Báo chí quốc tế thời gian qua có nhận xét, Việt Nam có “tuyệt kỹ về ngoại giao”. Thưa ông, đó có phải là chúng ta đã vận dụng thành công chiến lược ngoại giao mà Đảng đã xác định trong nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng? Vậy, với một người đã kinh qua thực tiễn nhiều năm trong lĩnh vực đối ngoại, theo ông, đâu là “đặc sản” hay nói chính xác hơn là những lý do giúp đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam thành công?
Lý do thành công thời gian qua, theo tôi, thực ra đơn giản thôi. Trước hết, đó là đường hướng đúng. Xét mấy năm qua, đường hướng đó chính là văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Còn xét mấy chục năm qua, đó là cả một chặng đường qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, nhất là từ khi Đổi mới.
Là một cán bộ trong cơ quan đối ngoại của Đảng, tôi đã có điều kiện theo sát và nghiên cứu kỹ văn kiện của nhiều kỳ Đại hội Đảng. Tôi nhớ rất rõ năm 2016, khi đất nước kỷ niệm 30 năm Đổi mới, tôi được lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương phân công dự cuộc Tọa đàm do Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện cùng Giáo sư Vũ Dương Huân về 30 năm Đổi mới trong chính sách đối ngoại của ta. Khi đó, tôi đã có dịp trình bày ý kiến về từng bước đi đổi mới trong đối ngoại của chúng ta từ năm 1986 tới năm 2016, những bước đi từ thấp đến cao, từ ngắn đến dài, từ rón rén đến tự tin, quả quyết. Và xuyên suốt những bước đi ấy là nguyên tắc, cái mà chúng ta phải rất vững. Nguyên tắc ấy với nước Việt Nam chưa bao giờ khác; luôn là cái gốc, là cái nền của chúng ta, đó là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia.
Với tư cách là người làm đối ngoại, tôi nhìn thấy 4 cụm từ đó là có ý nghĩa quan trọng sống còn. Đó là cái nền chung để vận hành với tư cách một quốc gia, và là cái nền riêng, cụ thể trong đối ngoại và ngoại giao.
Thú thật, trong 4 cụm từ đó, tôi nhận thấy không nhiều người để ý đến từ “thống nhất”, thậm chí quên mất từ “thống nhất”. Trong khi đó, văn kiện Đại hội Đảng luôn luôn nói đến từ “thống nhất” và Tổng Bí thư NguyễnPhú Trọng cũng luôn luôn nói đến từ này. Trong một thế giới, khi mà chỗ này chỗ kia, người ta chọc ngoáy, người ta muốn ly khai, chia rẽ, người ta đòi độc lập, yêu cầu tách ra, thì sự cần thiết phải bảo đảm một nước Việt Nam thống nhất, một dân tộc Việt Nam thống nhất là cực kỳ quan trọng. 54 dân tộc này là một đất nước, là một nhà. Việc giữ cho đất nước được luôn luôn thống nhất sau khi đất nước thống nhất năm 1975 là điều quan trọng sống còn. Đây một bộ phận cấu thành của cái nền mà các văn kiện Đại hội của Đảng đều khẳng định.
Thứ hai, trên cơ sở nguyên tắc bất di bất dịch với 4 cụm từ ấy, thì cái linh hoạt, cái chủ động, cái sáng tạo và cái phù hợp với thời thế lại được mỗi một kỳ Đại hội của Đảng điều chỉnh tương ứng. Ví dụ, nếu như chúng ta nhìn về đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế thì Đại hội VII của Đảng (6/1991) lần đầu tiên đưa ra khẩu hiệu là “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Phải 10 năm sau, đến Đại hội IX (4/2001), chúng ta mới chuyển từ “muốn” thành “sẵn sàng”. Mà ai cũng hiểu “muốn” và “sẵn sàng” là hai câu chuyện rất khác nhau. “Muốn” nhưng có làm được hay không thì còn tùy thuộc vào cả bên ngoài và bên trong đã sẵn sàng chưa? Chúng ta làm từng bước như thế.
Hay về hội nhập kinh tế chẳng hạn, Đại hội IX (4/2001) là diễn đàn đầu tiên để Đảng ta nói về hội nhập kinh tế, nhưng chỉ bắt đầu bằng “chủ động” hội nhập kinh tế quốc tế. Tại sao lại chỉ nói “chủ động”? Tôi nhớ khi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp ông John Kerry khi ông thăm Việt Nam với tư cách Thượng nghị sỹ ngày 12/12/1998, sau khi nghe ông John Kerry khuyên Việt Nam nên mở cửa để hội nhập quốc tế, tham gia sân chơi toàn cầu, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trả lời: Việt Nam rất muốn làm việc đó. Nhưng cũng như việc người Việt Nam mê bóng đá, mê đến phát cuồng lên vì bóng đá, đấy là mê xem, chứ để chơi bóng đá trên sân bên ngoài Việt Nam, chúng tôi hiện nay mới chỉ dám bắt đầu tham gia chơi Tiger Cup, chỉ với mấy nước Đông Nam Á đã. Phải từng bước, bắt đầu là với các nước trong khu vực, rồi mới đến châu Á, sau đó mới ra toàn cầu. Về kinh tế-thương mại cũng vậy.
Tôi suy luận ra rằng câu chuyện trên cho thấy trên nền nguyên tắc bất di bất dịch, những chủ trương, chính sách cụ thể mà Đảng đề ra phải theo từng bước, phù hợp với thế và lực của đất nước, và cũng phải phù hợp với tình hình khu vực và thế giới. Nhìn xa, nhìn rộng như vậy, và nhìn gần hơn cũng vậy. Chính độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia là cái gốc, là cái nền để chúng ta thực hiện và thu gặt được những kết quả cao trong hoạt động đối ngoại và ngoại giao năm 2023 và 3 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Vậy, các hoạt động ngoại giao sôi động trong năm 2023 và 3 năm qua đã tác động như thế nào đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo, thưa ông?
2023 là một năm khó khăn với cả thế giới, là năm thế giới hậu Covid-19. Nhưng không chỉ hậu Covid-19, mà còn có cả những diễn biến địa chính trị rất phức tạp trên thế giới. Có lẽ cũng không tiện để kể tên tất cả những diễn biến đó, nhưng ít nhất trong đầu của bất kỳ ai trong số 8 tỷ người trên thế giới này cũng đều có thể có ngay tên của hai cuộc chiến: Nga-Ukraine và Israel-Hamas.
Khi nói rằng cả thế giới chịu tác động của vấn đề hậu Covid-19, cả thế giới chịu tác động của những diễn biến địa chính trị phức tạp, trong đó có 2 cuộc chiến mà tôi vừa nêu, thì Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ít nhất chúng ta có thể nhìn thấy tác động tiêu cực của nó qua hai con số. Một là, tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu, chỉ 5,05%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra cho năm 2023 là khoảng 6% - 6,5%. Hai là, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 cũng giảm 6,6% so với năm trước. Nói GDP là nói tổng lực của quốc gia, còn xuất nhập khẩu là nói về kinh tế đối ngoại. Chỉ riêng hai con số đó thôi cũng nói lên khó khăn của chúng ta và cái giá phải trả trong năm 2023 vừa qua.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn hoàn toàn có cơ sở để lạc quan, đặc biệt khi chúng ta nói về những mặt tích cực, mặt được của đối ngoại và ngoại giao tác động đến lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước. Ví dụ, thứ nhất, năm 2023, hãy xem ai là người đứng ra đánh giá sức khỏe kinh tế toàn cầu: IMF, WB, Fitch Rating… Tổng hợp lại tôi thấy rằng, dù thế giới vẫn chưa đi đến những con số hay kết luận cuối cùng nhưng đại để ý kiến thống nhất của các nhà phân tích là tăng trưởng GDP của thế giới năm 2023 chỉ khoảng từ 2,5% - 3%. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 5,05% là khoảng gấp đôi của mức trung bình thế giới. Đây là con số rất đáng kể. Cho nên, chúng ta cần biết mình chưa đạt chỉ tiêu và phải cố gắng khắc phục, nhưng đồng thời chúng ta cũng không bi quan vì chúng ta vẫn tăng trưởng khoảng gấp đôi mức bình quân của thế giới.
Thứ hai, trong năm 2023, dòng vốn FDI thực hiện của nước ta đạt được 23,2 tỷ USD. Và tôi xin nói là 23,2 tỷ USD dòng vốn FDI thực hiện là con số cao nhất trong lịch sử của nước Việt Nam. Chưa bao giờ chúng ta đạt được vốn thực hiện FDI cao như vậy. Dòng vốn đó phản ánh lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách và triển vọng của chúng ta. Nó cũng là cơ sở để chúng ta có quyền đặt hy vọng vào năm 2024 và những năm tiếp theo.
Ngoài ra, khi nói về đóng góp của đối ngoại và ngoại giao vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhất là kinh tế, tôi chỉ xin nêu một vài xếp hạng của quốc tế để chứng minh đã chúng ta có cải thiện rất rõ ràng.
Thứ nhất là chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 2 bậc so với lần trước. Trong Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index 2023- GII 2023) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng 46/132 nước và nền kinh tế. Đó là con số thứ nhất mà tôi muốn nêu, bởi vì đổi mới sáng tạo đi liền với công nghệ, đi liền với Cách mạng 4.0, đi liền với những mũi nhọn trong công nghệ. Và đó là điều rất tích cực.
Thứ hai, nói về giá trị của tên quốc gia hay còn gọi là thương hiệu quốc gia, thì thương hiệu quốc gia của Việt Nam trong năm 2023 cũng đã tăng được một bậc. Một bậc, nghe có vẻ khiêm tốn, nghe có vẻ nhỏ nhoi, nhưng để được thế giới công nhận nâng một bậc không hề dễ dàng. Như vậy, chúng ta đã đứng thứ 32/100 thương hiệu quốc gia trên thế giới. Tôi nghĩ rằng, đây là con số rất quan trọng.
Con số thứ ba tôi muốn nêu là một con số tổng hợp, đó là Chỉ số Hạnh phúc. Còn nhớ khi tôi làm Đại sứ và Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực tại Liên hợp quốc, tôi chứng kiến Đại sứ Bhutan là người vận động rất mạnh để thế giới và Liên hợp quốc công nhận có ngày hạnh phúc, năm hạnh phúc, có tước hiệu, danh hiệu quốc gia hạnh phúc. Năm 2023 vừa rồi, Chỉ số Hạnh phúc Toàn cầu của Việt Nam đã tăng được 12 bậc trong báo cáo của Liên hợp quốc. Tôi nghĩ rằng, đây là một đánh giá rất rất tích cực, bởi vì nó là chỉ số tổng hợp, biểu thị chung cho tất cả những chỉ số khác.
Chúng ta cũng thấy ngay rằng cả 3 con số đó đều liên quan đến đối ngoại và ngoại giao. Vậy thì đối ngoại và ngoại giao đã có thể đóng góp được vào tất cả những thành tích cụ thể trong kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhấn thêm ba việc cụ thể của đối ngoại và ngoại giao đã làm được trong năm 2023.
Một là, Việt Nam và Israel đã ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Israel là một quốc gia diện tích nhỏ, điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt, nhưng họ đã đạt được những thành tựu lớn về kinh tế nói chung, về nông nghiệp nói riêng, mà chúng ta có rất nhiều điều để học. Khi hai nước ký được FTA, tôi nhớ là Đại sứ Israel và Bộ trưởng Israel đều bình luận rằng hiếm có với một đối tác nào trên thế giới mà Israel lại có thể đàm phán được và kết thúc nhanh đàm phán đến thế như với Việt Nam.
Hai là, ta đang đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa Việt Nam với các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UEA). Đây là cả một khối quốc gia mà chúng ta biết rồi, trong bối cảnh của thế giới, nhất là ở cuộc chiến Nga-Ukraine, nếu như người ta nói về ba cuộc khủng hoảng, gồm khủng hoảng lương thực, khủng hoảng tài chính và khủng hoảng năng lượng, thì khu vực UEA chính là cái nôi, là cái giỏ, là cái thùng dầu, là cái rốn dầu của thế giới. Khi chúng ta khởi động đàm phán với UEA thì chính là chúng ta đang gõ vào cánh cửa mà cả thế giới đều đang cần và đang muốn gõ. Và tôi tin rằng, chúng ta sẽ sớm kết thúc đàm phán. Đây là một điều rất tốt.
Thứ ba, Việt Nam và 13 đối tác trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) công bố kết thúc đàm phán về Thỏa thuận Chuỗi Cung ứng IPEF quốc tế đầu tiên giữa các thành viên với nhau. Sau khi TPP bị đổ năm 2017, chúng ta vẫn tiếp tục nỗ lực cùng với 10 quốc gia còn lại để thúc đẩy TPP thành CPTPP. Nhưng với việc CPTPP vắng mặt nền kinh tế lớn nhất thế giới, siêu cường duy nhất trên thế giới, thì rõ ràng đây là một sự thiếu vắng nghiêm trọng, sự thiếu vắng đáng kể. Thế thì với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng được hình thành và vừa rồi đã công bố kết thúc đàm phán về ký kết thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế đầu tiên giữa các quốc gia thành viên mà Việt Nam là một trong 14 quốc gia, đó là một kết quả rất lớn, mang tính chiến lược với ý nghĩa vừa rộng lớn về quy mô, vừa tầm xa về thời gian đối với quốc gia Việt Nam.
Đại sứ Bùi Thế Giang chủ trì họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 25/7/2008 về Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Kosovo (UNMIK). (Ảnh: NVCC) |
Như ông vừa chia sẻ, trong năm 2023, Việt Nam đã có những bước tiến mới về kinh tế đối ngoại khi khởi động đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam với các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất. Hoạt động này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước như thế nào, khi mà lâu nay, chúng ta vẫn chưa có nhiều sự hiện diện ở thế giới Ả-rập và ngược lại, thưa ông?
Trước tiên, tôi muốn mở rộng khái niệm thế giới Ả-rập hơn một chút. Bởi vì khi nói đến thế giới Ả-rập, có lẽ mọi người chỉ nghĩ đến Trung Đông là nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng có những quốc gia vừa thuộc về thế giới Ả-rập, nhưng lại vừa không chỉ thuộc riêng về thế giới Ả-rập như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn. Đây là quốc gia rất đặc biệt, nằm ở ngã ba của ba châu lục Á, Âu và Phi trên thế giới. Và hãy nhớ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng là một đế chế.
Trong số 31 quốc gia thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ là nước duy nhất theo Hồi giáo. Trước khi nghỉ hưu, tôi đã tham mưu đề xuất thiết lập quan hệ kênh đảng giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Và tôi đã không mất nhiều thời gian để trình bày, thuyết phục lãnh đạo nước ta chấp nhận đề nghị của mình, mặc dù trước đó hình như chẳng ai nghĩ tới mối quan hệ này. Tuy vậy, khi tôi đề xuất thì lãnh đạo đồng ý ngay. Về kinh tế, nếu xét về kim ngạch thương mại phi dầu mỏ thì Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với chúng ta ở khu vực Trung Đông.
Đấy là chuyện chính trị, nhưng chẳng có gì chỉ là chính trị thuần tuý cả. Trên thế giới này, mọi thứ đều đan xen với nhau. Với khu vực Trung Đông, tôi nghĩ rằng, đúng là một thời gian khá dài, Trung Đông vắng mặt ở Việt Nam và Việt Nam cũng vắng mặt tại Trung Đông. Nhưng trong mấy năm vừa rồi, chúng ta có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy quan hệ của chúng ta với Trung Đông, tăng cường sự hiện diện của chúng ta ở Trung Đông, đồng thời kéo bạn vào Việt Nam. Và việc này trong thời gian vừa rồi đạt kết quả rất cao.
Lúc nãy, khi tôi nói đến 3 điểm nhấn về ngoại giao kinh tế, thì một trong 3 điểm nhấn đó chính là với Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất. Chúng ta đã nỗ lực rất lớn và tôi tin là chúng ta sẽ thành công trong lĩnh vực này. Bởi vì, “hữu xạ tự nhiên hương”, vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên trên thế giới thìcũng đồng nghĩa với việc những điều đó đến được với khu vực Trung Đông. Người Trung Đông, dân Trung Đông, lãnh đạo Trung Đông đều nhìn thấy vị trí, vai trò của Việt Nam không chỉ về chính trị, mà còn cả tiềm năng làm ăn kinh tế và đặc biệt về văn hóa, mà thế giới Ả-rập có văn hóa rất đặc biệt, rất đặc trưng và họ rất tự hào về văn hóa của họ. Còn phía chúng ta, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi đâu có người của thế giới Ả-rập, đi đâu có người Trung Đông, đi đâu có người Hồi giáo cũng nhắc đến chữ Halal (Tiêu chuẩn, điều kiện thực phẩm Hồi giáo). Điều đó không ngẫu nhiên, mà là một sự thúc đẩy có chủ trương và khi chủ trương đó đã đi từ lãnh đạo cao nhất xuống đến cấp cơ sở, cấp thực hành thì chắc chắn sẽ thành công.