Từ năm 2006, khi MobiFone công bố tiến trình cổ phần hoá, Orange đã bày tỏ ý muốn trở thành đối tác chiến lược của MobiFone.

Từ năm 2006, khi MobiFone công bố tiến trình cổ phần hoá, Orange đã bày tỏ ý muốn trở thành đối tác chiến lược của MobiFone.

“Đại gia” viễn thông Pháp quyết mua cổ phần MobiFone

Đã gần 5 năm, công ty viễn thông Orange France Telecom (Pháp) vẫn theo đuổi mua cổ phần của MobiFone.

Cách đây đúng một tuần, Orange đã chính thức bổ nhiệm ông Laurent Zylberberg làm giám đốc quốc gia mới của công ty này tại Việt Nam (Orange là công ty con của France Telecom - PV), thay cho ông Jacques Fulcrant và công bố chiến lược "Cuộc chinh phục 2015” tại Việt Nam .

 

Theo đó, "Cuộc chinh phục 2015” tập trung vào bốn yếu tố then chốt là con người, mạng lưới, khách hàng và phát triển trên quy mô toàn cầu, với mục tiêu kết hợp giữa hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hội, đem công nghệ số và các ứng dụng kĩ thuật số mới đến với đại chúng, giúp khách hàng có được sự đơn giản, minh bạch và an toàn tuyệt đối trong thế giới công nghệ.

 

Ông Jacques Fulcrant tâm sự, điều nuối tiếc của ông sau 4 năm làm việc tại Việt Nam là Orange đã chưa đủ cơ hội để tham gia vào sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam. Ngoài ra, Orange cũng có nhiều dự án, kế hoạch được đề xuất, nhưng chưa thực hiện được.

 

Từ năm 2006, khi MobiFone công bố tiến trình cổ phần hoá, Orange đã bày tỏ ý muốn trở thành đối tác chiến lược của MobiFone. Orange đã xúc tiến các hoạt động hỗ trợ, hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để tiến tới thực hiện cho kế hoạch này.

 

Tuy nhiên, đã gần 5 năm, do nhiều vấn đề khó khăn khác nhau, đặc biệt là khó khăn chung của nền kinh tế và của thị trường chứng khoán, nên kế hoạch cổ phần hóa của MobiFone đã nhiều lần và nhiều năm bị gác lại.

 

“Tôi sẽ chuyển lại kế hoạch tiếp tục theo đuổi mua cổ phần MobiFone cho người kế nhiệm Laurent Zylberberg”, ông Jacques Fulcrant nói.

 

Theo đánh giá của ông, chưa thấy thị trường viễn thông di động nào lại năng động và phát triển nhanh như ở Việt Nam . Tuy nhiên, thị trường viễn thông Việt Nam có quá nhiều nhà khai thác, trong khi ở các thị trường khác chỉ có khoảng 3-4 nhà khai thác dịch vụ, cùng lắm là 5, đồng thời có sự phân chia thị phần khá đồng đều.

 

Ở Việt Nam, thị phần lại thuộc 3 nhà mạng lớn, trong đó có hai nhà mạng thuộc VNPT, 4 mạng nhỏ còn lại chỉ chiếm một thị phần rất ít.

 

Người kế nhiệm, ông Laurent Zylberberg, cũng cho rằng, thị trường di động Việt Nam đã đạt đến ngưỡng bão hòa và đã đến lúc phải chuyển sang giai đoạn hai, với yêu cầu mới là cần tập trung vào các ứng dụng và dịch vụ giá trị gia tăng để nâng cao lợi ích cho người sử dụng. Với giai đoạn này, Orange có khả năng và mong muốn hỗ trợ Việt Nam .

 

Tuy nhiên, trước câu hỏi đặt ra là tại sao Orange France Telecom không mua cổ phần và làm đối tác chiến lược của một mạng di động nhỏ rồi sau đó phát triển thành một mạng di động lớn, khi mà các mạng nhỏ đang có nhu cầu bán cổ phần, ông Laurent Zylberberg cho biết công ty có thể sẽ xem xét sau.

 

Nhưng, sự “xem xét sau” về việc mua cổ phần các mạng nhỏ của France Telecom sẽ khó xảy ra, khi ông Laurent Zylberberg cho rằng, chiến lược toàn cầu của France Telecom là mong muốn trở thành nhà khai thác hàng đầu và tốt nhất, nên sẽ “kỳ lạ” khi công ty viễn thông lớn hàng đầu thế giới này lại mua cổ phần trong mạng di động nhỏ tại Việt Nam.

 

Kế hoạch mua cổ phần MobiFone dưới thời ông Laurent Zylberberg được nhận định sẽ sáng sủa hơn so với thời của ông Jacques Fulcrant, do những tín hiệu chính sách về quyết tâm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có MobiFone, đang ngày càng tích cực. Hôm 6/9, trong cuộc gặp mặt các chuyên gia quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, năm 2012, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ được thúc đẩy trở lại.