Cổ phiếu DPM được niêm yết trên HOSE vào ngày 5/11/2007

Cổ phiếu DPM được niêm yết trên HOSE vào ngày 5/11/2007

Đạm Phú Mỹ Điển hình cổ phần hóa thành công

(ĐTCK) Bảy năm sau khi cổ phần hóa, từ công ty 100% vốn nhà nước trở thành công ty cổ phần hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã DPM) luôn duy trì được sự tăng trưởng ổn định và được coi là một điển hình thành công về hiệu quả kinh doanh và quản trị hiện đại. 

Trong đó, cam kết hài hòa lợi ích, có được sự đồng lòng giữa cổ đông nhà nước và cổ đông bên ngoài luôn được Ban lãnh đạo PVFCCo coi là kim chỉ nam, là nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.

Hơn 10 năm trước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) quyết định thành lập PVFCCo, chịu trách nhiệm quản lý và vận hành kinh doanh sản phẩm Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Nhà máy vừa ra đời đã đạt hiệu suất tối đa, doanh thu tăng trưởng đều, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt bình quân 20%/năm, thị trường phân đạm được bình ổn. Thành công ban đầu của PVFCCo trước tiên là nhờ quyết định đúng đắn của Chính phủ và PVN xét cả về chiến lược và thời cơ. Ngay tại thời điểm đó, PVN đã có tầm nhìn dài hạn khi chọn PVFCCo là một trong số những DN lớn đầu tiên để cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM. Đây là một quyết định quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của PVFCCo là trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực phân bón, hóa chất tầm cỡ khu vực.

Sau cổ phần hóa, PVFCCo tập trung vào việc nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị tài chính bằng việc học tập và áp dụng hiệu quả các phương thức quản trị tiên tiến của thế giới.

Ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT PVFCCo chia sẻ, chính áp lực từ các cổ đông bên ngoài là động lực để Ban lãnh đạo PVFCCo quyết tâm triển khai áp dụng phương pháp quản trị minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả.

“Các cổ đông bên ngoài là các tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp cũng tư vấn cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình nâng cao năng lực quản trị trên mọi mặt”, ông Tân cho biết.

Sự thay đổi của PVFCCo thể hiện rõ nét qua mỗi mùa ĐHCĐ. Đại hội của PVFCCo những năm đầu còn nhiều bỡ ngỡ, cổ đông “chỉnh” lãnh đạo Công ty cần sử dụng cụm từ “công ty chúng ta” thay vì “công ty chúng tôi”... Không khí ĐHCĐ của PVFCCo những năm gần đây đã khác hẳn, đại hội tràn ngập không khí dân chủ trong thảo luận và chất vấn của cổ đông với Ban lãnh đạo. Nhiều đại diện tổ chức đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài bày tỏ sự hài lòng và khen ngợi công tác quan hệ nhà đầu tư chuyên nghiệp của PVFCCo. Điều này khá hiếm gặp ở các DN niêm yết khác.

Tinh thần dân chủ cũng được coi là kim chỉ nam trong hoạt động của PVFCCo, đúng tinh thần của một công ty đa sở hữu. Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVFCCo nhấn mạnh: “Ở PVFCCo, tránh tình trạng chỉ có một ông lãnh đạo to nhất nói và tất cả còn lại ngồi nghe, tất cả các ý kiến phản biện ở các cấp đều được khuyến khích, lắng nghe trên tinh thần cầu thị, hợp tác, xây dựng, vì công việc chung để đi đến quyết định cuối cùng”.

Những thay đổi, tiến bộ của PVFCCo là cả một quá trình học tập từ thực tiễn thực hiện, rút kinh nghiệm và đổi mới dựa trên những chuẩn mực. Tinh thần đó được chuyển tải và kế thừa từ thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ lãnh đạo khác cùng với sự cam kết, ủng hộ và tuân thủ của toàn bộ cán bộ, công nhân viên.

Khi thị trường phân đạm có sự cạnh tranh gay gắt, cung lớn hơn cầu thì cũng là lúc PVFCCo cơ bản hoàn thành hệ thống quản trị công ty, quản trị tài chính hướng đến những chuẩn mực quốc tế. Văn hóa DN cũng hình thành rõ nét, tạo nền tảng cho sự phát triển trong giai đoạn mới, thực sự cạnh tranh.

Nhìn lại quá trình phát triển sau khi cổ phần hóa ở PVFCCo có thể thấy, nếu việc cổ phần hóa chậm lại một vài năm thì có thể DN vẫn đạt được những con số doanh thu, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi để tạo ra vị thế cạnh tranh nhằm thực hiện mục tiêu trở thành DN hàng đầu trong khu vực, với hệ thống quản trị minh bạch, chuẩn mực, bộ máy điều hành năng động, hiệu quả, văn hóa DN phát huy dân chủ và thi đua có thể sẽ chưa kịp định hình rõ nét. Thực tế đã chứng minh, chính những giá trị cốt lõi đó là điều kiện tiên quyết để PVFCCo tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu về phân bón, mà cả trong lĩnh vực hóa chất, với những dự án đầu tư trọng điểm có thể đưa doanh số và lợi nhuận tăng trưởng thêm hai con số mỗi năm.

Hiện tại, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2014 - 2015, trong đó có cả những tập đoàn, tổng công ty lớn. Sự đổi mới, tiến bộ như ở PVFCCo nếu được nhân rộng ở các DNNN cổ phần hóa khác thì sức lan tỏa sẽ rất lớn, góp phần không nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Tin bài liên quan