Những đại hội được trông chờ
Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, có rất nhiều vấn đề cổ đông trông chờ được lãnh đạo doanh nghiệp làm rõ.
Chẳng hạn, kế hoạch và lộ trình tăng vốn đối với nhóm ngân hàng niêm yết; kế hoạch niêm yết đối với các nhà băng chưa niêm yết; kế hoạch chuyển sàn đối với một số ngân hàng đang giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.
Đối với một số doanh nghiệp mà cổ đông nhà nước chiếm tỷ lệ sở hữu lớn như ACV, PLX, GAS…, vấn đề được cổ đông, nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là kế hoạch thoái vốn nhà nước và chuyển sàn.
Với đa số các công ty niêm yết khác thì mối quan tâm của cổ đông là phương án trả cổ tức 2018, kế hoạch kinh doanh 2019 và xa hơn là tầm nhìn của công ty.
Đặc biệt, đối với một số doanh nghiệp đã nhận diện khó khăn của năm 2019 và chủ động đặt kế hoạch giảm lợi nhuận so với thực hiện năm 2018 như HPG, REE, OIL…, ĐHCĐ rất được trông chờ.
Đừng để cổ đông thất vọng!
Kỳ vọng rất nhiều vào việc được tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp mình bỏ vốn, nhưng một nhà đầu tư cho biết: “Cất công từ Hà Nội vào Bình Dương để dự họp ĐHCĐ, nhưng tôi hoàn toàn thất vọng vì buổi họp diễn ra một chiều.
Ban lãnh đạo dành quá nhiều thời gian cho việc đọc báo cáo, trong khi những thông tin này có thể tìm thấy trên website và trên báo cáo tài chính của công ty”.
Theo quan sát của người viết ở nhiều mùa ĐHCĐ, việc tổ chức ĐHCĐ của rất đông doanh nghiệp vẫn còn nặng về tính hình thức. Thời gian của một đại hội thường kéo dài khoảng 3 - 3,5 tiếng đồng hồ, nhưng dành từ 30 phút tới 1 tiếng để kiểm tra tư cách cổ đông, phát tài liệu đại hội.
Sau đó lại dành khoảng 30 phút cho việc khai mạc đại hội, báo cáo kiểm tra tư cách cổ đông, bầu đoàn chủ tọa, ban thư ký, ban kiểm phiếu, thông qua quy chế làm việc, thông qua chương trình đại hội, thông qua thể thức biểu quyết.
Như vậy, các thủ tục tổ chức đại hội đã mất đứt 1 - 1,5 tiếng, chỉ còn 1,5 - 2 tiếng dành cho nội dung chính. Trong đó, thời lượng dành cho báo cáo của hội đồng quản trị, báo cáo của tổng giám đốc về kết quả kinh doanh năm cũ và kế hoạch kinh doanh năm tiếp theo, báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo tình hình sử dụng vốn nếu có đã tốn rất nhiều.
Rồi sau các báo cáo sẽ là thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận và chia cổ tức. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn của cổ đông đối với hội đồng ban quản trị, ban điều hành quá ít. Có công ty chỉ dành 15 phút cho phần trả lời chất vấn của cổ đông.
Thời lượng đã ít, hoạt động hỏi đáp ở nhiều đại hội cũng chưa thật sự giải tỏa thắc mắc của cổ đông, bởi lãnh đạo công ty còn trả lời vòng vo, chung chung.
Tại không ít đại hội, các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư lớn không phát huy vai trò nhiều. Họ gần như tham dự cho đủ tỷ lệ đảm bảo đại hội thành công, hoặc có những thỏa thuận riêng trước, chứ ít khi thấy vai trò đóng góp hay trao đổi với ban lãnh đạo.
Trong khi đó, đây là điều nhiều nhà đầu tư cá nhân rất trông chờ, bởi nhà đầu tư tổ chức có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn, có sự hiểu biết sâu hơn về quản trị cũng như tài chính của doanh nghiệp.
Những điều trên cần được khắc phục trong mùa đại hội năm nay, nếu doanh nghiệp muốn xây dựng niềm tin vững chắc nơi cổ đông, muốn có sự đồng hành, chia sẻ của họ với các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Nâng chất đại hội, cần sự chủ động của cổ đông
Tất nhiên, cũng có tình trạng ngược lại là tại nhiều đại hội, ban chủ tọa sẵn sàng trả lời các chất vấn của nhà đầu tư, nhưng không có nhà đầu tư nào nêu câu hỏi. Khi đó, chủ tịch công ty đành phải chia sẻ định hướng, kế hoạch và giải đáp những câu hỏi nhà đầu tư băn khoăn từ trước đó.
Thiết nghĩ, để có một mùa ĐHCĐ hiệu quả, bên cạnh việc doanh nghiệp phải chuyên nghiệp lên thì các nhà đầu tư cá nhân cũng cần chuẩn bị kỹ tâm thế khi đi dự đại hội.
Nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp mình đầu tư, báo cáo kết quả kinh doanh, tình hình sản xuất - kinh doanh, nghiên cứu kỹ tài liệu trước khi tham dự đại hội để có cơ sở chất vấn, hỏi đáp và bám sát được tình hình của đại hội. Tránh tình trạng đi họp cho vui, cho đủ người. Nếu chưa sẵn sàng, bạn nên ủy quyền cho những người có chuyên môn tốt hơn đi họp.