Tháng 6/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN, với tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng (giai đoạn I) tại xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar. Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Nhơn, chủ đầu tư dự án cho biết, dự kiến cuối năm 2021, Dự án sẽ chính thức cung cấp giống lợn sạch chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi chọn đầu tư ở Đắk Lắk là bởi địa phương này có những điều kiện rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi tập trung công nghệ cao. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh tạo điều kiện rất thuận lợi để chúng tôi triển khai thực hiện dự án”, ông Hùng chia sẻ.
Công ty cổ phần Hùng Nhơn cũng đang bắt tay với Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) triển khai 2 dự án chăn nuôi quy mô lớn tại Đắk Lắk và Gia Lai. Tại Đắk Lắk, 2 doanh nghiệp này đầu tư Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk tại huyện Cư M’Gar, với tổng vốn cả giai đoạn 2020 - 2025 là khoảng 1.500 tỷ đồng.
Những năm qua, Đắk Lắk trở thành địa phương hấp dẫn nhất của vùng Tây Nguyên, khi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã rót vốn đầu tư vào đây. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, phát triển đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư nhất.
Đặc biệt, rất nhiều dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo lớn được triển khai trên địa bàn tỉnh. Hiện 6 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, gồm 5 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 190 MWp, tổng vốn đầu tư 4.886 tỷ đồng; 1 dự án điện gió với công suất khoảng 28,8 MW, tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. 5 dự án điện mặt trời khác đang khởi công xây dựng, với tổng công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư 15.402 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và phát điện thương mại vào cuối năm 2020.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án điện gió có vốn đầu tư hơn 7.700 tỷ đồng tại huyện Cư M’gar vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia để làm cơ sở cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án. Cụm dự án này do Công ty TNHH một thành viên AMI AC Renewables Đắk Lắk đề xuất xây dựng.
Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk khẳng định, kết quả thu hút đầu tư góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk. Giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch, từng bước giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản (từ 44,9% năm 2010 xuống còn 36% năm 2020); tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng (từ 15,6% năm 2010 tăng lên 16,5% năm 2020); tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 8%...
Đắk Lắk có nhiều tiềm năng và thế mạnh, song phát huy tiềm năng ấy như thế nào để phát triển kinh tế - xã hội là câu chuyện khác. Ông Đinh Xuân Hà cho biết, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng. Cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách, tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhiều hình thức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp đã được tỉnh tổ chức như Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, Ngày thứ Năm doanh nghiệp, Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp …
Kết quả công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm cho thấy, nhiều chỉ số thành phần của Đắk Lắk được cải thiện rất tích cực, đặc biệt là chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2019, giữ ở vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều này chứng tỏ, các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp mà tỉnh thực hiện thời gian qua là hiệu quả, được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao.
“Giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk thu hút hơn 273 dự án đầu tư trong nước, với vốn đăng ký trên 28.710 tỷ đồng. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, đem lại hiệu quả, đóng góp khá lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh. Điều đó cho thấy vai trò của doanh nghiệp, nhà đầu tư có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều hơn nhà đầu tư đến với Đắk Lắk”, ông Đinh Xuân Hà khẳng định.
Điểm đến của nhiều nhà đầu tư
Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đối với Tây Nguyên và cả nước. Tỉnh nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; diện tích tự nhiên 13.030 km2, đứng thứ 4 cả nước, trên 40% diện tích là đất bazan màu mỡ; có đường bộ, đường hàng không kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước. Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, được định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và du lịch… Với những lợi thế đó, Đắk Lắk đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.