Người dân Hòa Liên tại buổi họp khẩn

Người dân Hòa Liên tại buổi họp khẩn

Dân vây nhà máy thép, chính quyền tổ chức họp khẩn

Người dân cho biết, thảm cảnh ô nhiễm, tiếng ồn đã diễn ra nhiều năm nay nhưng không được ngành chức năng giải quyết triệt để.

Chiều 25/3, lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tổ chức họp khẩn với hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên và 2 nhà máy Dana-Ý, Thái Bình Dương (KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

 

Theo những người dân này: hai công ty hoạt  động liên tục gây ồn ào và ô nhiễm nặng đến cuộc sống của người dân khu vực lân cận. Ông Nguyễn Huấn (42 tuổi, thôn Vân Dương 2) bức xúc: người dân trên địa bàn nhiều năm nay phải sống chung với vấn nạn ô nhiễm do hai nhà máy gây ra. Lo ngại nhất là bụi kim khí sẽ gây hại  đến sức khỏe, đặc biệt là cho các cháu nhỏ. Không những thế, công ty hoạt động cả ngày lẫn đêm khiến chẳng ai được giấc ngủ ngon.

Nhiều hộ dân cho rằng: thường về đêm, các nhà máy thép dùng cần cẩu để cẩu khối lượng phế liệu lớn. Mỗi lần nhấc, hạ  cẩu đều gây tiếng động mạnh, làm chấn động cả khu vực. Một số nhà dân bị nứt nẻ, rung mái tôn do tiếng động mạnh từ các nhà máy gây ra.

 

Bà Nguyễn Thị Hương (Vân Dương 1) cho hay: chúng tôi đã kiến nghị từ lâu về tình trạng này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, ô nhiễm lại hoàn ô nhiễm. Trước đó, các hộ dân nhận được thông tin di dời, giải tỏa. Tuy nhiên, nhiều tháng nay họ vẫn phải chung sống với khói bụi, tiếng ồn mỗi ngày

 

Quá bức xúc trước tình cảnh trên, nhiều hộ dân quá khích ném đất đá, gạch vào trụ sở hai công ty thép. Đặc biệt, trong đêm 23/3, hơn 300 người dân của thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) đã kéo đến trước trụ sở của Công ty Cổ phần thép Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần thép DaNa- Ý (đóng tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

 

Ban đầu các hộ dân kéo đến trước trụ sở Công ty thép Thái Bình Dương để đòi gặp lãnh đạo. Sau khi được đại diện cty này hứa sẽ khắc phục ô nhiễm môi trường trong thời gian sớm nhất, người dân đã kéo sang Công ty thép DaNa-Ý. Các hộ dân tiếp tục yêu cầu gặp lãnh đạo và buộc công ty phải tạm ngưng hoạt động các nhà máy. Một số người dân la ó, lớn tiếng gây nên cảnh hỗn loạn.

 

Phải đến khi lực lượng Cảnh sát 113, Đồn Công an KCN Hòa Khánh, ngành chức năng có mặt tại hiện trường, người dân mới trật tự, tự giác ra về vào khoảng 23h đêm cùng ngày.

Tại buổi họp khẩn, ông Nguyễn An - Tổng giám đốc Cty thép Thái Bình Dương cho hay: việc chậm đền bù, giải tỏa không thuộc trách nhiệm của đơn vị mà do chính quyền địa phương đảm nhận. Còn tiền đền bù giải tỏa là do các công ty bỏ ra với số tiền khoảng 25 tỷ đồng.

 

“Với nhà máy sản xuất thép, việc gây bụi và tiếng ồn là điều khó tránh khỏi. Thời gian qua, công ty đầu tư nâng cấp trang thiết bị để giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế tiếng ồn. Đồng thời di dời các khu vực cẩu ra khu vực xa địa điểm dân cư”, ông An nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thu, chủ tịch UBND xã Hòa Liên: việc người dân kiến nghị giải quyết tiếng ồn, ô nhiễm là nguyện vọng chính đáng, cấp bách. Sau nhiều lần họp, các công ty đã cam kết với người dân đảm bảo môi trường nhưng thực tế các công ty này không đáp ứng được cam kết trên và có dấu hiệu gia tăng hoạt  động, gây ồn mạnh trong thời gian gần đây khiến người dân thêm bức xúc.

 

Bí thư xã Hòa Liên, ông Lê Văn Hùng Vương cũng cho hay: các công ty cần hoạt động theo đúng năng lực xử lý ô nhiễm và tiếng ồn của mình. Không thể cứ nhận thêm đơn đặt hàng, tăng công suất để hưởng lợi mà quên lợi ích của dân.

 

Theo ông Nguyễn Thương, Phó chủ  tịch UBND huyện Hòa Vang: mới đây lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến kiểm tra, rà roát các hộ  dân ảnh hưởng hai nhà máy thép. Đồng thời ra thông báo kết luận, yêu cầu ngành chức năng khẩn trương hoàn thành công tác đền bù trước ngày 30/6 tới cho các hộ ở thực tế và trước ngày 30/9 cho các hộ không trực tiếp sống trên địa bàn.

 

Hiện huyện thống kê có gần 260 hộ ảnh hưởng hai nhà máy thép, đến nay có  232 hộ được kiểm định. Nhưng việc đền bù, giải tỏa còn chậm triển khai – ông Thương nói.