Thưa Đại sứ, lý do ông quyết định tới Việt Nam có phải xuất phát từ tình yêu với một cô gái người Việt?
Ồ không! Tôi rất có duyên với Việt Nam, nhưng mối duyên đó bắt đầu từ trước khi tôi quen và kết hôn với vợ tôi sau này. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi nhận được một suất học bổng du học do Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) trao tặng. Tôi có thể chọn Italy, Romania, nhưng tôi đã quyết định đến Việt Nam. Mặc dù xa về địa lý và văn hóa, nhưng khi nhìn hình ảnh Việt Nam xuất hiện trên báo chí nước ngoài, không hiểu sao, tôi lại cảm thấy yêu mến và mong muốn được đến đất nước này đến vậy.
Lựa chọn đó đã mang đến cho tôi cơ hội gặp được cô gái Hà Nội xinh đẹp và kết quả là hiện tại, chúng tôi đã có với nhau 4 người con. Tôi luôn cho rằng, đó là điều may mắn trong cuộc đời mình, bởi tôi không chỉ trở thành cây cầu nối giữa hai dân tộc, mà còn là một người con rể Việt.
Vậy sau hơn 30 năm gắn bó với người vợ Việt Nam, những nét tính cách nào của phu nhân nói riêng và của phụ nữ Việt Nam nói chung khiến ông cảm thấy trân trọng nhất?
Tôi nghĩ, đó chính là sự hy sinh. Vợ tôi sau khi kết hôn đã lui về chăm sóc con cái. Hiện tại, vợ tôi sống ở Pháp cùng với 2 người con, nên chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Nhưng mỗi khi có thời gian, chúng tôi vẫn cùng nhau đi du lịch. Người Palestine có câu nói rất hay, tương tự như một thành ngữ của người Việt, đó là “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tương lai”. Người đàn ông đóng vai trò trụ cột và là người định hướng cho con cái, nhưng người phụ nữ mới chính là nhân tố quan trọng tạo lập và vun vén cho hạnh phúc của cả gia đình.
Ông có bao giờ cảm thấy cô đơn khi không có người thân chăm sóc?
Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam có 6 thành viên, thì trong đó có tới 5 phụ nữ. Họ đã làm việc cùng tôi từ khi tôi bắt đầu tới đây và tôi luôn coi họ như những thành viên trong gia đình. Khi tôi ốm, họ lo cho tôi. Họ cũng luôn hỗ trợ tôi trong công việc cũng như giải quyết những khó khăn mà tôi gặp phải khi sống tại đây. Điều này khiến tôi rất cảm động. Phụ nữ Việt Nam thực sự sống rất tình cảm và tôi không hề có cảm giác cô đơn khi sống ở Việt Nam một mình.
Ông từng chia sẻ là rất thích tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Theo đánh giá của ông, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển của đất nước?
Là người gắn bó với Việt Nam nhiều năm và rất quan tâm tới lịch sử, văn hóa truyền thống, tôi thấy, những người phụ nữ luôn tạo cảm hứng mạnh để người Việt Nam tin tưởng vào tương lai. Họ không chỉ là người vợ, người mẹ, mà từng là những chiến sĩ cầm súng bảo vệ đất nước, đóng góp tích cực vào việc giải phóng dân tộc. Họ cũng là hậu phương trong cả thời chiến và thời bình. Nhìn về những giá trị văn hóa của người Việt Nam thì phụ nữ là nhân tố quan trọng để duy trì những giá trị tốt đẹp của người Việt. Phụ nữ Việt Nam là quà tặng tuyệt vời cho đất nước Việt Nam. Sự hy sinh của phụ nữ không thể thấp hơn sự hy sinh của nam giới trong từng giai đoạn.
Còn ở thời điểm hiện tại thì sao, thưa ông?
Phụ nữ Việt Nam không chỉ là những người xây tổ ấm, mà còn có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Trong danh sách những người thành đạt nhất ở Việt Nam, không thể thiếu bóng dáng những người phụ nữ. Ai cũng biết bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet, một nữ doanh nhân nổi tiếng trên thương trường; hay bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, một người phụ nữ tài giỏi và mạnh mẽ. Rất nhiều chủ ngân hàng, chủ tịch tập đoàn lớn khác tại Việt Nam cũng do phụ nữ điều hành.
Theo ông, có điểm tương đồng nào giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Palestine?
Do hoàn cảnh tương đồng, nên phụ nữ Việt Nam và Palestine cũng có nhiều nét tương đồng.
Thứ nhất, phụ nữ hai đất nước đều đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do.
Thứ hai, họ hết lòng vì tổ ấm gia đình. Cuộc sống của người phụ nữ đầy hy sinh để giữ gìn sự bình yên trong gia đình.
Nhưng có thể khẳng định, so với phụ nữ Việt Nam, người phụ nữ Palestine còn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ phía người chồng trong các công việc nội trợ. Tôi thấy phụ nữ Việt vẫn tham gia các công việc nặng, chẳng hạn là nghề xây dựng. Tại một thành phố xinh đẹp như Hà Nội, thì những người giúp nó xanh hơn, đẹp hơn lại chính là những người phụ nữ làm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Ở Palestine, hiếm có người phụ nữ nào làm công việc này. Bởi vậy, tôi thấy phụ nữ Palestine, xét trên góc độ nào đó, còn sướng hơn phụ nữ Việt.
Nói như vậy, có phải ông nhìn nhận phụ nữ Việt Nam thiệt thòi hơn so với phụ nữ ở các quốc gia khác?
Tôi nghĩ là không. Nhiều phụ nữ Việt chia sẻ rằng, họ cảm thấy rất tự hào khi được đóng góp nhiều cho gia đình và xã hội. Họ không hề nghĩ mình thiệt thòi và luôn sẵn sàng làm mọi việc để có thể đóng góp nhiều hơn nữa. Với họ, chăm lo cho gia đình không chỉ là trách nhiệm, mà là một nghề và họ phải giỏi, phải làm đúng vai trò của mình. Họ không phàn nàn, cũng không bao giờ cảm thấy thiệt thòi. Cá nhân tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ và tôn trọng họ.