Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho biết, sau khi lắng nghe ý kiến cổ đông, về tỷ lệ phát hành ESOP cao, về lo ngại pha loãng cổ phiếu..., HĐQT Công ty quyết định thay đổi.
Theo ông Tài, vì là quyền mua cổ phiếu, nên nhân viên có thể thực hiện quyền hoặc không. Khác với cổ phiếu ESOP có giá bằng hoặc thấp hơn thị giá, thì giá thực hiện quyền chọn mua sẽ dựa trên giá thị trường. Điều này có nghĩa, những cán bộ công nhân viên sở hữu quyền chọn mua chỉ có lợi khi giá cổ phiếu trên thị trường phải tăng.
“Theo tôi biết, 10 năm trở lại đây, chưa có doanh nghiệp nào thực hiện cái này và hành lang pháp lý cho việc này cũng chưa rõ ràng. Chính vì vậy, MWG quyết định thử nghiệm phương án này có thực sự 'chạy' được trong cuộc sống hay không, nên số lượng phát hành không đáng kể", ông Tài nói và cho biết, nếu "chạy" được, sẽ là nền tảng cho năm sau để MWG nghiên cứu thêm và có thể số lượng ESOP giảm đi, quyền chọn tăng lên, qua đó làm cho lợi ích giữa cổ đông và cán bộ nhân viên hài hoà hơn.
Theo tờ trình, MWG dự kiến phát hành 50.000 quyền chọn mua cổ phiếu, tương ứng 50.000 cổ phiếu phổ thông của MWG tại thời điểm thực hiện quyền. Giá trị cấp quyền là 0 đồng. Giá thực hiện quyền chọn mua cổ phần là giá đóng cửa trung bình của 30 ngày giao dịch của cổ phiếu MWG trước ngày cấp quyền. Tuy nhiên, giá thực hiện quyền chọn mua cổ phiếu sẽ được điều chỉnh tương ứng khi Công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (nếu có).
Mỗi năm, MWG sẽ mở 1 đợt duy nhất cho nhân viên đăng ký thực hiện quyền chọn mua cổ phần. Cổ phiếu nhân viên mua theo chương trình này không bị hạn chế chuyển nhượng và quyền chọn mua cũng không được phép chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp.
Chương trình sẽ bắt đầu ngay khi ĐHCĐ thông qua và có thời hạn trong vòng 3 năm. Sau ngày kết thúc, toàn bộ quyền chọn mua cổ phần chưa thực hiện chuyển đổi thành cổ phần sẽ hết hiệu lực và không có giá trị thực hiện.
Năm 2019, MWG đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 108.468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3.571 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 24% so với năm 2018.
Trong đó, ngành hàng điện thoại, điện máy vẫn là nguồn đóng góp chính. Mục tiêu của MWG sẽ chiếm 40% thị phần của ngành hàng điện máy. Còn ngành hàng điện thoại tiếp tục duy trì thị phần dẫn đầu và có sự tăng trưởng tích cực so với thị trường.
Năm 2019, MWG dự kiến chuyển đổi cửa hàng từ Thế giới Di động thành Điện máy xanh mini/Điện máy xanh, số lượng dự kiến tăng thêm từ mở mới và chuyển đổi là 150 cửa hàng. Các cửa hàng sau chuyển đổi kỳ vọng tăng trưởng doanh thu trung bình 50%. Tổng số cửa hàng Thế giới Di động và Điện máy xanh dự kiến cuối năm 2019 là 1.900 cửa hàng.
Còn với chuỗi Bách hoá xanh, mục tiêu cuối 2019 bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp được hoàn toàn được tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm các chi phí ở cấp độ công ty.
Ông Trần Kinh Doanh, Thành viên HĐQT MWG cho biết, Công ty cũng có kế hoạch mở rộng trên 700 cửa hàng Bách hoá xanh vào cuối 2019, gần gấp đôi con số đầu năm và cải tiến trong quy trình, vận hành. Mục tiêu doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ lãi gộp sẽ được cải thiện.
MWG cũng có tờ trình chia cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt là 15%/CP. Đồng thời, xin ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên năm 2018 là 2,4% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng 10,635 triệu cổ phiếu. Giá bán là giá thấp nhất giữa giá 10.000 đồng/CP hoặc 50% giá đóng cửa trung bình 90 ngày giao dịch trước ngày phát hành. Số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm. Hiện trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu MWG dao động quanh mức 87.000 đồng. Chốt phiên 22/3, cổ phiếu MWG giảm 0,8% xuống 87.200 đồng với 671.770 cổ phiếu được chuyển nhượng.
HĐQT MWG cũng có tờ trình phát hành cổ phiếu cho Ban điều hành và cán bộ chủ chốt của MWG và các công ty con dựa vào kết quả kinh doanh năm 2019. Chính sách này không có thay đổi nhiều về mặt chủ trương như các năm trước.
Ông Tài cho biết, sau khi trao đổi với đơn vị nghiên cứu thị trường GfK, ngành hàng điện thoại và ITC nói chung 2019 dự báo là không tăng trưởng (chỉ khoảng 1%). Ngành hàng tivi tăng khoảng 10%, máy lạnh 11%, các ngành khác đều dưới 10%.
So với dự báo của các năm trước, thấp hơn khá nhiều và là năm đầu tiên dự báo của điện thoại thấp, qua đó cho thấy người tiêu dùng dường như bão hoà với sản phẩm hi-tech.
Ông Tài cho rằng, với tình hình đó và việc ngành hàng điện thoại di động đang đóng góp trên 1/2 doanh thu tập đoàn, để có sự tăng trưởng như kế hoạch trên, các ngành khác phải “gồng” lên rất nhiều. Vì vậy, chính sách ESOP để kích thích 4.000 con người cùng nỗ lực và làm việc hiệu quả.