục của lãnh đạo cấp cao.

Hiện trạng hệ thống giao dịch HOSE đang như thế nào, tại sao dung lượng nhận lệnh là 900.000 mà chưa tới 600.000 lệnh “đã đơ”, giải pháp nâng cấp hệ thống hiện tại vì sao không triển khai được, nếu triển khai sẽ mất bao lâu… là những câu hỏi mà Báo Đầu tư Chứng khoán đã chuyển tới HOSE hơn 1 tuần trước nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời dù Sở xác nhận đã nhận được các câu hỏi.

Về giải pháp chuyển sàn HOSE sang HNX, nếu có các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện, sớm cũng phải đến nửa cuối tháng 4 may ra mới thực hiện được do doanh nghiệp còn phải tổ chức ĐHCĐ để lấy ý kiến theo công văn mới được UBCKNN ban hành.

Tin bài liên quan