Những ngày qua, người dân tỉnh Kiên Giang và lân cận phản đối về vị trí đặt Trạm T2, khi ùn tắc, chủ đầu tư buộc phải xả trạm nhiều lần. Bà có ý kiến gì về việc này?
Mấy ngày nay, tôi có theo dõi trên các phương tiện báo chí về việc các chủ phương tiện phản ứng ở Trạm T2 trên đoạn BOT của QL 91, nằm giữa đoạn từ bến phà Vàm Cống đến ngã ba Lộ Tẻ, thuộc địa phận TP Cần Thơ. Tôi cho rằng, việc phản ứng và bức xúc của người dân Kiên Giang cũng như các tỉnh lân cận là có nguyên do của nó.
Cụ thể, người dân lưu thông theo tuyến QL 80 từ Kiên Giang đi TP HCM và ngược lại, chỉ đi qua đoạn BOT trên QL 91 này có gần 1km mà phải qua trạm và trả phí bằng cả tuyến BOT của dự án này (khoảng 45km). Theo bảng giá của trạm này, mức phí thấp nhất 35.000đ/xe ôtô con, còn các loại xe khách và xe tải với giá từ 45.000đ đến trên 100.000/xe cho mỗi lượt qua trạm T2 này.
Sau khi Trạm T2 đi vào hoạt động vào đầu năm 2017, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đi tiếp xúc cử tri và nhận được nhiều ý kiến phản đối về việc vị trí đặt Trạm này không đúng chỗ, khiến phương tiện đi trên QL80 do giao cắt với QL 91 gần ngã ba Lộ Tẻ xuống bến phà Vàm Cống cũng phải chịu mức phí như đi cả tuyến đường.
Theo đó, các cử tri đề nghị dời Trạm T2 qua khỏi ngã ba Lộ Tẻ về hướng TP Cần Thơ là hợp lý nhất, hoặc tính toán lại giá tiền thu phí của 1km đường BOT mà người dân sử dụng, thay vì người dân trả phí cho toàn tuyến 45 km BOT này.
Với vai trò là Đại biểu Quốc hội, thời gian qua cá nhân bà cũng như Đoàn Quốc hội ở tỉnh Kiên Giang đã có kiến nghị gì với các ngành chức năng về việc này chưa và kết quả ra sao, thưa bà ?
Ngay tại diễn đàn kỳ Họp Quốc hội lần thứ 4 vừa qua, tôi đã có ý kiến với ngành GTVT. Trong đó, tôi nêu cụ thể sự bất cập ở Trạm T2 của dự án BOT trên QL91 này, đúng như phản ánh của cử tri. Sau đó Bộ GTVT có công văn trả lời chung chung và ghi nhận ý kiến phản ánh. Thế nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết thoả đáng và dứt điểm về vấn đề này.
Trong lúc ngân sách nhà nước còn khó khăn thì việc chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức hợp đồng BOT là đúng đắn. Vừa qua Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết cho phép đầu tư BOT đối với những con đường mới, không đầu tư trên những con đường đã được nhà nước đầu tư trước đó.
Tuy nhiên những dự án và con đường đã lỡ đầu tư BOT, như Trạm T2 của BOT trên QL 91 này thì Bộ GTVT phải công khai minh bạch chi tiết chi phí đầu tư, hạch toán giá phí và khả năng thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư... để người dân hiểu rõ. Trong đó, phải bảo đảm lợi ích hài hoà giữa người dân và nhà đầu tư BOT.
Các cử tri đề nghị dời Trạm T2 qua khỏi ngã ba Lộ Tẻ về hướng TP Cần Thơ là hợp lý nhất, hoặc tính toán lại giá tiền thu phí của 1km đường BOT mà người dân sử dụng, thay vì người dân trả phí cho toàn tuyến 45 km BOT này
Đặc biệt là không thể thu phí ở tuyến đường khác để bù đắp cho tuyến đường đầu tư BOT này. Như vậy sẽ tạo sự không công bằng giữa người dân với nhau, giữa nhà đầu tư với người dân.
Có người cho rằng, cầu Vàm Cống sắp xong trong năm 2018, khi đó những xe đi theo tuyến QL 80 từ Kiên Giang - TP HCM và ngược lại sẽ không qua Trạm T2 này nữa, nên không cần phải dời trạm, bà có ý kiến gì ?
Theo tôi, dù khi đó cầu Vàm Cống xong và xe từ Kiên Giang đi TP HCM và ngược lại không qua Trạm T2, nhưng từ Kiên Giang đi qua TP Long Xuyên (An Giang) và ngược lại cũng vẫn phải qua Trạm T2 này và phải trả phí cho toàn tuyến, dù chỉ đi có 1Km đường BOT.
QL 80 là huyết mạch và ngã ba Lộ Tẻ là cửa ngõ kết nối quan trọng từ Kiên Giang đến TP HCM và các tỉnh lân cận. Sự bất cập của Trạm T2 này tác động trực tiếp đến các phương tiện từ An Giang và Kiên Giang qua đây.
Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan chính quyền giải quyết vấn đề này, người dân phải bình tĩnh, không nên quá khích, phải tuân thủ pháp luật... Trong những ngày tới, tôi tiếp tục theo dõi diễn biến này và sẽ có phản ánh tiếp theo với các ngành chức năng bằng nhiều cách.