Tập đoàn Hóa chất đang sở hữu 97,66% vốn điều lệ Đạm Hà Bắc, sắp tới sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống trên 50% đến dưới 65%

Tập đoàn Hóa chất đang sở hữu 97,66% vốn điều lệ Đạm Hà Bắc, sắp tới sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống trên 50% đến dưới 65%

Đạm Hà Bắc: Cổ đông thiệt kép

(ĐTCK) Hoạt động sản xuất - kinh doanh chính thua lỗ nặng nề, trong khi nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng lớn không được Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) thực hiện nghiêm túc, khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Đạm Hà Bắc thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tháng 11/2015 và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ đầu năm 2016, với vốn điều lệ 2.722 tỷ đồng.

Công suất của Đạm Hà Bắc thuộc hàng lớn nhất trong số các nhà máy tại Việt Nam, với mức 500.000 tấn urê/năm, chiếm khoảng 1/4 nhu cầu sử dụng trong nước. Do gánh nặng lãi vay từ vốn đầu tư mở rộng nhà máy, đồng thời công nghệ sử dụng nguyên liệu là than cám (giá than cám tăng, trong khi giá nguyên liệu như khí, dầu của các đối thủ giảm mạnh), khiến Công ty lâm vào tình cảnh thua lỗ nặng nề.

Năm 2016, Đạm Hà Bắc đặt kế hoạch doanh thu 3.251 tỷ đồng; chi phí tài chính trên 782 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt là 99 tỷ đồng và 84 tỷ đồng. Công ty ước lỗ 488 tỷ đồng. Trước đó, Công ty lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng.

Phiên IPO của Đạm Hà Bắc ngày 13/11/2015 có số lượng chào bán 94.778.500 cổ phần, nhưng chỉ bán được hơn 3,3 triệu cổ phần. Dẫu vậy, số lượng nhà đầu tư hiện sở hữu cổ phần của Công ty cũng lên tới hơn 120 cá nhân và tổ chức.

Theo quy định của Bộ Tài chính, Đạm Hà Bắc đã đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng quy mô lớn và buộc phải tuân thủ các nghĩa vụ theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin của công ty đại chúng. Cụ thể, doanh nghiệp phải lập website, trên đó có các mục riêng về quan hệ cổ đông (nhà đầu tư), trong đó phải công bố Điều lệ công ty, Quy chế quản trị nội bộ (nếu có), Bản cáo bạch (nếu có) và các thông tin công bố định kỳ, bất thường và theo yêu cầu. Các báo cáo tài chính quý, bán niên, năm phải được công bố theo các thời hạn được quy định trong Thông tư.

Theo công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Đạm Hà Bắc đã trở thành công ty đại chúng từ tháng 4/2016. Tuy nhiên, theo phản ánh của cổ đông, đến nay họ hoàn toàn “mù tịt” thông tin về doanh nghiệp. Trên website của Công ty không có các chuyên mục riêng dành cho cổ đông và nhà đầu tư. Các thông tin như báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính bán niên… không được đăng tải. Giá phân bón liên tục đi xuống, cung vượt cầu, trong khi các đối thủ của Đạm Hà Bắc hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau liên tục có thông tin đều đặn ra thị trường, khiến cổ đông của Công ty như “ngồi trên lửa”.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với một đại diện của Đạm Hà Bắc, vị này thừa nhận, website của Công ty đang thiếu các chuyên mục theo quy định của công ty đại chúng quy mô lớn, nhưng không rõ Công ty có phải công bố báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính bán niên hay không. Riêng báo cáo tài chính năm, hiện Công ty đang kiểm toán.

“Do thủ tục quyết toán dự án mở rộng nhà máy còn dang dở nên việc hoàn thiện báo cáo tài chính năm rất phức tạp, khó có thể công bố theo thời hạn quy định”, vị cán bộ trên cho biết.

Cho đến thời điểm này, Đạm Hà Bắc cũng đã vi phạm quy định về đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán 1 năm sau IPO.

Hiện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sở hữu 97,66% vốn điều lệ của Đạm Hà Bắc. Theo yêu cầu của các cơ quan quản lý, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ chào bán phần vốn của mình đang sở hữu để giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty xuống khoảng trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Với hoạt động chính thua lỗ nặng nề và cách công bố thông tin như trên, đến bao giờ Tập đoàn mới thoái được vốn ở Đạm Hà Bắc? Là cổ đông lớn nhất của Đạm Hà Bắc, Tập đoàn Hóa chất sẽ làm gì để cải thiện tình trạng “bình mới, rượu cũ” tại Công ty sau khi cổ phần hóa?

Tin bài liên quan