Kể từ năm 2015, Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ trực tuyến. Theo đó, cổ đông được tham dự theo dõi đại hội từ xa, được chất vấn chủ tọa, được trả lời và bỏ phiếu trực tuyến để thực hiện quyền của mình.
Tuy nhiên, có những doanh nghiệp đang hiểu sai về ĐHCĐ trực tuyến, chẳng hạn, doanh nghiệp tường thuật trực tuyến nội dung đại hội trên website, fanpage hoặc YouTube để cổ đông có thể theo dõi từ xa.
Cổ đông gửi câu hỏi về đại hội, nhưng có thể được chủ tọa trả lời hoặc không. Đáng lưu ý, đến khâu bỏ phiếu thực hiện quyền tại đại hội thì cổ đông không được thực hiện trực tuyến.
Một số doanh nghiệp như GTN và Vilico gần đây bị nhiều cổ đông phản đối vì yêu cầu cổ đông in các phiếu biểu quyết mà doanh nghiệp đã gửi trước đó rồi gửi chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp trước khi đại hội diễn ra.
Điều này khiến cổ đông theo dõi đại hội có thể cập nhật thông tin mới và thay đổi các quyết định quan trọng nhưng không thể bỏ phiếu lại, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của họ.
Năm ngoái, các doanh nghiệp như Bảo Minh, FPTS, May Sông Hồng, Petrolimex... thực hiện ĐHCĐ trực tuyến hoàn toàn. Tức là, cổ đông tham dự từ xa được thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định.
Các đại hội này có thêm một nét đặc biệt khác là cổ đông muốn tham dự trực tiếp vẫn có thể đến tham gia và biểu quyết trực tiếp tại đại hội. Tuy nhiên, ghi nhận từ FPTS, đơn vị cung cấp giải pháp tổ chức ĐHCĐ trực tuyến cho các doanh nghiệp cho biết, không có nhiều nhà đầu tư đến tham dự đại hội trực tiếp.
Năm ngoái, tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ trực tuyến chiếm khoảng 10% số doanh nghiệp mà FPTS tư vấn, sang năm nay, con số đó tăng lên khoảng 25%. Các doanh nghiệp tổ chức đại hội trực tuyến năm ngoái đều duy trì hình thức này trong năm nay, dù mùa đại hội không rơi vào thời điểm giãn cách xã hội.
ĐHCĐ của FPT sẽ được tổ chức vào đầu tháng 4/2021, cổ đông có thể tham dự trực tuyến hoặc trực tiếp tại đại hội, nhưng dù theo hình thức nào chăng nữa cổ đông cũng bỏ phiếu trực tuyến.
Nếu tham dự trực tiếp tại đại hội mà cổ đông không có thiết bị như điện thoại di động, máy tính xách tay nối mạng thì ban tổ chức sẽ hỗ trợ, cung cấp cho cổ đông thiết bị điện tử để bỏ phiếu trực tuyến tại đại hội.
Đại hội cổ đông trực tuyến đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông và doanh nghiệp.
Với cách làm này, FPT sẽ không mất tới 30 phút, thậm chí 1 tiếng để kiểm phiếu tại đại hội như trước, mà hết giờ bầu cử, doanh nghiệp có thể chiết xuất kết quả ngay sau đó.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, ĐHCĐ trực tuyến đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông và doanh nghiệp, nhất là trong thang điểm quan hệ cổ đông. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội và TP.HCM, khi tổ chức đại hội tại trụ sở công ty, rất ít cổ đông có thể đến tham dự và thực hiện quyền của mình, vì chi phí đi lại, ăn ở, cổ đông đều phải tự túc.
Với các cổ đông ở nước ngoài, nếu doanh nghiệp không thực hiện trực tuyến hoàn toàn, họ không thể tham dự được đại hội từ năm ngoái cho tới năm nay. Đây là một thiệt thòi cho các cổ đông, nhưng cũng là điểm hạn chế với doanh nghiệp, vì khi thiếu thông tin về doanh nghiệp, nhà đầu tư khó có thể gắn bó lâu dài, cũng như kể những câu chuyện tốt hơn về doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam với cộng đồng của họ.
Điểm c, Khoản 2, Điều 13 và Điểm b, Khoản 10, Điều 20, Điều lệ mẫu ban hành kèm Thông tư 95/2017/TT-BTC có quy định về cách thức tổ chức ĐHCĐ trực tuyến của công ty cổ phần đại chúng.
Theo đó, khi tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, điều lệ và quy chế nội bộ về quản trị công ty cần có quy định chi tiết về việc tham dự, biểu quyết online của cổ đông.
Cụ thể, cổ đông phổ thông có nghĩa vụ tham dự cuộc họp ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết thông qua hình thức trực tuyến.
Người triệu tập họp ĐHCĐ khi xác định địa điểm đại hội có thể bố trí, tổ chức để những cổ đông hoặc đại diện được ủy quyền không dự họp được theo điều khoản này hoặc những người muốn tham gia ở địa điểm khác với địa điểm chính của đại hội có thể đồng thời tham dự đại hội.