Các công ty dầu khí Trung Quốc buộc phải tìm cách để mở rộng nguồn cung dầu

Các công ty dầu khí Trung Quốc buộc phải tìm cách để mở rộng nguồn cung dầu

“Đại gia” dầu khí Trung Quốc bước vào cuộc chơi M&A toàn cầu

(ĐTCK) Nhờ sự tụt dốc mạnh mẽ của giá dầu, hoạt động M&A ngành năng lượng trên toàn cầu đã diễn ra sôi động với nhiều thương vụ đình đám kể từ đầu năm cho tới nay. 

Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến việc Royal Dutch Shell mạnh tay chi 70 tỷ USD mua lại BG Group Plc, tạo nên thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành năng lượng trong ít nhất một thập kỷ qua. Trong làn sóng M&A nhộn nhịp này, điều đáng chú ý là sự vắng bóng của các tập đoàn năng lượng lớn đến từ Trung Quốc, nhưng dường như, điều này sẽ thay đổi.

Công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn Dầu khí trung quốc (PetroChina), nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí lớn nhất Trung Quốc vừa tuyên bố, họ đang để mắt tới một số mục tiêu và đang tiến hành thỏa thuận mua lại tài sản tại Bắc Mỹ. Đối thủ của PetroChina, Tập đoàn Dầu khí và hóa chất Trung Quốc (Sinopec), công ty chế xuất lớn nhất châu Á, cũng đưa ra tín hiệu tìm kiếm các tài sản từ nước ngoài để tiến hành hoạt động sáp nhập.

Wang Dongjin, Chủ tịch PetroChina cho biết: “Giá dầu rẻ là cơ hội tốt cho việc sáp nhập. Vấn đề quan trọng hiện tại là thời gian thích hợp. Chúng tôi đã khảo sát một số tài sản trong thời gian qua và đang đợi điểm đến thích hợp đến”.

Cùng ngày với phát ngôn trên của PetroChina, Chủ tịch Sinopec Wang Yupu cũng thông báo, Công ty này đã tìm kiếm được một số tài sản nước ngoài có giá trị cao để tiến hành hoạt động mua lại.

Bộ ba quyền lực trong ngành năng lượng Trung Quốc, bao gồm PetroChina, Sinopec và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC), đã chi gần 119 tỷ USD, chiếm 13% tổng giá trị các thương vụ M&A ngành năng lượng toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2009 tới năm 2013, theo số liệu của Bloomberg. Hoạt động này trong năm ngoái chững lại với con số khiêm tốn và kể từ đầu năm cho tới nay, các công ty này chưa chi một đồng nào, chỉ đứng một bên theo dõi hoạt động M&A của các “đại gia” khác trên thế giới.

“Đang có một cuộc đua trên toàn cầu nhằm thu nhặt những tài sản giá rẻ, vì vậy Trung Quốc không muốn bị bỏ lại phía sau. Họ có rất nhiều các trợ lực bên cạnh việc giá dầu giảm mạnh, trong đó, phải kể tới các gói vay giá rẻ đang được chính phủ Trung Quốc cung cấp. Họ tất nhiên sẽ giành lấy lợi thế trong chiến lược mua lại các tài sản của các công ty năng lượng nước ngoài, hoặc mua toàn bộ công ty”, Gordon Kwan, chuyên gia của Nomura Holdings Inc tại Hong Kong cho biết.

Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua đã tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động M&A trên thị trường năng lượng. 3 trong số 5 quý gần đầy, giá trị của các thương vụ mua bán, sáp nhập đều đạt trên 160 tỷ USD, vượt qua cả làn sóng M&A vào cuối những năm 1990, giai đoạn mà rất nhiều các tập đoàn năng lượng lớn được hình thành, theo số liệu của Bloomberg. Giá dầu thô Brent, loại tiêu chuẩn cho một nửa số lượng dầu tiêu thụ trên thế giới, đã giảm khoảng 50% trong năm vừa qua.

Theo các chuyên gia, việc bộ ba trên bắt đầu tham gia làn sóng M&A toàn cầu vào thời gian này không chỉ nhằm mục đích mở rộng đế chế của mình, mà còn là một nghĩa vụ đối với quốc gia. Lý do là bởi, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trở lại, trong khi nguồn khai thác khá hạn chế tại Trung Quốc, buộc các công ty dầu khí phải tìm cách để mở rộng nguồn cung dầu.

Trung Quốc tiêu thụ khoảng 10,7 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2014. Dự kiến, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng lên mức 13,1 triệu thùng/ngày cho tới năm 2020 và 20 triệu thùng/ngày vào năm 2040, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Phần lớn nguồn cung dầu đến từ thị trường nước ngoài, bởi sản lượng sản xuất trong nước chỉ đạt 5,7 triệu thùng/ngày tính tới năm 2040.

Sinopec, công ty thăm dò, khai thác dầu khí lớn nhất Trung Quốc, có kho dự trữ dầu chỉ đủ cho 9 năm nếu vẫn duy trì sản lượng ở mức hiện tại. CNOOC, nhà sản xuất dầu và khí đốt ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc, cũng chỉ có đủ lượng dự trữ cho 10 năm, cho dù đã mua lại nhà sản xuất Nexen của Canada năm 2012. Trong khi đó, lượng dự trữ của Exxon Mobil Corp và BP Plc đủ cho hơn 15 năm, với cùng mức tiêu thụ, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg.

“Chỉ có một cách giải quyết duy nhất là tiến hành mua lại các tài sản từ nước ngoài. Với hoạt động M&A, họ vừa có thể tạo nguồn cung cho thị trường nội địa vừa có thể cung cấp ra thị trường quốc tế, tạo thêm ảnh hưởng lên thị trường dầu mỏ toàn cầu”, Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng tại Trung Quốc, đồng thời là một thành viên hội đồng quản trị độc lập của PetroChina cho biết.  

Tin bài liên quan