Đại hội đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2018 là 150 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện; lợi nhuận sau thuế âm 24 tỷ đồng, giảm lỗ 39% so với năm trước.
Kết quả kinh doanh quý I/2018 cho thấy, doanh thu thuần của Công ty đạt 22 tỷ đồng, giảm 41%, lợi nhuận sau thuế âm 10 tỷ đồng, tăng lỗ 41% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Chủ tịch HĐQT VPK, đồng thời là đại diện của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC) nắm 44% tỷ lệ sở hữu VPK nhận định, hoạt động kinh doanh của VPK đang gặp rất nhiều vấn đề và kêu gọi cổ đông thông cảm.
Khi xây nhà máy ở Tân Uyên, VPK đã không lường được việc không thể khai thác tối đa công suất hoạt động của nhà máy, do chưa đánh giá đúng thị trường. Cụ thể, đơn hàng ít trong khi chi phí vận hành nhà máy là rất lớn không thể bù được chi phí
Hiện Nhà máy Bao bì Bình Dương mới chỉ hoạt động 20% công suất thiết kế. Giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng trong khi giá bán giảm để giữ thị phần, trong bối cảnh được VPK đánh giá là cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tại đại hội, nhiều cổ đông đều bày tỏ sự sốt sắng trước tình giá cổ phiếu giảm mà hoạt động kinh doanh của công ty cũng không có tín hiệu khả quan.
Ông Nguyễn Hùng Cường, thành viên HĐQT VPK cho biết, việc đầu tư nhà máy lớn trong thời gian ban đầu thường mất nhiều thời gian để thu hồi vốn. VPK đã đầu tư bằng chính vốn tự có là nguồn lợi nhuận của công ty.
Tổng chi phí đầu tư là hơn 300 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 2/3 tổng mức đầu tư, chi phí lãi ngân hàng trung và dài hạn lớn. Trong khi đó, công suất hiện nay của nhà máy chỉ 20%, để hòa vốn phải đạt 40% công suất.
Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc điều hành VPK cho rằng, trước đây, nguồn khách hàng chủ yếu của VPK là sữa và thực phẩm. Tuy nhiên, do sản lượng của ngành hàng giảm, đồng thời do giá nguyên liệu đầu vào cao. Giá thành sản phẩm của VPK cao hơn với các đơn vị cùng ngành.
Việc tìm kiếm khách hàng phải mất thời gian lớn. Những khách hàng giải khát đều có công ty con lo liệu, do đó các công ty như VPK khó có thể có được thị phần ở lĩnh vực này.
Bà Liễu cho biết thêm, VPK chưa tìm được khách hàng mới, việc chủ quan với khách hàng truyền thống nhưng không lường trước được tình hình hoạt động kinh doanh sa sút của đối tác đã ảnh hưởng đến doanh thu của VPK.
Về giải pháp cho bài toán hoạt động kinh doanh của VPK, bà Liễu cho biết, việc di dời nhà máy từ quận 12 sang nhà máy mới Bao Bì Bình Dương phát sinh chi phí di dời, đào tạo và tuyển dụng nhân viên. Do vậy, VPK đang có phương án chuyển nhượng để thu hồi vốn giảm nợ ngân hàng.
Tiếp đó, VPK sẽ tìm đối tác chiến lược mạnh nhằm hỗ trợ, cải tiến chất lượng sản phẩm của VPK. Bởi hiện tại chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu và khó có thể kêu gọi Tường An và Kido mua sản phẩm. Đây là vấn đề mà VPK sẽ phải khắc phục trong thời gian tới và VOC sẽ cố gắng trong việc hỗ trợ cho VPK tìm đối tác.
Theo dự kiến của HĐQT, đến năm 2019, có khả năng VPK sẽ bắt đầu hòa vốn với doanh thu 240 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu dự kiến 300 tỷ đồng và bắt đầu có lợi nhuận.
Từ ngày 3/4/2018, cổ phiếu của VPK bị đưa vào diện cảnh báo, hiện đang xoay quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu, trong khi đó đã có thời điểm giá cổ phiếu là 21.700 đồng/ cổ phiếu.