Đại gia “núp sau” Trịnh Xuân Thanh mua đất Tam Đảo khai gì?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phủ nhận việc bàn bạc với Trịnh Xuân Thanh, cựu Tổng giám đốc PVC Kinh Bắc cho rằng khi nhận cáo trạng, bị cáo “rất bàng hoàng”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Bị cáo Đỗ Văn Hồng (cựu Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc – PVC Kinh Bắc) bị truy tố đồng phạm với Trịnh Xuân Thanh về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến việc mua 3.400 m2 đất Tam Đảo, gây thiệt hại cho PVC số tiền 13,2 tỷ đồng.

Tại PVC Kinh Bắc, PVC góp 23,5 tỷ đồng, chiếm 15,67% vốn điều lệ.

Trước tòa bị cáo Hồng khai nhận, Trịnh Xuân Thanh bàn bạc với bị cáo về việc thành lập PVC Kinh Bắc vì nhận thấy PVC là cổ đông có tiềm năng.

Năm 2009, PVC Kinh Bắc ký hợp đồng với PVC thi công một số hạng mục thuộc Dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ - Hải Phòng, giá trị 132 tỷ đồng. PVC Kinh Bắc được tạm ứng 132 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, quá trình thực hiện hợp đồng, bị cáo Hồng và Thanh đã bàn bạc mua 3.400 m2 đất ở Tam Đảo với giá 23,8 tỷ đồng để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Để có nguồn tiền, Trịnh Xuân Thanh sẽ lợi dụng vị trí là Chủ tịch HĐQT PVC để chỉ đạo PVC tiếp tục tạm ứng cho PVC Kinh Bắc số tiền 25 tỷ đồng. Ngày 29/6/2010, PVC đã tạm ứng cho PVC Kinh Bắc số tiền trên. Ngay sau đó, Hồng dùng tiền này để thanh toán tiền mua đất.

Nhằm hợp thức khoản tiền trên, cả hai đã bàn bạc tăng vốn điều lệ PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Trong đó PVC góp thêm 21 tỷ đồng và được gán trừ vào tiền tạm ứng.

Sau hành vi trên, Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương (do ông Trịnh Xuân Giới, bố đẻ Trịnh Xuân Thanh làm Giám đốc) với giá 23,8 tỷ đồng. Hiện Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương mới thanh toán 20,8 tỷ đồng, còn nợ 3 tỷ đồng. PVC Kinh Bắc vẫn đang treo khoản nợ trên.

Cáo trạng xác định, Hồng biết rõ động cơ, mục đích của Trịnh Xuân Thanh nên đã giúp sức trong việc làm thủ tục tạm ứng, góp vốn điều lệ trái quy định, gây thiệt hại cho PVC 13,2 tỷ đồng.

Thừa nhận việc mua đất trên Tam Đảo nhưng bị cáo Hồng phủ nhận việc có sự bàn bạc với Trịnh Xuân Thành.

“Việc thi công công trình tại dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ bị cáo thực hiện đúng tiến độ, không chiếm dụng vốn của PVC để gây thiệt hại. Còn về hành vi tạm ứng 25 tỷ đồng không gây hậu quả vì nếu có thiệt hại bị cáo phạm vào tội đưa hối lộ. Nhưng bị cáo đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”, bị cáo Hồng nói.

Về việc mua đất ở Tam Đảo, cựu Tổng giám đốc PVC Kinh Bắc khai nhận, Công ty đã lập dự án, thiết kế tòa nhà 9 tầng và 5 biệt thự lấy tên là Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp. Sau đó, bị cáo nghiên cứu lại thị trường, thay đổi phương án kinh doanh khác là xây dựng các biệt thự riêng lẻ để bán.

“Việc mua đất là thực sự, không nằm trong thỏa thuận với Trịnh Xuân Thanh. Bị cáo đã thiết kế chia nhỏ đất thành 8 ô đất. Nhưng do kinh tế khó khăn nên khó bán, Thanh nhận mua hết đất nên bị cáo đã bán đất trên cho Thanh. Việc thỏa thuận chuyển nhượng đất bị cáo trực tiếp làm việc với Thanh, một vài lần ông Giới chuyển tiền, còn bị cáo không làm việc với ai khác”, bị cáo Hồng khai.

Trả lời về việc chuyển tiền tạm ứng sang góp vốn, bị cáo Hồng cho rằng, việc tăng vốn để phục vụ hoạt động của Công ty. Việc nhận góp vốn bằng tiền, tài sản đều hợp pháp. “Bị cáo không có đủ năng lực gì để biết Thanh làm sai”, bị cáo Hồng lập luận.

“Vậy bị cáo dùng tiền tạm ứng để thi công mang đi mua đất có đúng không”, tòa chất vấn.

Bị cáo Hồng đáp, việc chi tiêu doanh nghiệp hoàn toàn không có quy định rõ đồng nào mua cá, đồng nào mua rau. Bị cáo thực hiện hợp đồng với PVC bằng nguồn lực khác của Công ty. Bị cáo chỉ sai khi không thực hiện hợp đồng.

Tin bài liên quan