Cửa hẹp dần?
Theo giới quan sát, trước đó từng có không ít công ty hoạt động dưới mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức cũng chịu cảnh “tê liệt”, thậm chí chết yểu do nhà sáng lập không có nhiều kinh nghiệm về bảo hiểm.
Tất nhiên, bất chấp những khó khăn, đâu đó vẫn có những cá nhân xuất thân từ công ty bảo hiểm có ý định lập công ty hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức với kỳ vọng “gặp thời” sẽ bứt phá.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một đại lý bảo hiểm tổ chức đang gặp khó cho biết, tại Việt Nam, hầu hết đại lý tổ chức đều là công ty mới khởi nghiệp được trên dưới 1 năm, nay lại gặp “hạn Covid” nên khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Doanh thu tăng trưởng chậm lại, phí tái tục bảo hiểm năm 2 không như kỳ vọng, nhân sự bất ổn… khiến không ít đại lý lay lắt. Ngoài ra, nếu hoa hồng chi trả cho các đại lý theo cấp bậc tại các đại lý tổ chức kém hấp dẫn so với khoản hoa hồng mà các công ty bảo hiểm chi trả thì các đại lý tổ chức khó lòng giữ chân cũng như thu hút nhân sự giỏi.
Đó là chưa kể không ít đại lý tổ chức vẫn sa đà vào việc tuyển “quân” theo diện rộng, chứ không theo chiều sâu, dẫn đến khó quản lý, kém hiệu quả, cho dù có công nghệ. Có những đại lý tổ chức có hàng ngàn thành viên, nhưng số lượng thực tế hoạt động chưa đầy 10%, cấp quản lý thì chỉ có kinh nghiệm phát triển hệ thống, mà thiếu đi chuyên môn về bảo hiểm...
“Nếu tiếp tục vận hành theo mô hình hiện tại - cắt hết hoa hồng, chi hết cho các thành viên, đại lý để tạm giữ chân họ thì đại lý bảo hiểm tổ chức sẽ không có doanh thu. Vì thế, những thành viên, đại lý này sẵn sàng ‘cao chạy xa bay’ nếu nhận được “kèo” tốt hơn (chính sách trả thưởng, thù lao…) từ doanh nghiệp bảo hiểm khác”, CEO một đại lý bảo hiểm tổ chức bộc bạch.
Ngoài ra, theo nguồn tin riêng của phóng viên, cơ quan quản lý đang xem xét siết chặt hoạt động của các đại lý bảo hiểm tổ chức (hiện do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép) theo hướng nếu các đại lý tổ chức muốn bán bảo hiểm cho 2 công ty bảo hiểm trở lên thì phải xin giấy phép thành lập công ty môi giới bảo hiểm (do Bộ Tài chính cấp).
Điều này được cho là sẽ khiến cửa hoạt động của các đại lý này càng trở nên hẹp hơn.
Lối ra nào?
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Đức Thắng, nếu một đại lý bảo hiểm tổ chức không định hình cho mình một giá trị cốt lõi riêng, mà chỉ trông chờ vào đội ngũ kinh doanh bên dưới thì khó có thể trụ lâu được.
“Để tồn tại, cần sớm định hình mô hình đại lý tổ chức kiểu mới, chẳng hạn không phân cấp, tập trung vào một cấp duy nhất là tư vấn bảo hiểm/tư vấn tài chính, bởi không có thăng tiến cấp bậc sẽ không có chuyện ‘xây cây gia đình’ để hưởng doanh số và thưởng theo cấp bậc, từ đó xóa bỏ tiếng đồn ‘đa cấp’ tồn tại bấy lâu trong bảo hiểm. Đặc biệt, tránh việc ‘chơi game’ bảo hiểm vì chỉ có làm thật, hưởng thật thì mới bền vững”, ông Thắng nói.
Giá trị cốt lõi của một hệ thống, theo ông Thắng, có thể được xây dựng trên 4 trụ cột chính: Tầm nhìn, văn hóa, thương hiệu và hạ tầng (hệ thống thù lao, chính sách thưởng, nhân sự…), từ đây sẽ tạo ra đội ngũ quản lý được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, tránh được tình trạng cạnh cạnh thiếu lành mạnh vì không có chỉ tiêu tuyển dụng.
Công tác tuyển dụng do công ty trực tiếp làm và phân bổ về các đội ngũ. Nhiệm vụ của cấp quản lý là đào tạo và giúp cho đại lý của mình hoạt động hiệu quả.
“Nếu đại lý bảo hiểm tổ chức nào sở hữu được một hệ thống kinh doanh, đội ngũ tư vấn bảo hiểm/tài chính thực sự chuyên nghiệp, tích cực hỗ trợ khách hàng cả trước, trong và sau bán hàng thay cho công ty bảo hiểm thì đại lý đó mới có cửa sống. Đội ngũ kinh doanh đó sẽ vừa mang về doanh thu ‘sạch’, giúp ổn định và mở rộng thị phần, vừa bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp bảo hiểm”, một chuyên gia bảo hiểm phân tích.
Đại lý bảo hiểm trên thị trường có 2 dạng, gồm đại lý do công ty bảo hiểm lập ra (chủ yếu là cá nhân) và các công ty hoạt động theo mô hình đại lý (đăng ký thành lập tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư), phân phối sản phẩm bảo hiểm, thường được gọi là đại lý bảo hiểm tổ chức.