Năm 2017, SCIC thu được 3.716 tỷ đồng cổ tức, trong đó 123,8 tỷ đồng cổ tức phát sinh trước ngày 31/12/2016.

Năm 2017, SCIC thu được 3.716 tỷ đồng cổ tức, trong đó 123,8 tỷ đồng cổ tức phát sinh trước ngày 31/12/2016.

“Đại gia” cũng khổ vì nợ

(ĐTCK) Trước khi thoái vốn, thông thường, Nhà nước sẽ phải thu hồi tất cả các khoản nợ còn tồn đọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, công tác thu hồi công nợ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), các khoản nợ quá hạn, nợ khó đòi chủ yếu phát sinh từ cổ tức tại các doanh nghiệp chưa niêm yết, bao gồm cả tồn đọng các khoản nợ phải thu cổ tức.

Nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp chưa niêm yết tuy đã thông báo trả cổ tức, nhưng thời điểm chốt danh sách cổ đông cũng như thời điểm trả cổ tức không rõ ràng. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc SCIC ghi nhận cũng như đánh giá, phân loại nợ phải thu, khó thống nhất giữa SCIC và doanh nghiệp.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp cố tình chiếm dụng vốn của cổ đông. Nguyên nhân của tình trạng này là không có chế tài xử lý doanh nghiệp chậm, trì hoãn việc trả cổ tức.

Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 132) chỉ quy định cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội cổ đông thường niên, nhưng không quy định cụ thể về việc phạt doanh nghiệp nếu chậm trả cổ tức cho các cổ đông.

Do vậy, để xác định vấn đề này, Điều lệ hoặc quy định nội bộ của doanh nghiệp phải nêu rõ mới có thể áp dụng được. Trong nhiều trường hợp, Điều lệ hoặc quy định nội bộ không quy định về điểm này, dẫn đến doanh nghiệp cố tình chiếm dụng vốn của cổ đông.

Có một số doanh nghiệp khó khăn trong việc bố trí dòng tiền trả cổ tức do khả năng quản trị dòng tiền của doanh nghiệp chưa tốt. Thông thường, nợ cổ tức trong trường hợp này là cổ tức phát sinh từ nhiều năm trước, còn thời điểm hiện tại doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Tùy từng doanh nghiệp cụ thể mà SCIC có thể thực hiện bán vốn để bảo toàn vốn đầu tư, nhưng vẫn còn nợ phải thu cổ tức. Trong trường hợp này, SCIC thường yêu cầu doanh nghiệp phải ký cam kết, lộ trình trả nợ.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hợp tác trong việc ký cam kết trả nợ, hoặc đã ký cam kết nhưng doanh nghiệp sau khi bán vẫn tiếp tục không trả được nợ, hoặc ban điều hành doanh nghiệp mới không thống nhất với cam kết trước đây… dẫn đến cam kết không được thực thi, đồng thời việc xử lý pháp lý cũng tốn thời gian, chi phí, kém hiệu quả…

Trong năm 2017, SCIC thu được 3.716 tỷ đồng cổ tức, trong đó 123,8 tỷ đồng cổ tức phát sinh trước ngày 31/12/2016, chiếm 81% công nợ cổ tức trước thời điểm này.

Dù vậy, đại diện SCIC cũng thừa nhận, kết quả thu được còn hạn chế vì một số nguyên nhân như doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả nên không có tiền trả nợ; không có chế tài đủ mạnh (như khởi kiện, yêu cầu phong tỏa tài khoản) để buộc doanh nghiệp trả nợ, kể cả nợ quỹ; thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng do coi đây là vụ việc dân sự, mặc dù có yếu tố vốn/tài sản nhà nước...

Mặt khác, cổ đông nhà nước dù đã tính đến việc rà soát, tổng hợp hồ sơ các doanh nghiệp nợ cổ tức, tiến hành khởi kiện để thu hồi công nợ, song việc này khó khả thi.

Theo thời gian, tình trạng này sẽ càng trở nên bất lợi cho cổ đông nhà nước do những thay đổi về nhân sự lãnh đạo doanh nghiệp, thay đổi cơ cấu cổ đông, hoặc do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ, thậm chí giải thể, phá sản.

Trong bối cảnh đó, đại diện SCIC cho rằng, việc xem xét thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là giải pháp cần sớm triển khai.

Nếu cơ chế này được xây dựng và thực thi, những khoản nợ xấu, nợ khó đòi tại các doanh nghiệp theo lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ được xem xét, đàm phán để bán lại cho DATC. Điều này sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho các bên:

Một mặt, giúp SCIC đẩy nhanh quá trình bán vốn, kịp thời thu hồi vốn cho Nhà nước, hoàn tất quá trình cổ phần hóa toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp; mặt khác, với việc tái cơ cấu, chuyển khoản nợ thành vốn góp, DATC trong vai trò cổ đông sẽ hỗ trợ HĐQT và Ban điều hành doanh nghiệp cải tiến công tác quản trị và tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp và cổ đông.

Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, việc tham gia của DATC vào quá trình mua nợ từ SCIC và tái cơ cấu doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khủng hoảng, từng bước ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, danh mục của SCIC đang tồn tại một số doanh nghiệp thuộc diện này, đó là CTCP Nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên Huế, CTCP Dịch vụ thương mại công nghiệp, CTCP Xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi...

Tin bài liên quan