Ngoài các nguyên tắc đầu tư đã được chứng minh tính hiệu quả, sự thành công trên thị trường chứng khoán đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, sự quyết đoán, dám đi ngược đám đông…

Ngoài các nguyên tắc đầu tư đã được chứng minh tính hiệu quả, sự thành công trên thị trường chứng khoán đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, sự quyết đoán, dám đi ngược đám đông…

Đại gia cũng tích sản trên sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư giá trị, bao gồm lãnh đạo doanh nghiệp, với chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu thường tranh thủ những thời điểm thị trường hoảng loạn, bán tháo để mua tài sản giá rẻ trên sàn.

Lãnh đạo doanh nghiệp tích lũy cổ phiếu

Trong số những nhà đầu tư giá trị mua và nắm giữ cổ phiếu, các cổ đông sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp thường thực hiện chiến lược mua vào lúc thị trường giảm giá mạnh, như đợt hoảng loạn tháng 3/2020. Khi đó, do tác động tâm lý bởi đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư cá nhân bán tháo cổ phiếu, dẫn đến giá lao dốc.

Năm ngoái, Trần Vũ Minh, con ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HPG) đã mua 40 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 17/3 đến 24/4/2020. Tính theo giá đã điều chỉnh cổ tức, cổ phiếu HPG trong tháng 4/2020 dao động từ 10.380 - 12.930 đồng/cổ phiếu, đóng cửa cuối tuần qua tại 48.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, năm 2019, ông Trần Đình Long mua gần 5,6 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 21/6 - 19/7/2019 ở vùng giá thấp nhất trong năm (quanh mức 13.000 đồng/cổ phiếu, tính theo giá đã điều chỉnh). Ông Long và gia đình chủ yếu mua vào cổ phiếu HPG kể từ khi niêm yết chứ không bán ra, nâng tỷ lệ sở hữu từ mức 30% lên hơn 50% hiện nay, đưa ông Long lên Top cao nhất trong danh sách người giàu trên thị trường chứng khoán.

Tương tự, tại Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), ngay sau giai đoạn cổ phiếu bị bán tháo theo thị trường chung, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã mua 10 triệu cổ phiếu KBC từ ngày 2 - 24/4/2020, với mức giá quanh 12.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, cổ phiếu KBC đang có mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu.

Ở Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), dù giá cổ phiếu không giảm nhiều theo thị trường chung, nhưng bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã mua vào 15 triệu cổ phiếu REE từ ngày 20/3 - 18/4/2020. Thời điểm mua, cổ phiếu REE được giao dịch quanh ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu, đến nay tăng lên trên 67.000 đồng/cổ phiếu.

Đối với cổ phiếu BWE của Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BWE), ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty liên tục gom cổ phiếu trong 4 năm qua.

Tính tới ngày 14/5/2021, ông Thiền sở hữu 7,7 triệu cổ phiếu BWE, tương đương 4,97% vốn điều lệ. Khi niêm yết ngày 20/7/2017, ông Thiền chỉ sở hữu 107.500 cổ phiếu BWE, tương đương 0,072% vốn điều lệ. Giai đoạn 2017 - 2020, giá cổ phiếu BWE dao động trong khoảng 15.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu, sau đó liên tục tăng trong hơn 1 năm trở lại đây, đến cuối tuần qua đạt 45.600 đồng/cổ phiếu.

Nhìn lại lịch sử, sau các đợt bán tháo, cổ phiếu của những doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt đều có xu hướng tăng trở lại, thậm chí tăng rất cao, giúp gia tăng tài sản cho các nhà đầu tư có chiến lược tích lũy cổ phiếu.

Chiến lược đó an toàn hơn ở nhóm VN30. Chỉ số VN30 kể từ khi ra mắt ngày 6/2/2012 tới nay thể hiện một xu hướng tăng dài hạn của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn và thanh khoản hàng đầu sàn HOSE.

Nếu như nhà đầu tư liên tục thực hiện chiến lược tích luỹ tài sản theo nhóm cổ phiếu này, thì dù thị trường có trải qua nhiều con sóng khác nhau, thậm chí sóng giảm mạnh như giai đoạn tháng 4/2018 đến tháng 3/2020, thì vẫn thu được lợi nhuận cao.

Những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm có thể tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn tại nhóm vốn hóa trung bình, nhưng đòi hỏi phải lựa chọn các mã cổ phiếu kỹ càng hơn.

Kiểm soát tâm lý là yếu tố quan trọng

Thực tế, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ ít khi mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn, chủ yếu do yếu tố tâm lý. Khi cổ phiếu giảm giá, họ lo ngại giá có thể giảm sâu hơn nên bán ra, khiến giá giảm quá đà.

Ngược lại, khi thị trường hưng phấn, họ yên tâm giải ngân và sẵn sàng sử dụng nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin), sau đó hiện thực hóa lợi nhuận. Động thái ồ ạt chốt lời thường khiến giá điều chỉnh giảm và những nhà đầu tư chậm chân (tức mua sau) đối diện với nguy cơ thua lỗ.

Chính vì tâm lý là yếu tố chi phối đáng kể tới khả năng thành công trong đầu tư nên nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett khuyến nghị: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã giàu lại càng giàu thêm khi nắm giữ dài hạn cổ phiếu và mua thêm khi giá giảm.

Giống như những cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp thường quyết định giải ngân ngay khi thị trường trải qua đợt bán tháo, điều này giúp giới nhà giàu tích luỹ và gia tăng đáng kể tài sản sau mỗi giai đoạn khủng hoảng, hoặc nhịp bán tháo kéo dài.

Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân nói chung bị chi phối bởi yếu tố cảm xúc, diễn biến bảng điện tử, áp lực từ tiền vay, hoặc thông tin bất cân xứng giữa cổ đông thiểu số và ban lãnh đạo doanh nghiệp, nên các quyết định đầu tư có xác suất thành công ít hơn.

Tuy nhiên, có những nhà đầu tư cá nhân thực hiện chiến lược tích luỹ tài sản trong các giai đoạn giảm giá, với nhận định khó khăn chỉ trong ngắn hạn, xu hướng dài hạn vẫn là tăng.

Một số nhà đầu tư chia sẻ, họ giải ngân khi giá cổ phiếu giảm khoảng 20% và mua thêm nếu giá giảm sâu hơn, nhất là khi xuống dưới giá trị sổ sách, hay dưới lượng tiền mặt/cổ phiếu, trong khi doanh nghiệp trả cổ tức cao và ổn định, ngành nghề kinh doanh có triển vọng trong dài hạn.

Không ít nhà đầu tư nắm được các nguyên tắc đầu tư đã được chứng minh tính hiệu quả, nhưng sự thành công trên thực tế đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, sự quyết đoán, dám đi ngược đám đông.

Tin bài liên quan