Kobe Steel là hãng thép lớn thứ 3 Nhật Bản. Cuối tuần trước, họ thừa nhận làm giả số liệu liên quan đến độ cứng và độ bền của một số sản phẩm nhôm, đồng để đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Hãng cho biết số sản phẩm trên đã được chuyển tới hơn 200 công ty, nhưng không tiết lộ tên cụ thể. Họ phát hiện sự việc khi đang điều tra về các sản phẩm xuất xưởng từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017. Tuy nhiên, Kobe Steel chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về các vấn đề an toàn liên quan đến số sản phẩm trên. Chúng trên chiếm 4% số sản phẩm bán ra trong giai đoạn trên.
Dù vậy, cổ phiếu Kobe Steel hôm nay đã mất 22% tại Tokyo, khi nhiều khách hàng của họ, trong đó có Toyota Motor, Honda Motor và Subaru cho biết đã dùng số vật liệu bị lỗi.
“Chúng tôi đang nhanh chóng tìm ra dòng xe nào có thể chịu ảnh hưởng từ việc này và cụ thể là bộ phận nào”, người phát ngôn của Toyota - Takashi Ogawa cho biết.
Honda đã dùng số sản phẩm sai tiêu chuẩn từ Kobe Steel trong cửa xe và capo. Madza Motor cũng xác nhận dùng nhôm của hãng này. Suzuki Motor và Mitsubishi Motors đều cho biết đang kiểm tra xem liệu xe của họ có bị ảnh hưởng hay không. Boeing - khách hàng của Subaru thì thông báo đến nay, họ chưa nhận thấy có vấn đề về an toàn.
Kobe Stell cho biết vẫn đang theo dõi ảnh hưởng của việc này lên lợi nhuận và đã thành lập một hội đồng xử lý các vấn đề về chất lượng. Mảng đồng - nhôm đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu của hãng, theo số liệu quý II.
Gần đây, hàng loạt công ty Nhật Bản đã vướng scandal chất lượng sản phẩm. Takata tuyên bố phá sản hồi tháng 6, do cuộc khủng hoảng lỗi túi khí lớn nhất lịch sử. Toyo Tire & Rubber năm 2015 cũng thừa nhận làm giả số liệu về cao su dùng trong các tòa nhà chống động đất. Tuần trước, Nissan Motor phải thu hồi hơn một triệu xe tại Nhật Bản, sau khi giới chức phát hiện kỹ thuật viên không đủ thẩm quyền đã cấp phép chất lượng cho sản phẩm.