Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Quốc hội nên thay đổi cách thảo luận

0:00 / 0:00
0:00

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, trải ra cả 3 ngày, nhưng nội dung phát biểu không liên kết với nhau.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Kết thúc 6 phiên Quốc hội thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội, ngân sách tại kỳ họp thứ 10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, trải ra cả 3 ngày, nhưng nội dung phát biểu không liên kết với nhau; nên tập trung vào từng chuyên đề để thảo luận, tranh luận thật sâu.

Là kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Quốc hội không chỉ đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách của năm nay, xem xét kế hoạch năm 2021, mà còn “cân đong” cả kế hoạch đầu tư công, tài chính công cho giai đoạn 5 năm tới, nên thời gian thảo luận tại hội trường được bố trí gấp đôi những kỳ họp khác. Thế nhưng, những tranh luận “nảy lửa” chỉ tập trung vào thủy điện và sai sót của sách giáo khoa lớp 1. Những kế hoạch lớn về kinh tế lại chỉ có ông và một số vị khác đề cập?

Đúng là 3 ngày thảo luận tại kỳ họp này không được như mong đợi, không như những lần trước, cần rút kinh nghiệm. Trải ra 3 ngày, nhưng nội dung không liên kết với nhau, vị này vừa phát biểu về lũ lụt, ngay sau đó vị khác nói về ngân sách, rồi sang thuỷ điện, bảo vệ rừng... và nhiều vấn đề khác nữa, như thế không đảm bảo cho cử tri theo dõi liên tục.

Theo tôi, nên tập trung vào từng chuyên đề để thảo luận và tranh luận cho thật sâu, làm rõ vấn đề. Kỳ này thảo luận bao gồm 5 nội dung, mỗi nội dung nên bố trí một quỹ thời gian hợp lý để thảo luận riêng, đại biểu nào quan tâm thì đăng ký phát biểu, tranh luận. Chứ như 3 ngày vừa qua, đại biểu nghe còn thấy “mệt”.

“Mệt” nhưng ông vẫn đăng ký phát biểu hai lần và rất lo lắng về tình hình tài chính. Phải chăng bài toán ngân sách đang quá khó khăn, cần “đường ray” vững chắc để “con tàu ngân sách” vận hành an toàn?

Đúng là rất cần đường ray đó. Năm 2020 là một biến bất thường, nên các nước đều phải tăng bội chi ngân sách và tổng nợ công của thế giới đã tăng thêm 6.000 tỷ UDS để giải quyết các vấn đề cấp bách. Nhưng các nước đều phải xây dựng những kế hoạch để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, mà muốn ổn định thì phải kiểm soát bội chi, vì nếu bội chi cao, thì lãi suất sẽ tăng, gây khó khăn cho nền kinh tế.

Bởi thế, trong nước có hai khoản chi mà theo tôi cần phải được kiểm soát thật chặt chẽ. Đầu tiên là kiểm soát các dự án đầu tư công với những tiêu chí thật cụ thể. Kế hoạch đầu tư công năm 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, đó là một con số quá lớn, giai đoạn 5 năm vừa qua chỉ là 2 triệu tỷ đồng. Vậy tiền ở đâu ra mà 5 năm tới tăng lên bằng đó.

Như báo cáo của Bộ Tài chính, để có được nguồn tiền cho đầu tư công 2,75 triệu tỷ đồng, thì tổng thu ngân sách của 5 năm tới phải đạt trên 7,8 triệu tỷ đồng. Con số này tôi thấy rất là khó, vì 5 năm qua, kinh tế tăng trưởng tốt mà chỉ thu được 6,7 triệu tỷ đồng thôi. 5 năm tới đầy thách thức, đầy rủi ro mà dự trù thu đến trên 7,8 triệu tỷ đồng thì tôi thấy khó.

Hụt thu ngân sách nhà nước năm 2020 được cảnh báo lên đến 189.000 tỷ đồng rồi, các năm 2021 - 2022 đều khó khăn, đến năm 2023 mới có khả năng thu bằng số thu của năm 2019. Như vậy, nguồn lực để đáp ứng cho nhu cầu chi này rất khó, cần rà soát thật kỹ xem dự án nào cần đầu tư công, dự án nào cần huy động nguồn lực xã hội.

Nếu có tiền thì chúng ta nên đầu tư, nhưng trong điều kiện hạn hẹp hiện nay, chúng ta phải hết sức thận trọng, nếu không là vỡ nợ. Cho nên, phải ưu tiên cho các dự án không phải là cần thiết, mà phải là cấp thiết và phải nuôi dưỡng nguồn thu, đi kèm đó là tiết kiệm khoản chi.

Khoản chi thứ hai cần kiểm soát chặt là chi thường xuyên, tổng cộng 5 năm tới khoảng 6 triệu tỷ đồng, mỗi năm khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Chúng ta đã có Nghị quyết 18 của Trung ương về vấn đề tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhưng khoản chi thường xuyên trong thời gian qua còn giảm rất ít, cho nên, phải tiết kiệm nhiều hơn.

Kiểm soát 2 khoản chi rất lớn trên để giảm bội chi, giảm phát hành trái phiếu trên thị trường, vì khi phát hành trái phiếu là cạnh tranh với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần tiền, Nhà nước cũng cần, như vậy cầu vốn tăng lên thì sẽ đẩy lãi suất lên, gây khó khăn cho nền kinh tế.

Trong tiết kiệm chi thường xuyên, ông có thấy giải pháp dừng tăng lương năm 2020 và 2021 như Chính phủ trình là cần thiết?

Theo tôi, cần có cơ chế tiền lương hợp lý, bộ máy tinh gọn, hiệu quả, thì thu nhập của cán bộ công chức có thể tăng lên, chứ không phải cắt cái này, dừng cái nọ. Quan trọng là hiệu quả, chất lượng công việc nâng lên, thì góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư tư nhân tăng lên, sẽ góp phần tăng thu ngân sách. Vấn đề là khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấy môi trường kinh doanh thuận lợi hơn thì sẽ đầu tư nhiều hơn. Và như thế thì cán bộ, công chức cần được trả lương hợp lý.

5 nội dung Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách tại kỳ họp thứ 10

- Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021 (gồm có phương án phân bổ ngân sách trung ương năm sau).

- Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

- Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

- Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

- Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Tin bài liên quan