Theo bà Nga, V-vote có nhiều ưu việt hơn các hình thức truyền thông nên IPAAM đã quyết định ký hợp đồng với VSD ngay trong tháng 9/2019.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, chọn lựa này càng trở nên phù hợp, bởi vừa giúp Công ty xử lý được việc họp, vừa giữ được sự an toàn cho nhà đầu tư và cộng đồng.
Hai quỹ IPAAM sẽ tiến hành Ðại hội nhà đầu tư trực tuyến tới đây là Quỹ Ðầu tư chủ động VND (Quỹ VNDAF) và Quỹ Ðầu tư trái phiếu VND (Quỹ VNDBF). Hai quỹ này hiện có 1.500 nhà đầu tư góp vốn.
Bà Nga hy vọng, hình thức đại hội kiểu mới sẽ được các nhà đầu tư ủng hộ. Theo quy định hiện hành, Ðại hội của Quỹ sẽ coi là đủ điều kiện tổ chức nếu có từ 51% số nhà đầu tư có quyền biểu quyết tham gia.
So với hình thức tổ chức họp trực tiếp hoặc họp thông qua gửi xin ý kiến bằng văn bản, V-vote có nhiều ưu việt hơn.
Ðể tổ chức một cuộc họp nhà đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị nhiều thứ, nhất là địa điểm và các công việc hậu cần.
Nếu tổ chức qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, doanh nghiệp cũng sẽ phải tốn thời gian (tìm địa chỉ nhà đầu tư, viết thư, chờ đợi thư trả lời, kiểm đếm…) và chi phí (chi phí 1 thư bảo đảm tối thiểu 10.000 đồng).
Trong khi đó, với V-vote, doanh nghiệp không phải lo hậu cần cuộc họp, không phải gửi thư trực tiếp đến nhà đầu tư, mà sẽ theo quy trình do đơn vị cung cấp dịch vụ hướng dẫn.
Về chi phí, theo quy định của VSD, doanh nghiệp thực hiện V-vote phải trả phí cố định 3 triệu đồng và phí giao dịch bỏ phiếu 5.000 đồng/1 lần bỏ phiếu của nhà đầu tư.
Nếu IPAAM tổ chức Ðại hội nhà đầu tư thành công, có thể tạo nên một kinh nghiệm đáng tham khảo cho các doanh nghiệp khác, áp dụng hình thức này mùa đại dịch.
Tại VSD, có 6 quỹ đầu tư đã ký hợp đồng thực hiện dịch vụ V-vote năm 2020. Trong 6 quỹ này, có 2 quỹ của IPAAM và 4 quỹ thuộc quản lý của Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương, gồm Quỹ Ðầu tư trái phiếu Techcom (TCBF); Quỹ Ðầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF); Quỹ Ðầu tư trái phiếu linh hoạt Techcom và Quỹ Ðầu tư bất động sản Techcom Việt Nam.
Liên quan đến khối doanh nghiệp đại chúng, chia sẻ trên Báo Ðầu tư Chứng khoán mới đây, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD cho biết, ở Việt Nam, bỏ phiếu điện tử là hình thức bỏ phiếu đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 và các cổ đông thực hiện việc bỏ phiếu điện tử được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông như các cổ đông tham dự và biểu quyết trực tuyến.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức bỏ phiếu điện tử.
Toàn TTCK Việt Nam hiện có gần 1.800 tổ chức phát hành là các công ty đại chúng, quỹ đầu tư đang đăng ký, lưu ký chứng khoán tại VSD, trong đó có những công ty có từ vài nghìn đến vài chục nghìn cổ đông/nhà đầu tư.
Từ năm 2016, VSD đã triển khai cung cấp dịch vụ bỏ phiếu điện tử và năm 2017, Tổng giám đốc VSD đã ban hành Quyết định số 98/QÐ-VSD/2017 về quy định bỏ phiếu điện tử.
Cùng với đó, một công ty chứng khoán trong ngành là FPTS cũng xây dựng và cung cấp dịch vụ bỏ phiếu điện tử.
Tuy nhiên, cả 2 hệ thống này mới chỉ thu hút được một vài doanh nghiệp đại chúng sử dụng như CTCP Ðầu tư xây dựng C32, CTCP Cao su Sao Vàng, CTCP Nhựa Tiền Phong, FPT…
Theo ông Sơn, lý do có thể là do đặc thù quản trị của từng công ty nên tổ chức phát hành có tâm lý ngại thay đổi, vẫn muốn duy trì hình thức bỏ phiếu truyền thống, vì nếu áp dụng đại hội trực tuyến, doanh nghiệp sẽ phải sửa đổi điều lệ công ty cho phép sử dụng hình thức bỏ phiếu này và bổ sung các quy định hướng dẫn liên quan.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn e ngại trình độ công nghệ của cổ đông chưa đồng đều, không phải nhà đầu tư nào cũng tiếp cận với những ứng dụng mới.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn bên thứ ba can thiệp vào việc tổ chức đại hội, nên chưa lựa chọn sử dụng dịch vụ bỏ phiếu điện tử do bên thứ ba cung cấp.
Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2020 khác với tất cả các năm trước đó khi đại dịch Covid-19 buộc con người phải hạn chế tiếp xúc tối đa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Ðể kết nối dòng mạch thông tin từ doanh nghiệp đến nhà đầu tư, đến cổ đông mùa đại hội, doanh nghiệp cần phải tìm ra một hình thức mới thay thế cho hình thức họp trực tiếp.
E-vote là một lựa chọn, nhưng hình thức này cần những điều kiện gì, ưu và nhược điểm là gì, sự khuyến khích và hỗ trợ của nhà quản lý ra sao? Báo Ðầu tư Chứng khoán sẽ tìm hiểu và chia sẻ đến bạn đọc trong các số báo tiếp sau.