Nội dung đại hội tập trung vào chủ trương thay đổi tên Công ty, trở thành CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (tên tiếng Anh: Thanh Thanh Cong - Bien Hoa Joint Stock Company, viết tắt: TTC Sugar), đồng thời thông qua phương án thay đổi ngành nghề kinh doanh để điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, phương án mua lại cổ phiếu quỹ, việc cổ đông hiện hữu và người có liên quan nhận chuyển nhượng cổ phiếu dẫn đến việc sở hữu trên 25% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Trước đó, vào tháng 5.2017, TTCS đã thống nhất chủ trương sáp nhập và phương án hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của CTCP Đường Biên Hòa (BHS - Mã CK: BHS) đang lưu hành với cổ phiếu phát hành thêm của TTCS. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chủ động hội nhập.
Theo đó, TTCS đã phát hành thêm hơn 303 triệu cổ phiếu nhằm thực hiện hoán đổi cổ phiếu đang lưu hành của BHS theo phương án sáp nhập đã được ĐHĐCĐ thống nhất vào ngày 14.9.2017. Thông qua đợt phát hành này, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 2.532 tỉ đồng lên 5.570 tỉ đồng, tương ứng với 557.018.673 cổ phần, vốn hóa thị trường đạt hơn 15.000 tỷ đồng.
Sau sáp nhập, TTCS sở hữu tổng diện tích vùng nguyên liệu trên 52.000 ha (chưa bao gồm vùng nguyên liệu thuộc TTC Attapeu tại Lào), chiếm 20% diện tích mía của cả nước, cùng hệ thống 9 nhà máy sản xuất đường, tổng công suất các nhà máy hiện đạt 486.000 TMN, chiếm 20% tổng công suất của cả nước.
Việc sáp nhập với BHS cũng góp phần nâng tổng thị phần nội địa của TTCS với hệ thống bán lẻ gồm 94 nhà phân phối trên 53 tỉnh thành và 20 Brandshop gắn liền với thương hiệu đường Biên Hòa lâu năm.
TTCS đặt mục tiêu tổng doanh thu niên độ 2017 - 2018 hợp nhất đạt 9.900 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 680 tỉ đồng, tỉ lệ trả cổ tức từ 6% - 10% mệnh giá trên vốn điều lệ.
Cổ đông lớn giữ 51% vốn
Một nội dung quan trọng khác được các cổ đông thông qua trong phiên họp này là quyết định thay đổi số lượng và bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Cùng với đó, Công ty dự kiến mua 83.552.800 cổ phiếu quỹ, tương đương 15% vốn theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong biên độ cho phép của HOSE. Thời gian mua lại không quá 6 tháng kể từ khi được Đại hội thông qua.
Ngoài ra, HĐQT trình cổ đông thông qua việc cổ đông lớn hiện nay của SBT là CTCP Đầu tư Thành Thành Công và người có liên quan là bà Đặng Huỳnh Ức My - nhận chuyển nhượng cổ phiếu để tăng tổng tỷ lệ sở hữu lên 51% tổng cổ phiếu đang lưu hành của TTCS mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Cụ thể, CTCP Đầu tư Thành Thành Công dự kiến nhận chuyển nhượng 103 triệu cổ phiếu SBT để tăng số lượng cổ phiếu SBT nắm giữ từ 97,5 triệu cổ phiếu lên 200,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ từ 17,526% lên 36% mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Thời điểm nhận chuyển nhượng từ ngày ĐHCĐ thường niên niên vụ 2017 -2018 thông qua đến 30/6/2018.
Thêm vào đó, HĐQT TTCS cũng trình kế hoạch phát hành hơn 33,41 triệu cổ phiếu mới để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện 6%.
Đáng chú ý, TTCS trình ĐHCĐ thông qua phương án phát hành hơn 885 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi; kỳ hạn trái phiếu từ 2-5 năm; đối tượng phát hành dưới 100 nhà đầu tư; lãi suất trái phiếu tối đa 10%. Hoặc theo phương án hai, TTCS dự kiến phát hành hơn 88,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thông qua chào bán riêng lẻ. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2018.
Đồng thời, để đáp ứng quy mô của công ty sau sáp nhập và đảm bảo tối thiểu 1/3 số lượng thành viên là Thành viên HĐQT độc lập, SBT trình cổ đông nâng số lượng thành viên HĐQT từ 5 người lên 6 người do bổ sung 01 thành viên độc lập.
Tại Đại hội lần này, SBT cũng đã đặt ra mục tiêu sản xuất kinh doanh hợp nhất niên độ 2017 – 2018 với sản lượng đường tiêu thụ 515.000 tấn, tổng doanh thu hợp nhất 9.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 680 tỷ đồng và chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ từ 6 - 10%.
Tính tới thời điểm 30/9/2017, tổng tài sản Công ty tăng thêm 11.583 tỷ đồng, lên 19.389 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm hơn 11.384 tỷ đồng, với các khoản thu ngắn hạn tăng hơn 3 lần lên 6.374 tỷ đồng; Hàng tồn kho tăng hơn 1024 tỷ đồng lên 2,982 tỷ đồng...Nợ phải trả cũng tăng mạnh vào thời điểm cuối kỳ sau khi sáp nhập, từ 4.692 tỷ đồng, lên hơn 12.461 tỷ đồng.
Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 9.102 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 7.766 tỷ đồng (đầu kỳ là 2.849 tỷ đồng). Nợ dài hạn hơn 3.358 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính dài hạn chiếm 3.163 tỷ đồng (cùng kỳ là 1.501 tỷ đồng).