Theo một báo cáo mới đây của công ty xử lý tiền lương ADP, số lượng việc làm trong khối tư nhân của Mỹ tháng 5 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm qua, khi các công ty thuê thêm 978.000 nhân công.
Số liệu thống kê theo bảng lương của ADP, được thực hiện cùng với Moody’s Analytic, được xem là sát thực hơn cả thống kê của Bộ Lao động Mỹ.
Neia Richardson, nhà kinh tế trưởng tại ADP cho biết: “Bảng lương cho thấy sự cải thiện rõ rệt so với số liệu của các tháng gần đây, thể hiện mức tăng mạnh nhất kể từ những ngày đầu của quá trình phục hồi”.
Số liệu cho thấy sự bùng nổ trong lĩnh vực giải trí và khách sạn - hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do chính sách đóng cửa của chính phủ Mỹ. Tiếp nối đà hồi phục mạnh mẽ trong các tháng trước, lĩnh vực này tạo thêm 440.000 việc làm mới trong tháng vừa qua.
Lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe có thêm 139.000 việc làm mới, trong đó đóng góp chủ yếu là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Lĩnh vực thương mại, giao dịch, vận tải và các tiện ích liên quan đóng góp 118.000 việc làm, trong khi các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh chứng kiến thêm tổng cộng 137.000 việc làm mới.
Trong các lĩnh vực sản xuất, số lượng việc làm tăng thêm là 52.000; trong khi con số này với lĩnh vực xây dựng là 65.000. Nhìn chung, khu vực dịch vụ đã cung cấp thêm 850.000 việc làm trong khi khu vực công nghiệp xây dựng tạo ra thêm 128.000 việc làm.
Mức tăng việc làm phân bố gần như hoàn hảo theo quy mô của các công ty. Các doanh nghiệp quy mô vừa với 50 - 499 nhân viên tạo ra thêm 338.000 việc làm. Các công ty nhỏ cũng tạo ra con số việc làm mới tương tự; trong khi các công ty lớn đóng góp thêm 308.000 việc làm.
Dẫu vậy, số liệu có thể chênh lệch đáng kể, như vào tháng 4 - khi con số chính thức chỉ là 266.000 việc làm mới được công bố so với con số ước tính trước đó là 1 triệu việc làm. Điều này cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng Mỹ không thể nhanh chóng hồi phục 8 triệu việc làm còn thiếu sau đại dịch.
Các nhà kinh tế được thăm dò bởi Dow Jones và The Wall Street Journal ước tính, đã có 671.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 5.
Họ cũng đưa ra một loạt khả năng nhằm giải thích tại sao việc tuyển dụng không mạnh mẽ như mong đợi.
Một giả thuyết cho rằng, rất nhiều người lớn tuổi đã chọn nghỉ hưu sớm, thay vì cố gắng đi làm sau đại dịch, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Họ đơn giản đã chọn quyết định rút tiền mặt và tự do hơn cho cuộc sống bằng cách đầu tư mạnh vào thị trường này.
Sự thiếu hụt nhân công với các kỹ năng cần thiết, đặc biệt là trong sản xuất và xây dựng, là một vấn đề lớn và thậm chí đã tồn tại kể từ trước khi đại dịch bùng phát.
Bên cạnh đó, đại dịch bùng phát cũng khiến cho nhiều người có cha mẹ già hoặc con nhỏ bị ràng buộc. Họ phải ở nhà để chăm lo cho gia đình khi các trường học và các viện dưỡng lão phải đóng cửa hoặc bị hạn chế hoạt động.
Lý do cuối cùng là những trợ cấp thất nghiệp mới đang không khuyến khích người dân Mỹ tìm kiếm việc làm, đặc biệt nếu như họ cảm thấy vẫn chưa an toàn hoặc lương bổng chưa hấp dẫn. Chính phủ liên bang hiện đang hỗ trợ 300 USD mỗi tuần cho mỗi người thất nghiệp, bên cạnh khoản hỗ trợ của từng bang.
Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng tại PNC Financial Services, cho biết: “Rõ ràng là một số người đang kén chọn việc làm hơn so với những gì họ có thể làm”.
Trong lúc này, các công ty thực sự cần được giúp đỡ nhiều hơn sẽ không bị động chờ người lao động quay trở lại. Một số doanh nghiệp đang tăng lương để thu hút nhân sự. Việc tăng lương đặc biệt phổ biến trong các công việc thuộc ngành dịch vụ.
Robert Frick, nhà kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union, cho rằng, việc tuyển dụng sẽ không thực sự bùng nổ cho tới mùa thu năm nay, khi các trường học bắt đầu mở cửa, các phương tiện công cộng hoạt động trở lại và các hỗ trợ bổ sung hết hạn.