Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2020 hoàn thành vượt mức, đạt 17.085 tỷ đồng, bằng 164% kế hoạch ĐHCĐ phê duyệt.
Về kết quả kinh doanh quý I/2021, Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình cho biết, các loại thu nhập hoạt động chính của VietinBank đều tăng trưởng trên 25% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) duy trì ở mức hợp lý, chất lượng tài sản được quản lý tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Thông tin thêm về kết quả kinh doanh quý I, ông Thọ cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của Ngân hàng đạt khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng và đã có tính toán đến các loại trích lập dự phòng. Bên cạnh đó, bao phủ nợ xấu trên 150%.
Tuy lợi nhuận quý I cao, nhưng VietinBank vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2021 khá thận trọng ở mức 16.800 tỷ đồng, chỉ tăng 400 tỷ đồng so với năm trước. Ngoài ra, Ngân hàng cũng dự kiến tăng trưởng tài sản 6 - 10%, dư nợ tín dụng tăng trưởng tối đa 7,5% và phù hợp với hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn tăng 8-12%. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 1,5%, các tỷ lệ an toàn hoạt động tuân thủ theo quy định.
Trước câu hỏi của cổ đông liên quan đến vấn đề tín dụng, ông Thọ cho biết, tăng trưởng tín dụng cũng như các dịch vụ ngân hàng tài chính gắn với hoạt động kinh tế của đất nước. Dự báo tốc độ tăng trưởng của Ngân hàng sẽ trong mức 10 - 20%, nhưng con số cụ thể của từng năm theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.
"Tín dụng VietinBank được giao 7,5% đến thời điểm hiện nay. Ngân hàng sẽ chủ động đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vốn chính đáng của nền kinh tế. Khi cần thiết sẽ báo cáo để có những điều chỉnh phù hợp", ông Thọ nói.
Cũng theo ông Thọ, hiện cổ đông Nhà nước sở hữu 64,45% vốn VietinBank, cổ đông nước ngoài chiếm 20%. Ngân hàng chưa có kế hoạch điều chỉnh tỷ lệ cổ đông sở hữu, khi có nhu cầu, Ngân hàng sẽ báo cáo và lên kế hoạch khai thác và sử dụng phù hợp nhất nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh và phát triển của đất nước.
“Ngành ngân hàng nói chung và VietinBank nói riêng có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, tuy nhiên cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức”, ông Thọ nói.
Thông tin tại ĐHCĐ cho biết, chất lượng tài sản Ngân hàng được nâng cao với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,94%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 136%. VietinBank đã mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC trong chưa đầy 2 năm thay vì 5 năm theo dự kiến nhờ đẩy mạnh công tác thu hồi và xử lý nợ xấu, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo. Tỷ lệ chi phí hoạt động so với tổng thu nhập hoạt động được kiểm soát ở mức 35,5%.
Về vấn đề tăng vốn, ông Trần Minh Bình cho biết, sẽ bám sát phương án tăng vốn đang trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Song song, áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II kể từ ngày 1/1/2021. Cùng với đó, tiếp tục chủ động điều tiết tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, phát hành trái phiếu thứ cấp, thoái vốn một số công ty con, tối ưu hóa danh mục tài sản cố rủi ro. Ngoài ra, kiểm soát quy mô tài sản có rủi ro, triển khai cơ chế định giá trên cơ sở rủi ro và đánh giá hiệu quả trên cơ sở rủi ro.
Đáng chú ý, VietinBank cũng dự kiến chia cổ tức theo 2 phương án: Thứ nhất, chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 17,7751%; Thứ hai, chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6456%.
Trước đó, cuối năm 2020, VietinBank đã thông qua phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 28,8%, tuy nhiên đến nay Ngân hàng chưa tiến hành thực hiện. Nguồn vốn để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu là từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ theo quy định của năm 2017 - 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019.
“Tôi tin tưởng năm 2021, VietinBank sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh theo kế hoạch 2021, tạo cơ sở nền tảng để thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2021 - 2023 và Chiến lược phát triển dài hạn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 của VietinBank”, ông Thọ nhấn mạnh.