Đại lý tổ chức hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về bảo hiểm của khách hàng

Đại lý tổ chức hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về bảo hiểm của khách hàng

Đại lý bảo hiểm “ngoài ngành” cần được hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nhóm đại lý bảo hiểm được cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư, không trong hệ thống quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính như TC Advisors, BRICS, Best Life… nhìn chung có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm, nhưng theo các đại lý tổ chức, mô hình này cần được Bộ Tài chính hỗ trợ và hướng dẫn liên tục.

Mô hình tốt

Theo ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị TC Advisors, Bộ Tài chính quy định và cấp phép cho từng người bán hợp đồng bảo hiểm. Bộ này có quyền yêu cầu các công ty bảo hiểm đảm bảo rằng các tổ chức bán hàng hoạt động một cách chuyên nghiệp. Thực tế, mô hình đại lý bảo hiểm được cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư không có sự khác biệt với hệ thống tổng đại lý truyền thống mà tất cả các công ty bảo hiểm sử dụng hiện nay.

Nhiều pháp nhân đăng ký kinh doanh mã ngành 6622 (hoạt động đại lý và môi giới bảo hiểm) với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính, đã ra đời và tồn tại cả chục năm nay. Trải qua thời gian, kênh phân phối bảo hiểm này đã chứng minh được hiệu quả về mặt doanh thu cũng như chất lượng khai thác.

Ông Lê Thế Khoa, Tổng giám đốc BRICS cho biết, bản thân các đại lý tổ chức như BRICS, TC Advisors, hay các đại lý tổ chức khác đăng ký kinh doanh mã ngành 6622 với Sở Kế hoạch và Đầu tư dù là đại lý độc quyền hay không độc quyền thì đều không phải là một doanh nghiệp bảo hiểm nên cần có sự đồng ý hợp tác từ phía công ty bảo hiểm.

Trong quá trình hoạt động, các đại lý tổ chức vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định từ phía công ty bảo hiểm để đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ Tài chính về lĩnh vực bảo hiểm. Vì vậy, mặc dù không trực tiếp thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính nhưng về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, các đại lý tổ chức vẫn hoạt động dựa trên quy định của Bộ này, đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp bảo hiểm và được giám sát bởi chính các doanh nghiệp bảo hiểm đối tác.

Về các đóng góp cho thị trường bảo hiểm, ngay từ khi ra đời, các đại lý tổ chức mong góp phần cùng các công ty bảo hiểm đối tác lan toả mạnh mẽ hơn giá trị bảo hiểm đến với người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm đối tác cũng như của ngành trong vai trò là một kênh phân phối bảo hiểm.

Được biết, BRICS đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm gồm Cathay Life, Bảo Việt, BSH, FWD Việt Nam, Pacific Cross Việt Nam, AAA, VBI. Tại Best Life, các đối tác bảo hiểm là VBI, PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Fubon, Liberty, PTI.

Tất nhiên, không phải đại lý nào cũng thành công. Có đại lý sau vài năm chật vật hoạt động đã phải ngậm ngùi từ giã thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía công ty bảo hiểm, các đại lý tổ chức phải có hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, dịch vụ khách hàng tốt, dịch vụ yêu cầu bồi thường hiệu quả và tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm cao. Mối quan hệ này được duy trì nếu đại lý tổ chức chứng minh được kết quả cũng như chất lượng hoạt động sau một thời gian hợp tác.

Trong số các đại lý tổ chức tại Việt Nam, TC Advisors là tổ chức đầu tiên, hiện có quy mô lớn nhất (10.000 thành viên) và có các đối tác bảo hiểm là Hanwha, Sun Life, PVI, VBI.

Mong được Bộ Tài chính hỗ trợ và hướng dẫn liên tục

Ông Chung Bá Phương chia sẻ, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai tại TC Advisors là 76%, tốt hơn các ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các đại lý truyền thống đã giảm xuống dưới 50%. Công ty có hơn 120.000 khách hàng đã được bảo vệ thông qua tư vấn đúng và đủ. Công ty cũng làm hài lòng khách hàng về các yêu cầu bồi thường bảo hiểm với hơn 1.000 trường hợp mỗi tháng.

Kênh đại lý tổ chức được kỳ vọng trở thành kênh lớn nhất tại thị trường bảo hiểm Việt Nam

Mặc dù đạt được nhiều thành công trong hoạt động, nhưng lãnh đạo TC Advisors mong muốn Công ty cũng như các đại lý tổ chức khác được phép tham gia Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp và cải thiện dịch vụ khách hàng.

“Ngoài ra, Bộ Tài chính xem xét cấp cho chúng tôi quyền cấp phép cho các đại lý dưới sự giám sát chặt chẽ hơn của Bộ. Điều này sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động”, ông Phương đề xuất.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc TC Advisors kiến nghị, Bộ Tài chính nên tính tỷ lệ duy trì hợp đồng không chỉ riêng đối với kênh đại lý tổ chức, mà đối với tất cả các kênh. Bộ nên đưa ra một phương pháp tính tỷ lệ duy trì thống nhất, tránh tính trạng mỗi công ty tính một kiểu như hiện nay. Bên cạnh đó, việc quản lý tỷ lệ duy trì tương tự như Ngân hàng Nhà nước quản lý tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. Công ty bảo hiểm nào có tỷ lệ duy trì thấp thì giới hạn mức tăng trưởng, thậm chí quản lý tới từng chi nhánh.

Kỳ vọng trở thành kênh lớn nhất

“Trong tương lai không xa, đại lý tổ chức sẽ là một kênh được phần lớn khách hàng lựa chọn để tham gia bảo hiểm. Có thể một vài đại lý tổ chức không tồn tại được ở một giai đoạn nào đó trên con đường phát triển của kênh cũng giống như các kênh bán khác, nhưng mô hình đại lý tổ chức chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài vì đại lý tổ chức hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về bảo hiểm của khách hàng”, Tổng giám đốc BRICS nhận định.

Theo một số đại lý tổ chức, các công ty bảo không ngừng tìm kiếm và gia tăng kênh bán mới để phát triển và mở rộng thị phần. Trong đó, đại lý tổ chức là một kênh bán mà công ty bảo hiểm không thể bỏ qua. Sau khi ra đời và chứng minh được hiệu quả, nhiều công ty bảo hiểm đã “mở lòng” với đại lý tổ chức. Không ít đại lý tổ chức mới ra đời đã được công ty bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ hợp tác.

Kênh đại lý tổ chức được kỳ vọng trở thành kênh lớn nhất tại thị trường bảo hiểm Việt Nam giống như ở Mỹ, Canada, Úc, Anh... Trong khi đó, kênh đại lý truyền thống vẫn đang có không ít đại lý yếu kém, không tư vấn đúng hoặc đầy đủ, chạy theo doanh số để được hưởng hoa hồng cao, sau đó chuyển sang làm việc tại công ty khác, để lại một số hợp đồng bảo hiểm “ảo”, tỷ lệ duy trì thấp.

“Chúng tôi làm việc vì mục tiêu, chứ không phải chỉ tiêu ngắn hạn. Có động lực và không áp lực. Đứng trên quan điểm khách hàng, họ muốn mua bảo hiểm từ TC Advisors, người đại diện cho khách hàng. Chúng tôi có cơ sở hạ tầng dịch vụ khách hàng, có kiến thức về luật (có luật sư riêng), y tế (có bác sĩ riêng) và tài chính (có Techcombank là đối tác) để giúp khách hàng đưa ra quyết định đúng đắn khi mua bảo hiểm và khi yêu cầu bồi thường”, Chủ tịch Hội đồng quản trị TC Advisors nói và cho biết, tại Singapore, đại lý tổ chức là kênh phân phối bảo hiểm lớn thứ hai, hầu hết công ty bảo hiểm như AIA, Manulife, Prudential đều có các cố vấn riêng tương tự TC Advisors. Xu hướng này sẽ giúp ngành bảo hiểm phát triển tốt hơn.

Tin bài liên quan