Đại hội đồng cổ đông Chứng khoán Bản Việt (VCI): “Của để dành” 500 tỷ đồng, tổng thương vụ tư vấn 2,6 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là thông tin được ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt (mã chứng khoán VCI) chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra chiều nay (9/4/2021).
Đại hội đồng cổ đông Chứng khoán Bản Việt (VCI): “Của để dành” 500 tỷ đồng, tổng thương vụ tư vấn 2,6 tỷ USD

Cụ thể, theo ông Hải, năm 2021, tình hình thay đổi lớn, số hợp đồng VCI ký trước đó sẽ đi vào thực hiện, dự kiến tư vấn IPO tổng giá trị huy động 200 triệu USD, tư vấn M&A giá trị thực hiện 2,3 tỷ USD, huy động vốn 100 triệu USD… Đây là cơ sở quan trọng cho hình hình kinh doanh sáng sủa cho 2 năm tới .

Hiện VCI là đơn vị tư vấn IPO cho Công ty Dịch vụ bất động sản Đất Xanh, giá trị đợt IPO này 100 triệu USD. Nhưng theo ông Hải, mảng IPO trong năm 2021 không kỳ vọng nhiều do tình hình thị trường bị nghẽn lệnh và tình hình thay đổi nhanh quá doanh nghiệp không kịp chuẩn bị. Năm từ năm 2022 sẽ bùng nổ.

Trong năm 2021, VCI dự báo có nhiều hoạt động M&A quy mô lớn hơn nhiều, có các thương vụ tỷ USD và tiệm cận tỷ USD. Theo đó, kế hoạch năm 2021 với doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.250 tỷ đồng. Nếu đạt, đây là lần đầu tiên Công ty có lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng trong 3 năm gần nhất, xu thế này sẽ duy trì liên tục trong 3 năm tới.

Trong đó, với mảng môi giới, mục tiêu của VCI là nằm trong Top thị phần lớn nhất và sẵn sàng đối diện có thể ra khỏi Top 5, dù thị phần có thể về 5 - 6,% nhưng sẽ là công ty chứng khoán có hiệu quả của mảng môi giới có thể lớn nhất. Chẳng hạn, 1 đồng doanh thu làm 0,5 lợi nhuận, chứ không phải 1 đồng doanh thu chỉ làm 0,1 đồng lợi nhuận.

Trả lời câu hỏi cổ đông về tình hình kinh doanh ước đạt quý I/2021, ông Hải cho biết, lợi nhuận thực hiện quý I khoảng 360 - 400 tỷ đồng và lợi nhuận chưa thực hiện khoảng 500 tỷ đồng.

Với khoản đầu tư OTC, hiện VCI có hai khoản chính là Napas và Sữa Quốc Tế (IDP). Năm 2020, Napas có hoạt động tốt và VCI đã đầu tư vào đây 5 năm, hiện đang sở hữu khoảng 5% vốn. Với IDP năm nay đã xoá được lỗ luỹ kế, lợi nhuận 500 tỷ đồng. Năm 2021 có thể tăng trưởng 50 - 60%. Giá trị cả hai công ty này có thể cán mốc tỷ USD vào năm 2022.

Nói về vấn đề nghẽn lệnh có ảnh hưởng ra sao tới VCI, ông Hải cho biết, ảnh hưởng toàn bộ thành phần, chủ thể tham gia thị trường. Nếu kéo dài thì mảng quan trọng của VCI là tư vấn IPO sẽ ảnh hưởng, chẳng hạn doanh nghiệp IPO muốn niêm yết trên HOSE sẽ phải chuyển sang HNX, điều này khiến khách hàng e ngại. Hoặc mảng tự doanh, có thể không đóng vị thế cuối ngày được.

"Tình hình hiện nay tích cực hơn rất nhiều, năm ngoái, mọi người có thể cảm nhận được sự bi quan của tôi khi nói về thị trường. Năm 2020, thị trường có nhiều bất ngờ và có 2 điểm nhấn chính, bao gồm bệnh dịch Covid chưa hết nhưng thị trường tăng đến 15%. Thứ hai là môi giới truyền thống trước đây có 4 - 5 công ty chứng khoán thống lĩnh thị trường trong nhiều năm, nhưng năm nay trong Top 5 đã có gương mặt mới, đặc biệt VPS quý I/2021 này họ dẫn đầu thị phần. Đây là sự thay đổi lớn", ông Hải nói.

Đối với VCI, năm 2020, doanh thu 1.730 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận trước thuế 951 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019 và vượt 73% kế hoạch cả năm. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt 17,9%. Theo ông Tô Hải, vượt kế hoạch là bất ngờ, vì từ trước đến nay, VCI đặt kế hoạch rất sát.

Điểm mới của VCI trong năm 2020 là tận dụng được nguồn vốn rẻ, thay vì kênh huy động truyền thống là phát hành trái phiếu và vay ngân hàng, thì VCI lần đầu tiên huy động vốn nước ngoài với hình thức tín chấp, 40 triệu USD. Tháng 6 - 7 tới đây, VCI sẽ huy động khoản vay tín chấp thứ 2 với lãi suất rất rẻ so với ngân hàng trong nước.

Nhìn lại chặng đường hoạt động trong 5 năm qua, VCI có mức sinh lợi vượt trội, năm 2016 là 30%, gần như gấp đôi các công ty chứng khoán khác. Giai đoạn tăng trưởng nhanh là 2016-2018, tăng trưởng kép thường 30%, nhưng chững lại trong 2019 - 2020, dù vậy, mức sinh lợi so với mức chung trên thị trường.

Ông Tô Hải cho biết, năm 2021 sẽ là chu kỳ tăng trưởng mới của Bản Việt, và như từng hứa, tập trung 3 năm sẽ tăng gấp đôi vốn chủ sở hữu mà không cần huy động vốn từ bên ngoài.

Để đạt kết quả này, ông Hải cho rằng, VCI có những kinh nghiệm và năng lực đặc biệt là luôn dự đoán đúng thị trường. Điều này rất quan trọng, vì khi thị trường lên tận dụng được hết cơ họi, xuống thì giảm thiểu rủi ro tối đa. Nhờ vậy, trong 5 năm gần, VCI luôn đạt kế hoạch, trường hợp vượt kế hoạch là thực tế thị trường tốt hơn.

Trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của VCI khá đa dạng, trải dài và nổi trội nhất là hoạt động Ngân hàng đầu tư (IB). Do năm 2019-2020, mảng IB không đóng góp nhiều, chỉ hơn 100 tỷ đồng – do tình hình thị trường chung không tốt. Theo ông Hải, đây là lý do năm 2019-2020, VCI không tăng trưởng.

Tin bài liên quan