Xu hướng mở rộng đại lý bảo hiểm tổ chức
Hiện nay, các tổ chức làm đại lý bảo hiểm được mở rộng ra đối với ngân hàng, công ty dịch vụ viễn thông (VNPT, MobiFone), đặc biệt là các nhà bán lẻ như hệ thống trạm đăng kiểm, hệ thống trạm xăng, siêu thị, showroom ô tô, trường học...
Với xu hướng mở rộng của đại lý bảo hiểm tổ chức, trong khi cách thức gia nhập dễ dàng (chỉ cần được cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Ðầu tư), nhiều chuyên gia cho rằng, kênh này sẽ dần thay thế các đại lý cá nhân truyền thống trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.
Trong hai năm gần đây, thị trường bảo hiểm xuất hiện thêm nhiều công ty đăng ký hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm (đại lý tổ chức), giúp đa dạng kênh phân phối như: Safer Life, Công ty TNHH Insulife Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển hợp danh Active Life, Công ty cổ phần Best Life, Công ty cổ phần BRICS Việt Nam, Công ty cổ phần Thế giới bảo hiểm Insurword, Công ty cổ phần Dịch vụ Vietlife, Công ty cổ phần Quốc tế VSlife, Công ty TNHH Gia Khánh Hồng Bàng, BCA… Gia nhập thị trường gần đây nhất là Công ty cổ phần TND Assurance.
Trong số các “tân binh”, có những “tay ngang” hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe, hàng tiêu dùng, giáo dục, bất động sản, giải trí… từng đưa ra quảng cáo giật gân về thu nhập bán bảo hiểm nhân thọ.
Thậm chí, có đại lý bảo hiểm tổ chức mang mô hình hoạt động và phân chia thu nhập có dấu hiệu bán bảo hiểm nhân thọ theo phương thức đa cấp.
Ngoài ra, có trường hợp vi phạm quy định về hoạt động đại lý nên doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hợp đồng, nhưng những nhân sự đó dễ dàng thành lập đại lý mới và hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm khác.
Chính vì vậy, kỳ vọng về việc đại lý bảo hiểm tổ chức thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của công ty bảo hiểm được nhìn nhận khó có thể trở thành hiện thực nếu pháp luật không quản lý chặt hơn và bản thân khối doanh nghiệp này không nỗ lực cải thiện chất lượng hoạt động.
Thiếu quy định về đại lý bảo hiểm tổ chức
Thực tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa có những quy định riêng, cụ thể để điều chỉnh các tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm, góp phần dẫn đến một số bất cập phát sinh như có tổ chức hoạt động như môi giới bảo hiểm, chất lượng tư vấn bán bảo hiểm không cao, nhân viên ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm.
Ngoài ra, việc thiếu các quy định, công cụ để quản lý nhà nước đối với việc đào tạo, sử dụng đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm và chưa có hệ thống quản lý thông tin dữ liệu về đại lý đang hoạt động trên thị trường dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, cũng như dự báo xu hướng phát triển của đại lý bảo hiểm trong thời gian tới.
Đáng lưu ý là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, “mua bán” tổng đại lý. Tổng đại lý được doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ, nhất là chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng thị trường cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thị trường có hiện tượng doanh nghiệp bảo hiểm chi trả chi phí cao để lôi kéo tổng đại lý của doanh nghiệp khác.
Do đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng có các quy định cụ thể hơn để quản lý hoạt động của các đại lý tổ chức, nhằm phát huy tiềm năng của các kênh phân phối, tạo sự chủ động cho các đại lý bảo hiểm (cá nhân, tổ chức) phát triển theo hướng chuyên nghiệp và minh bạch, thực sự là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, hướng tới mục tiêu thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững, vì lợi ích và quyền lợi của khách hàng.
Nhà nước sẽ quản chặt hơn
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý phải được đăng ký ngành, nghề hoạt động đại lý bảo hiểm, hoặc phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động.
Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng có các quy định cụ thể hơn để quản lý hoạt động của các đại lý tổ chức.
Tuy vậy, dự thảo không đặt ra điều kiện riêng đối với các tổ chức này, mà thực hiện quản lý, giám sát thông qua quản lý việc sử dụng đại lý bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm và thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm (trong đó có hoạt động đại lý bảo hiểm).
Dự thảo cũng bổ sung các quy định để nâng cao chất lượng hoạt động của đại lý bảo hiểm và bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm như kế thừa nguyên tắc đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhằm tránh xung đột lợi ích do đại lý là hoạt động theo ủy quyền, đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm; bổ sung nguyên tắc phải tuân theo quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp do Hiệp hội Bảo hiểm ban hành, tiêu chuẩn hoạt động đại lý do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành; bổ sung nghĩa vụ phải bảo mật thông tin khách hàng; bổ sung quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện đào tạo, đào tạo cập nhật sản phẩm bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm; bổ sung quy định về chế độ báo cáo việc đào tạo và việc sử dụng đại lý bảo hiểm; sửa đổi các quy định về hành vi bị cấm đối với đại lý bảo hiểm để sau này đưa ra các chế tài phù hợp.
Theo ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TC Advisors, tất cả các đại lý tổ chức đều đã ký hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với một công ty bảo hiểm và trong năm 2020 đóng góp tỷ trọng xấp xỉ 30% trong tổng doanh thu của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Ông Phương cho rằng, đại lý bảo hiểm tổ chức sẽ sớm “vượt mặt” đại lý cá nhân. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam cần tạo ra nhiều tổ chức đại lý độc lập, chuyên nghiệp, tương tự như mô hình đại lý tổ chức là doanh nghiệp tư vấn tài chính độc lập (Independent Financial Advisors - IFA) tại nhiều nước trên thế giới. Không giống các đại lý riêng lẻ hay tổng đại lý nhỏ, IFA là các công ty lớn hơn chứ không phải cá nhân, họ có tư duy dài hạn, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, cơ sở hạ tầng, hoạt động đào tạo, đưa ra tư vấn tốt và dịch vụ khách hàng tốt.